Dự thảo Luật mới nhất đề nghị cắt giảm bớt ưu đãi tại đặc khu kinh tế

An Chi - 08:15, 16/05/2018

TheLEADERTrái với kỳ vọng của nhiều người, theo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của Uỷ ban thường vụ Quốc hội vừa công bố, hàng loạt các ưu đãi tại đặc khu kinh tế đã bị cắt giảm.

Dự thảo Luật mới nhất đề nghị cắt giảm bớt ưu đãi tại đặc khu kinh tế
Các nhà đầu tư đang rót tiền vào Phú Quốc

Tranh cãi xung quanh việc ưu đãi cho đặc khu

Ngay từ khi bắt đầu khởi xướng, mô hình Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) đã nhận được những hưởng ứng vô cùng tích cực của dư luận. Trong các kịch bản tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc khu kinh tế được nhiều chuyên gia kỳ vọng như một nấc thang mới của tư duy phát triển. 

Đặc khu tương lai được đón đợi sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Các cực tăng trưởng kinh tế mới tại ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm, hạ tầng công nghệ, công nghiệp dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. 

Do đó, mục tiêu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại các đặc khu kinh tế là thước đo rõ nhất cho sự thành công thể chế kinh tế mới này. Cũng chính vì vậy, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, "trải thảm” ưu đãi là điều kiện cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các đặc khu kinh tế tương lai.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư, để thu hút đầu tư trong đặc khu kinh tế, Chính phủ có thể phải đưa ra các chính sách ưu đãi tới mức cao nhất của tự do hóa kinh tế và vượt xa hơn nữa so với các quy định hiện nay. 

Những ưu đãi trong đặc khu không chỉ phải vượt trội đối với các khu kinh tế trong nước mà còn phải cạnh tranh được đối với các đặc khu của nước ngoài, ông Hồ nhận định.

Trái lại với quan điểm của các chuyên gia kinh tế, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTV)vừa công bố mới đây cho biết, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá, lại những chi phí và lợi ích của các chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế, đánh giá nguy cơ các ưu đãi về thuế bị lợi dụng. Từ đó, đề nghị việc miễn, giảm thuế chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu, không nên kéo dài, tránh ưu đãi tràn lan.

Đối với các chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế, UBTV Quốc hội cũng cho rằng, nên có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng phát triển của các đặc khu, bảo đảm vượt trội nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của ngân sách đặc khu trong dài hạn. 

Về những ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, thuê mặt nước, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá việc miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước là một trong những chính sách thu hút đầu tư đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, các đặc khu hiện được dự kiến thành lập đều ở những vị trí có điều kiện thuận lợi, hấp dẫn đầu tư và có giá trị cao về quyền sử dụng đất. 

Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo động lực cho nhà đầu tư trong việc khai thác, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng như bảo đảm nguồn thu ngân sách của các đặc khu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng giảm mức ưu đãi hoặc không ưu đãi đối với một số ngành, nghề, dự án đầu tư, có tính đến điều kiện của từng đặc khu.

Đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược, UBTV Quốc hội cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, đây là các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao, trong dài hạn có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư.

Do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Cắt giảm nhiều ưu đãi trong dự thảo luật mới

Sau các ý kiến đóng góp, thảo luận của đại biểu Quốc hội, UBTV Quốc hội cho biết, dự thảo luật đặc khu kinh tế mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng giảm bớt mức ưu đãi, thời hạn ưu đãi thuế đối với một số đối tượng, dự án đầu tư so với dự thảo luật do Chính phủ trình trước đó.

Cụ thể, dự thảo luật mới đã giảm thời hạn được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từ 10 năm xuống còn 5 năm; bỏ quy định về miễn thuế mà chỉ áp dụng giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân khác làm việc tại đặc khu.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bỏ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chưa phù hợp cho dự án đầu tư. 

Đồng thời, giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số loại dự án đầu tư và giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược.

Không chỉ vậy, những ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, thuê mặt nước trong dự thảo luật mới cũng được thu hẹp. Cụ thể, dự thảo luật quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê chỉ đối với một số ít dự án, bao gồm dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đặc khu; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế tại đặc khu Phú Quốc đáp ứng điều kiện quy định và các dự án đầu tư mà theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành đối với khu kinh tế đang được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê. 

Trong khi đó, dự thảo luật Chính phủ trình trước đó đã quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê đối với tất cả các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của ba đặc khu; bốn loại dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược; dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, dự thảo luật mới cũng phân biệt rõ các mức độ ưu đãi khác nhau đối với từng loại dự án đầu tư. Trong đó, cơ bản chỉ ưu đãi đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu với thời hạn được hưởng ưu đãi đã rút ngắn so với dự thảo luật Chính phủ trình.

Đồng thời, quy định mức miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của các dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc thấp hơn so với hai đặc khu còn lại nhằm phù hợp với hiện trạng sử dụng đất ở Phú Quốc.

Đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự thảo luật mới cũng quy định, thứ nhất, chỉ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa 30 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất tại các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong; tối đa 20 năm nhưng không quá một nửa thời hạn sử dụng đất tại đặc khu Phú Quốc. Trong khi đó, theo dự thảo luật Chính phủ trình quy định được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời hạn thuê.

Thứ hai, giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của dự án này được áp dụng thuế suất 17% trong thời gian 05 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế nhưng không quá năm 2030. Trước đó, dự thảo luật Chính phủ trình quy định được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 10 năm, miễn 2 năm và giảm 50% trong 05 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Thứ ba, giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt là 15%trong thời hạn 10 năm; quy định rõ chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt độngkinh doanh dịch vụ trong dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược. Dự thảo luật Chính phủ trình quy định thuế suất 10% trong thời hạn 10 năm.

Ngày 14/5, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại buổi họp lần thứ nhất của ban Chỉ đạo.

Theo đó, Thủ tướng khẳng định và quán triệt quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Quá trình hoàn thiện dự thảo luật phải tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, xác định rõ lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động trong ngắn hạn và lâu dài, có tầm nhìn dài hạn để hoạch định chính sách, nhất là chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Một số vấn đề cụ thể trong Luật được xây dựng theo hướng giao cho Chính phủ điều chỉnh để đảm bảo tính linh hoạt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23 và ý kiến tham gia của các thành viên ban chỉ đạo để phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; kịp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.