Khởi nghiệp
Fundiin - Phá bỏ giới hạn tài chính tiêu dùng
Dù gần giống như thẻ tín dụng hay nhiều phương thức trả góp khác với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng, góp phần thay đổi thói quen mua sắm theo hướng thuận lợi hơn, nền tảng mua trước trả sau Fundiin đã phá bỏ một số giới hạn của lĩnh vực tài chính tiêu dùng truyền thống, với đích đến cuối cùng là đưa tới khách hàng trải nghiệm nhanh nhất, thuận tiện nhất với mô hình ‘không phí, không lãi’.
>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".
Giữa tháng 10/2022 vừa qua, Fundiin cho biết đã huy động thành công 5 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A do quỹ ThinkZone Ventures và Trihill Capital cùng dẫn dắt.
Các nhà đầu tư khác tham gia vòng gọi vốn gồm 1982 Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia, Zone Startups Ventures và bà Đỗ Thu Ngân, nguyên Phó tổng giám đốc Sacombank và nguyên Giám đốc tài chính & vận hành JP Morgan Chase Việt Nam. Điều gây chú ý ở mô hình này chính là khả năng phá bỏ giới hạn trong tài chính tiêu dùng, bao gồm phá bỏ giới hạn về chí phí – miễn phí, miễn lãi, không phí thường niên như thẻ tín dụng, về hồ sơ – yêu cầu đơn giản và không bắt buộc phải tải ứng dụng, về tốc độ - thời gian duyệt nhanh chóng.
Những “trái ngọt” của Fundiin là kết quả của việc nắm bắt cơ hội, điều chỉnh mô hình phù hợp với thị trường, đặc biệt là lựa chọn hợp lý cách thức xử lý tỷ lệ nợ xấu thông qua siết các điều khoản linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo tối ưu trải nghiệm của khách hàng.
Lựa chọn lối đi khác
Ngay từ những ngày đầu bắt đầu với Fundiin, Nguyễn Ảnh Cường – nhà sáng lập, CEO của nền tảng này – luôn ý thức một điều rằng trong lĩnh vực tài chính, nợ xấu là điều không thể tránh được.
Thay vì cứ “đâm đầu” và “chìm đắm” trong nỗi sợ nợ xấu, anh coi đó là một điều tất yếu, xem nợ xấu không phải là rủi ro của một cá nhân, mà là của một nhóm, từ đó, đánh giá tỷ lệ đó có bền vững hay không, và tìm cách thay đổi.
“Trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu cần phải giảm xuống, thay vì tập trung công sức vào khâu đòi nợ tốn nhiều công sức và ảnh hưởng đến danh tiếng, Fundiin lựa chọn việc xem xét và siết chặt các tiêu chí cung cấp dịch vụ mua trước trả sau với nhóm đối tượng, ngành hàng đó để đạt được một tỷ lệ phù hợp”, anh Cường cho biết.
Cụ thể hơn, cứ định kỳ, Fundiin sẽ đánh giá mức độ rủi ro và điều chỉnh việc thẩm định đối với khách hàng để có được một tỷ lệ hợp lý. Nếu trong kỳ sau, mức độ vẫn chưa thể như mong muốn, việc điều chỉnh lại tiếp tục diễn ra.
Sự linh hoạt trong các điều kiện cấp tín dụng cho khách hàng vừa giúp Fundiin có thể nhanh chóng cải thiện, lại vừa có thể giúp khách hàng có trải nghiệm thuận lợi, thoải mái nhất với dịch vụ trong quá trình mua sắm.
Thế nhưng, sự linh hoạt của mô hình mua trước trả sau này, cách làm mới của thị trường tín dụng tiêu dùng này không phải “trên trời rơi xuống”, mà là kết quả của một quá trình dài tích lũy kinh nghiệm, nếm đủ “ngọt bùi cay đắng”, thậm chí ngã đau của chàng trai Nguyễn Ảnh Cường.
