FPT bán 47% công ty con cho tập đoàn Đài Loan thu về 35 triệu USD

Minh An - 14:06, 12/09/2017

TheLEADERViệc thoái vốn khỏi các lĩnh vực phân phối, bán lẻ nhằm giúp FPT tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và viễn thông.

Tập đoàn Synnex của Đài Loan thông báo đã hoàn tất thương vụ mua lại 47% công ty phân phối của FPT với giá trị 35 triệu USD. Sau đó công ty này sẽ được đổi tên thành Synnex FPT Distribution.

Đây là kế hoạch mở rộng hoạt động của Synnex ở Đông Nam Á, hướng vào Việt Nam, thị trường lớn thứ 3 sau Thái Lan và Indonesia. Công ty tại Việt Nam sẽ là thành viên trong hệ thống phân phối ITC toàn cầu của Synnex.

Trước đó, FPT thông báo HĐQT của tập đoàn này đã quyết định phương án thoái vốn khỏi FPT Trading và chỉ nắm giữ tối đa 48% cổ phần.

Theo đó, Tập đoàn sẽ bán 47% cổ phần cho một tập đoàn phân phối toàn cầu trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông và linh kiện. Điều kiện của giao dịch là mức định giá công ty FPT Trading không thấp hơn 80 triệu USD.

Cán bộ của FPT Trading được mua tối đa 5% cổ phần của công ty. Dự kiến các giao dịch sẽ được hoàn thành trong năm nay.

Mô tả về đối tác nước ngoài của FPT được cho là thông tin xác nhận việc Synnex đã trở thành cổ đông chiến lược của FPT Trading. Từ vài tháng trước, truyền thông đã đưa tin tập đoàn Synnex đang đàm phán mua lại cổ phần của FPT Trading. 

Tập đoàn công nghệ của Việt Nam đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ từ 2 năm qua. Tháng trước, FPT đã bán 30% cổ phần của FPT Retail cho các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam do VinaCapital và Dragon Capital quản lý.

Sắp tới, Tập đoàn này sẽ bán tiếp 10% cổ phần tại FPT Retail và tiến hành niêm yết cổ phiếu của công ty này trên HOSE, dự kiến vào tháng 4/2018.

Thị trường phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh. Digiworld, FPT Trading và Petrosetco đều bị giảm thị phần do các hãng Samsung, Oppo và Apple đều làm việc trực tiếp với các nhà bán lẻ hoặc trực tiếp phân phối.

Trên thị trường bán lẻ, FPT Retail bị cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ bởi các tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động và VinPro của Vingroup. Ngoài ra, đặc thù của thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ ở Việt Nam còn có sự tham gia của hàng ngàn cửa hàng nhỏ lẻ, trung tâm mua sắm và siêu thị.

Việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực phân phối, bán lẻ giúp FPT tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và viễn thông. “FPT đang nâng cấp mình thành một tay chơi có hạng trong thị trường IT toàn cầu”, một đại diện của Tập đoàn nói với Nikkei Asia mới đây.

Hồi đầu tháng 9, FPT đã mở văn phòng thứ 5 tại thị trường Mỹ, đặt tại Denver, bang Colorado với khoảng 40 nhân viên làm việc. Các văn phòng này của FPT đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho hơn 20 khách hàng là các tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất máy bay, thiết kế hệ thống điều khiển thang máy, truyền hình vệ tinh, ngân hàng…

Năm 2016, doanh thu từ thị trường Mỹ của FPT đạt 1.003 tỷ đồng trong số hơn 6.100 tỷ đồng từ nước ngoài.

7 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 23.587 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận trước thuế 1.686 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Hai lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và viễn thông chiếm 75% tổng lợi nhuận Tập đoàn, tăng trưởng lần lượt 39% và 16% so với cùng kỳ năm trước.