Dự án điện gió ngoài khơi 2.000MW tiếp tục chờ quy hoạch

Nguyễn Cảnh - 16:54, 09/04/2023

TheLEADERBa năm sau khi nghiên cứu, đề xuất, thực hiện 12 tháng đo gió phục vụ dự án điện gió ngoài khơi 2.000MW, Tập đoàn PNE vừa được tỉnh Bình Định thông tin về kế hoạch triển khai thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Bình Định, lộ trình phát triển dự án (tổng mức đầu tư hơn 4,8 tỷ USD) gồm 2 giai đoạn: Nghiên cứu, khảo sát và triển khai đầu tư dự án (sau khi có trong quy hoạch điện VIII được phê duyệt) và trường hợp nhà đầu tư được chọn theo quy định.

Tuy nhiên, mốc thời gian xác định từng giai đoạn vẫn bỏ ngỏ vì nhiều công việc chưa hoàn thành suốt thời gian qua.

Cụ thể, ở giai đoạn khảo sát nghiên cứu, sau khi kết thúc 12 tháng đo gió (từ tháng 5/2022), Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) vừa đề xuất kéo dài thời gian đo gió thêm 15 tháng (từ tháng 4/2023 tới tháng 7/2024); việc này vẫn đang chờ chấp thuận từ tỉnh Bình Định.

Bên cạnh đó, dự án còn hàng loạt bài toán nan giải khác như: Giải quyết việc chồng lấn khu vực khảo sát của dự án với tuyến vận tải ven biển (chờ đợi hướng dẫn, trả lời từ Bộ Giao thông vận tải); Xin cấp phép đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (Văn bản cấp phép của Bộ Tài nguyên và môi trường); Khảo sát địa hình, địa chất (chỉ thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận khảo sát biển).

Tiếp theo, để lọt vào "chung kết", dự án buộc phải nằm trong Quy hoạch điện VIII và nhà đầu tư được chọn theo quy định pháp luật. Đáng chú ý, nhà đầu tư vẫn phải giải nút thắt "giao khu vực biển để thực hiện dự án" (Bộ Tài nguyên và môi trường quyết định bằng văn bản).

Theo báo cáo đề xuất của Tập đoàn PNE và đơn vị tư vấn lập Hồ sơ đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy hoạch (Viện Năng lượng), Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định có tổng quy mô công suất 2.000MW, được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2025; Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026 và Giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Tổng diện tích khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định là 96.470 ha. Diện tích chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Cần nhắc lại, hồi tháng 10/2022, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị tạm dừng thẩm định, chấp thuận liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi (do còn nhiều vướng mắc về pháp lý và vướng mắc về kỹ thuật…) cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển (nêu tại Văn bản 231/TB-VPCP ngày 5/8/2022) hoặc đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP.

Đầu tháng 3/2023, trước kiến nghị của Bình Định về việc sớm có hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chấp thuận khu vực biển để các đơn vị thực hiện khảo sát, nghiên cứu tiềm năng ĐGNK, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có phúc đáp.

Cụ thể: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học; đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (trong đó có hoạt động khảo sát, nghiên cứu tiềm năng ĐGNK), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Nghị định 40/2016/NĐ-CP vào tháng 12/2022 để bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 02 quy hoạch: quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đây là những căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho tổ chức, cá nhân đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển nói chung và khảo sát, nghiên cứu tiềm năng điện gió ngoài khơi nói riêng.

Như vậy, diễn biến hiện tại cho thấy, tương lai được cấp phép, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi nói chung (và điện gió ngoài khơi Bình Định nói riêng) vẫn chưa thể minh định.

Đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và môi trường Khánh Hòa thông tin một số tồn tại, vướng mắc trong việc đề xuất khảo sát, đo gió đối với một số dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu (hồi tháng 10/2022).

Đầu tiên là vướng mắc về pháp lý: Chưa quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; Chưa quy định “được phép” hay “không được phép” cùng thực hiện khảo sát trong trường hợp có nhiều đề xuất trong cùng một khu vực biển hoặc đề xuất có sự chồng lấn, giao thoa.

Thứ hai là vướng mắc về kỹ thuật, ở cho biết, chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình là bao nhiêu ha trên 1MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển (mỗi vùng biển sẽ có quy định 5 khác nhau khi tốc độ gió, mật độ gió, công suất tua bin, điều kiện địa chất, địa hình biển khác nhau).