Tuổi trẻ nhiều thành công
Sau khi tốt nghiệp Đại học La Trobe, Cường lựa chọn làm việc tại quỹ đầu tư, thử sức với nhiều môi trường khác nhau như Vietnam Investment Group, Mekong Capital. Cuối cùng, anh quyết định ở lại Vietnam Holding – một trong số quỹ đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực cổ phiếu niêm yết.
Nhớ lại quãng thời gian đó, Cường luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn, vì những năm tháng làm việc tại quỹ đầu tư là cơ hội để anh tiếp cận đến nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Điều đó đã giúp Cường học được cách “khám” sức khỏe doanh nghiệp thông qua các chỉ số tài chính, biết được cái hay, cái dở của những mô hình khác nhau.
Không chỉ vậy, làm việc tại các quỹ đầu tư còn giúp Cường nhận ra rằng thị trường đôi khi sẽ có những yếu tố phát sinh rất lạ, mà ngay cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp cũng không thể lường trước được, buộc phải chấp nhận và thích ứng.
Bên cạnh sở hữu vị trí việc làm đầy hấp dẫn, chàng trai trẻ năm ấy còn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi sở hữu khối tài sản lên tới hơn 1 triệu USD khi chưa đầy 30, và hầu hết trong số đó đến từ việc đầu tư chứng khoán.
Thế nhưng, cũng giống như thành công sau này với Fundiin, con số tài chính kia là thành quả của khả năng phân tích được Cường học tập và tôi luyện trong quá trình làm việc, và nhờ đó, anh nắm được cơ hội đầu tư, cũng như thoát được các thời điểm rủi ro cao trên thị trường.
Dù vậy, những thành công trên con đường đầu tư, và vị trí giám đốc đầu tư đầy hấp dẫn cũng không thể làm Cường thỏa mãn và vơi đi khát vọng cháy bỏng trong anh – khát vọng khởi nghiệp.
Cú ngã đau để lại vết sẹo lớn
Gặp nhau vào một buổi chiều bên sông Sài Gòn, Cường gây ấn tượng bởi phong thái trẻ trung và ánh mắt đầy hứng khởi khi kể về quyết định từ bỏ làm việc tại quỹ đầu tư để đi theo khởi nghiệp.
“Ngay từ khi còn học đại học, anh đã luôn muốn khởi nghiệp, bởi đó là cách anh có thể tạo ra tác động tích cực cho xã hội, giúp nhiều người có cuộc sống tốt hơn. Anh muốn để lại một di sản của bản thân cho cuộc đời, để sau này khi nhìn lại, có thể cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã làm”.
“Mong muốn ấy thật sự lớn và quan trọng, thúc giục anh từ bỏ con đường an toàn để lao vào trận chiến khởi nghiệp vốn rất dễ thất bại”, Cường tâm sự.
Không lâu sau, Cường bắt đầu với Lendiz – một công ty hỗ trợ tài chính cho người mua xe máy trả góp, với mục đích giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm với tín dụng lãi suất thấp.
Thời điểm đó, anh đánh giá rằng thị trường tài chính tại Việt Nam không có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, dẫn đến thực tế người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn, và phải trả mức chi phí cao. Những tưởng Lendiz sẽ nối dài câu chuyện thành công của chàng trai trẻ, khi ghi nhận con số tăng trưởng đáng chú ý – hơn 1.200 chiếc xe máy với giá trị rất lớn đã được Lendiz hỗ trợ khách hàng giao dịch chỉ trong vòng chưa đầy một năm, nhưng lại là “cú ngã” đau khiến Cường sẽ chẳng bao giờ quên được.
Chính sách cho vay quá thoáng, thậm chí còn không giữ giấy tờ xe của khách hàng giống như các đơn vị khác trên thị trường, đã khiến nợ xấu tăng cao, “đè bẹp” Lendiz, khiến Cường thức tỉnh sau chuỗi ngày dài thăng hoa.
“Khi nhìn lại, anh thấy mình đã để cảm xúc chiến thắng trước đó từ việc đầu tư chi phối, quá tự tin vào khả năng và quyết định của mình, cho rằng giải pháp đưa ra chắc chắn sẽ có kết quả tích cực. Mọi lý lẽ và thông tin đều bị lu mờ sau cảm xúc thăng hoa ấy. Đến khi anh nhận ra tỷ lệ nợ xấu không có khả năng thu hồi rất cao, nhìn ra vấn đề trên các chỉ số, thì mọi thứ đã quá muộn”, Cường nghĩ lại.
