EuroCham hiến kế gỡ bỏ rào cản ngành ô tô

Hoài Nam - 17:05, 13/12/2019

TheLEADEREuroCham cho rằng nhiều quy định của ngành ô tô đang khiến doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn trong việc kinh doanh tại Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẵn sàng phát triển ngành công nghiệp ô tô quốc gia, một số quyết định gần đây của các cơ quan quản lý đã tạo ra rào cản với các công ty ô tô nước ngoài, Tiểu ban ngành ô tô – xe máy của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) nhận định.

Cụ thể, Nghị định 69/2018/NĐ-CP (Nghị định 69) khiến các công ty ô tô nước ngoài không thể thực hiện các hoạt động nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang nước khác hoặc chuyển khẩu.

Nghị định 74/2018/NĐ-CP (Nghị định 74) cũng khiến hoạt động thương mại phức tạp hơn vì yêu cầu kiểm tra cơ bản chất lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác dù những xe này không đưa vào sử dụng tại Việt Nam.

Các đơn vị nhập khẩu xe đã có giấy phép kinh doanh hợp lệ bao gồm hoạt động chuyển khẩu chỉ có thể tiếp tục thực hiện hoạt động này cho đến khi giấy phép kinh doanh hết hiệu lực như tại điểm 2, điều 72, Nghị định 69 quy định.

Tuy nhiên, hoạt động chuyển khẩu của các đơn vị này hiện tại chỉ có thể được thực hiện trong vòng 30 ngày và Thông tư 38/2015/TT-BTC không cho phép tiến hành chuyển khẩu tại cửa khẩu khác với cửa khẩu nhập.

Cơ quan quản lý hướng đến việc phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp ô tô trong khu vực nhưng những quyết định gần đây được đánh giá đã hạn chế quyền thương mại của các công ty ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đăng kí tại Việt Nam, tổn hại đến mục tiêu phát triển.

Theo Tiểu ban ngành ô tô – xe máy của EuroCham, các công ty ô tô có vốn đầu tư nước ngoài cần được cho phép thực hiện hoạt động chuyển khẩu mà không có bất kì trở ngại nào.

Hoạt động chuyển khẩu nên được tiếp tục cho phép thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập để sản phẩm ô tô được vận chuyển đến Việt Nam bằng tàu sẽ có thể được chuyển khẩu bằng xe tải hoặc tàu đến cảng đích.

Đồng thời, cơ quan quản lý nên xem xét cho phép thực hiện thuận lợi hoạt động chuyển khẩu hoặc xuất khẩu đến các quốc gia không có cảng biển như Lào hoặc Campuchia bằng vận tải đa phương thức, xe tải hoặc tàu.

EuroCham hiến kế gỡ bỏ rào cản ngành ô tô
Quy trình đăng kiểm áp dụng cho xe nhập khẩu nguyên chiếc được cho là tốn kém chi phí, thời gian và không cần thiết.

Theo đúng cam kết của các hiêp định tự do thương mại, để tạo điều kiện thương mại quốc tế cho các công ty ô tô có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Tiểu ban này kiến nghị cho phép hoạt động chuyển khẩu cũng như hoạt động tạm nhập tái xuất cho các doanh nghiệp này.

Xóa bỏ các rào cản thương mại mới đối với hoạt động chuyển khẩu hàng hóa là phương tiện giao thông, ví dụ như việc yêu cầu kiểm định các phương tiện giao thông được chuyển khẩu dù cảng đích của các mặt hàng này không phải là Việt Nam.

Ngoài Nghị định 69 và Nghị định 74, nhiều quy định khác cũng gia tăng rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ô tô.

Thông tư 41/2018/TT-BGTVT (Thông tư 41) quy định xe ô tô và bộ phận an toàn (dùng cho mục đích sản xuất và sửa chữa) phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sau khi thông quan nhưng trước khi được bán ra thị trường. Thủ tục này được áp dụng cho cả sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Theo Điều 6.1.b và 6.1.c. Nghị định 116/2017/ND-CP (Nghị định 116), các linh kiện nhập khẩu cho xe lắp ráp sẽ phải được kiểm định tại Việt Nam.

Nghị định 154/2018/NĐ-CP bắt buộc kiểm định các bộ phận an toàn được quy định trong thông tư 41 tại cục Đăng kiểm tại Hà Nội từ tháng 4 năm 2019. Tuy nhiên, quá trình kiểm định vô cùng phức tạp đã khiến chứng nhận UNECE/ECE và báo cáo kiếm định chỉ được chấp nhận trong vòng sáu tháng và sau đó sẽ lại lặp lại quy trình này.

Khi Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc thì chiếc xe này đã được kiểm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, tất cả các phụ tùng làm nên chiếc xe này trên thực tế cũng đã được kiểm định, bao gồm các bộ phận liên quan đến an toàn bị ảnh hưởng bởi Thông tư 41.

Theo đó, Tiểu ban ngành ô tô – xe máy của EuroCham khuyến nghị sửa đổi phạm vi của Thông tư 41 theo hướng cơ quan hải quan nên cho phép giải phóng một phần lô hàng chứa tất cả các bộ phận không liên quan đến Thông tư 41 thay vì chặn toàn bộ lô hàng như hiện nay.

“Chúng tôi đề nghị chỉ các phụ tùng liên quan đến Thông tư 41 không được lắp ráp trong các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc - hoặc khác với mô tả của Nhà sản xuất Thiết bị gốc cho các mẫu xe đó - là cần kiểm định theo Thông tư 41 và Nghị định 132/2015/ND-CP”.

Cách này sẽ miễn việc kiểm định các phụ tùng được sử dụng cho mục đích sửa chữa và thay thế và cho phép các nhà nhập khẩu tuân thủ nghĩa vụ pháp lý của họ đối với việc triệu hồi kỹ thuật và bảo hành theo Nghị định 116.

Việc chứng nhận được đề nghị chỉ nên được thực hiện một lần duy nhất, là lần đầu tiên khi nhập khẩu hàng hóa đó.

Tại hội nghị đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng với EuroCham mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, Việt Nam thời gian qua rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, để hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất hơn và thật sự đi vào cuộc sống, “cởi trói” cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ căn cứ trên những tiêu chí rõ ràng để đánh giá các điều kiện kinh doanh và tính toán việc cắt giảm, đơn giản hóa.

Từ tiêu chí đó, các bộ, ngành có phương án cắt giảm phù hợp và cũng là cơ sở để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh trên thực tế, bảo đảm việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.