Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Minh An - 10:30, 15/05/2018

TheLEADERXếp hạng của Việt Nam phản ánh kết quả tăng trưởng mạnh mẽ và triển vọng kinh tế tươi sáng, thặng dư tài khoản vãng lai liên tục, chi phí vay nợ trong tầm quản lý và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục đổ vào.

Công ty đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings hôm qua công bố đã nâng mức đánh giá các khoản nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt nam thêm một bậc lên mức BB với triển vọng ổn định.

Cơ sở để Fitch Ratings nâng xếp hạng dựa vào nhiều yếu tố quan trọng như Việt Nam đang xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô. Biện pháp này, bao gồm tỷ giá linh hoạt hơn và gia tăng tập trung vào ổn định lạm phát, đã giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh. 

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 và đạt mức trung bình 6,2% trong 5 năm qua, mức vượt trội so với bình quân chỉ 3,4% của các quốc gia đồng hạng ‘BB’.

Tăng trưởng của Việt Nam được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ. Fitch Ratings dự báo, Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2018 nhờ khu vực FDI và tăng trưởng tiêu dùng. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng 40% trong năm ngoái đạt 21,3 tỷ USD.

Việt Nam sẽ nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhanh nhất trong những quốc gia đồng hạng ‘BB’, theo đánh giá của Fitch Ratings.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ gần đây và được dự báo là 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, tăng từ 49 tỷ USD năm 2017. Dự trữ ngoại hối cao sẽ là ‘tấm đệm’ giúp kinh tế chống lại những cú sốc bên ngoài.

Fitch Ratings tính toán tổng nợ chính phủ của Việt Nam đã giảm xuống 52,4% GDP từ mức 53,4% của năm 2016. Nhờ đó tổng nợ công (gồm nợ chính phủ và các khoản bảo lãnh) giảm xuống còn 61,4% GDP vào cuối năm 2016, thấp hơn trần 65% được cho phép.

Công ty xếp hạng tín nhiệm dự báo tổng nợ chính phủ có thể giảm xuống dưới 50% GDP vào năm 2019. Điều này được hỗ trợ bởi chương trình đẩy manh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù vậy, Fitch Ratings đánh giá hệ thống ngân hàng còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là nợ xấu. “Chúng tôi tin rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa được báo cáo đẩy đủ và chất lượng tài sản thấp hơn quy định”, Fitch Ratings viết.

Cơ quan này cũng cho biết nhu cầu tái cấp vốn của các ngân hàng là một rủi ro ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cao của Việt Nam có thể tạo ra nhưng rủi ro cho sự ổn định tài chính trong trung hạn. Năm ngoái tín dụng ngành ngân hàng tăng trưởng khoảng 18% và mục tiêu năm nay là 17%.