Sự sụp đổ của Lendiz khiến Cường gần như mất trắng khối tài sản kiếm được trước đó, để lại trong anh những vết sẹo vô hình – những sai lầm giúp Cường có được bài học quý giá, làm nền tảng cho thành công sau này với Fundiin.
Sai lầm trước hết là để cảm xúc chi phối – yếu tố đáng lẽ ra Cường phải luôn “nằm lòng” sau không ít năm lăn lộn trên sàn chứng khoán.
“Với không ít nhà đầu tư chứng khoán, việc thắng liên tục sẽ khiến người chơi có cảm giác tự mãn, nghĩ mình giỏi. Nhưng đôi khi sóng lên thì thuyền lên, mọi người chơi trên thị trường đều hưởng lợi, khó có thể phân biệt được ai mới là người thực sự đánh giá đúng tình hình”.
“Nên khi khởi nghiệp, với tinh thần đó, anh đã ưu tiên mở rộng, và đến khi nhận ra những điều bất thường trên các chỉ số thì đã quá trễ”, Cường tâm sự.
Sự thất bại với Lendiz còn giúp chàng trai trẻ hiểu ra rằng ngay từ đầu, sản phẩm hướng đến của mô hình không ổn, bởi xe máy là loại tài sản lớn, thời gian trả góp dài, nên tốc độ phản hồi từ thị trường chậm. Trong khi đó, với startup, điều quan trọng bậc nhất là phải học nhanh và thay đổi nhanh.
Bài học này đã giúp Cường sau đó lựa chọn các sản phẩm có tốc độ phản hồi nhanh từ thị trường, như các sản phẩm tiêu dùng, để liên tục điều chỉnh những điều kiện hỗ trợ tài chính, tránh rơi vào “hố sâu” nợ xấu.
Bền bỉ bước tiếp
Dù ngã ngay từ bước đi đầu tiên khi khởi nghiệp, Cường không hề nản chí, tiếp tục tìm kiếm hướng đi khác trong thị trường tài chính vốn đầy hấp dẫn.
Thời điểm biết đến mô hình mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL) đã được triển khai tại Úc, Cường như muốn nhảy lên vì tìm thấy giải pháp mình đang trăn trở bấy lâu. Trên thực tế, BNPL đã trở thành một trong những xu hướng đáng chú ý trên toàn cầu trong những năm trở lại đây, đặc biệt tại các quốc gia phát triển.
Về bản chất, BNPL chia nhỏ các khoản thanh toán của khách hàng không tính phí, và lợi nhuận của công ty cung cấp dịch vụ sẽ đến từ chiết khấu của bên bán cho mỗi sản phẩm được giao dịch.
“Kinh doanh bất kỳ điều gì mà miễn phí cũng thực sự khó khăn. Cái khó chung của mô hình này là làm sao có thể cung cấp giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng tối đa, nhưng nợ xấu của doanh nghiệp phải đủ thấp để có hiệu quả kinh tế”, Cường phân tích. Để vượt qua thách thức kép này, Fundiin hỗ trợ trả sau với kỳ hạn ngắn, trong vòng hai tháng, với giá trị trung bình của các giao dịch ở mức vừa phải. Quan trọng nhất, Fundiin ứng dụng công nghệ vào xét duyệt đối tượng cung cấp dịch vụ.
Ngoài thách thức trên, nhà sáng lập Fundiin còn phải giải quyết bài toán làm sao thiết kế cách vận hành phù hợp với thị trường có tỷ lệ sở hữu thẻ ngân hàng, tín dụng thấp như Việt Nam.
“Dù vậy, anh nghĩ rằng nếu không bắt đầu thì sẽ không tìm ra được giải pháp, và người tiêu dùng sẽ không có cơ hội tiếp cận những sản phẩm tốt như vậy. Anh luôn tin rằng nếu cố gắng, mình sẽ có thể tìm được cách để thích ứng và phù hợp với môi trường Việt Nam”, vị CEO chia sẻ.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều yếu tố của Việt Nam đang ngày càng hỗ trợ mô hình BNPL, giúp Cường có thêm cơ sở tự tin bước tiếp, như dữ liệu trực tuyến ngày càng nhiều, giúp các đơn vị có thể đánh giá chính xác hơn thói quen, độ tin cậy của người tiêu dùng.
Cùng với đó, định hướng, chính sách của các cơ quan quản lý cũng hướng tới việc định danh tốt hơn thông qua tài khoản định danh điện tử vừa có hiệu lực, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro, tăng cơ hội cho các ý tưởng dựa trên nền tảng số.
“Tăng trưởng thị trường BNPL sẽ không chỉ dừng lại ở con số phần trăm, mà sẽ phải tính theo lần. Điển hình như Fundiin, sau một năm, các chỉ số ghi nhận mức tăng trưởng 6 – 8 lần. Anh nghĩ rằng khi đạt đến thời điểm thích hợp, mô hình BNPL sẽ phát triển rất nhanh”.
Thế nhưng, với một mô hình mới, thách thức đặt ra tiếp theo là làm sao thúc đẩy khách hàng sử dụng phương thức thanh toán mới, thay vì cách làm truyền thống đã rất quen thuộc hàng chục năm qua. Điều này dẫn đến nỗi băn khoăn rằng liệu Fundiin sẽ lao mình vào một cuộc đua “đốt tiền” để thay đổi thói quen người tiêu dùng và giành thị phần như các ứng dụng gọi xe đã từng làm.
Sau lần thất bại với Lendiz, bản thân Cường nhận ra rằng con đường chạy đua kia sẽ không phải cách làm hiệu quả, đặc biệt với một startup còn non trẻ, lại ở thị trường có khả năng gọi vốn kém hơn so với các nước cùng khu vực như Singapore, Indonesia. Do đó, anh luôn xác định rằng Fundiin là một startup không có quá nhiều nguồn lực, nên cách tiếp cận thị trường phải thông minh, và yếu tố thông minh ở đây còn mang cả ý nghĩa hiệu quả về mặt chi phí. Theo đó, Fundiin sẽ không đi theo hướng đổ tiền để mua người dùng (user), mà mỗi đồng vốn bỏ ra cần phải mang lại hiệu quả tối đa với việc kinh doanh. Ngay cả khi không có vốn đầu tư, Fundiin cũng sẽ có những kế hoạch thay thế để có thể tồn tại, phụ thuộc theo tình hình để sống còn trong thị trường, vị CEO cho biết.
“Fundiin sẽ tạo ra di sản riêng của mình nhờ sản phẩm phù hợp với thị trường, miễn phí,miễn lãi bền vững cho khách hàng, giúp Fundiin khác biệt với các startup khác”, Cường nhấn mạnh.
Fundiin nhận đầu tư 5 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A
Fundiin nhận đầu tư 5 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A
Số tiền huy động thành công tại vòng gọi vốn series A do quỹ ThinkZone Ventures và Trihill Capital cùng dẫn dắt sẽ được Fundiin sử dụng để mở rộng với tốc độ nhanh hơn, đầu tư phát triển các sản phẩm mới cũng như thu hút nhân tài trước khi mở rộng sang Indonesia ở vòng series B sắp tới.
Startup Fundiin muốn chuyển đổi số cho các nhà bán lẻ
Fundiin là đơn vị dẫn đầu làn sóng mua trả sau miễn phí tại Việt Nam, đồng thời đạt mức tăng trưởng hơn 4 lần trong 6 tháng qua.
Startup Fundiin nhận vốn Zone Startups Ventures và 1982 Ventures
Fundiin cung cấp giải pháp tiêu dùng thông minh hỗ trợ người tiêu dùng trẻ thế hệ Y (sinh từ năm 1981- 1996) và Z (sinh từ năm 1997- 2012) có thể cân đối ngân sách bằng giải pháp mua trả sau qua 3 kỳ thanh toán hàng tháng miễn phí.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.