'Giặc mặn' ở Tây Nam Bộ

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 11:08, 13/04/2020

TheLEADERAi đời một vùng sông nước dày đặc, kênh rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ như Tây Nam Bộ lại bỗng thiếu nước ngọt. Cứ như chuyện viễn tưởng!

'Giặc mặn' ở Tây Nam Bộ
Hạn mặn đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các tỉnh vùng Tây Nam Bộ

Covid-19 làm đảo lộn trật tự thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến mấy tỉ người. Cả nhân loại đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, phản công, đẩy lùi đại dịch, tiêu diệt tận gốc kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay. Ở các nước, nhẹ thì giãn cách xã hội, nặng thì phong tỏa, kinh tế toàn cầu điêu đứng và không có biệt lệ. Truyền thông tràn ngập bài vở về Covid-19, làm lu mờ nhiều thông tin quan trọng khác.

Các nước, trong đó có Việt Nam đang tập trung chống đại dịch Covid-19. Ở Tây Nam Bộ, có một đại dịch khác, không kém phần nguy hiểm, thậm chí hơn Covid-19 là thiếu nước ngọt, tạm gọi là “giặc mặn”. 

Chống Covid-19 có thể chủ động, khoanh vùng xử lý theo khu vực và chú ý người già. Giặc mặn tổng tấn công đồng bộ, từ già đến trẻ, từ người khỏe đến người bệnh. Nước chiếm hơn 70% trọng lượng cơ thể mỗi người. Trong các loại thiếu nguy hiểm nhất cuộc sống, sau thiếu thở là thiếu nước.

Cứ như chuyện viễn tưởng. Ai đời vùng kênh rạch chằng chịt, mật độ sông dày đặc lại thiếu nước. Tây Nam Bộ đi liền với sông nước, đất đai màu mỡ, vựa lúa gạo, trái cây và tôm cá cả nước bỗng thiếu nước ngọt. Cũng như con người, cây lương thực, cây ăn trái, gia súc, vật nuôi không thể thiếu nước ngọt. Tất cả đều lao đao.

Vấn đề không mới, được báo động từ lâu, năm nào cũng bị ảnh hưởng nhưng càng trầm trọng hơn mỗi năm. Bến Tre bị nặng nhất. Năm 2016 đỉnh điểm, giặc mặn vẫn chừa 1/4 tỉnh. Năm nay, 100% tỉnh bị thiệt hại. Nước sông lớn nhiễm mặn nên toàn bộ hệ thống nước máy Bến Tre lãnh đủ. Cây chết, gia súc và con người vật vã, phải dùng nước nhiễm mặn. Còn nước uống và nấu ăn phải mua từng can, mua sỉ mỗi khối 130.000 đồng, đắt hơn nước tinh khiết dùng đóng chai.

Mất nước (ngọt), Tây Nam Bộ kêu cứu. Khắp nơi hưởng ứng, hợp lực mang nước giải vây. Từ tặng nước cho đến các thùng chứa nước, dù đang oằn mình chống dịch Covid-19. Những vườn cây ăn trái lâu năm, gia tài cả đời chắt chiu dành dụm, mất nước nên trụi lá, trơ cành chết khô. Có vườn chặt làm củi vớt vát. Có vườn phóng hỏa đốt sạch cho đỡ mất công chặt… Nhìn mấy cảnh đó, lòng quặn thắt.

Những dòng sông ngàn năm trĩu nặng phù sa, như bầu sữa vô tận của Tây Nam Bộ, bỗng trở chứng đổi màu xanh nước biển, trong vắt, mặn chát vị mồ hôi và vị đắng cuộc đời. Tắm rửa, giặt giũ rít chịt, làm sao nấu ăn và uống. Gió chướng thổi lồng lộng. Cây chết dần và không cứu được. Số ít lây lất nhờ chủ nhân vét hết tiền bạc, mua nước từ Sài Gòn, tưới nhỏ giọt, hầu giúp cây cầm cự chờ mưa giải cứu.

Ông Nguyễn Văn Chiến, ấp Định Bình, Hòa Nghĩa, Chợ Lách, bất lực nhìn cây sầu riêng 20 năm tuổi chết khô. Năm ngoái, cây này cho trái bán được hơn 30 triệu đồng. Ông bàn với em trai, hùn hơn 130 triệu đào giếng sâu gần 500m tìm nước ngọt cứu cây. Nước bơm lên trắng xóa, độ mặn 0,25% nhưng nóng đến mức làm cong cả giấy bạc nhựa chứa nước. Phải để 12 giờ sau mới dùng tạm, chưa biết kết quả lâu dài thế nào.

Ông Lê Đình Phúc xã Long Thới, Chọ Lách, đứng trân nhìn vườn chôm chôm bạc tỉ cháy phừng phừng, mặc lửa táp rát mặt. Ông nghẹn ngào cho biết, “Mất sạch rồi. Nếu không bị giặc mặn tấn công, khu vười này thu hoạch gần một tỷ”. Chợ Lách, thủ đô trái cây Nam Bộ tiêu điều xơ xác. Không cây nào chịu được độ mặn 0,5% nhưng độ mặn năm nay lên tới 3%. Cây còn không chịu nỗi nữa là người. Ông Phúc và ông Chiến chỉ là 2 trong số hàng trăm ngàn chủ vườn đang điêu đứng vì giặc mặn ở Tây Nam Bộ.

Cây chết, vườn cháy, bài toán nan giải là sẽ trồng tiếp cây gì. Nguy hại hơn, khi độ mặn xâm nhập nội đồng sẽ kích hoạt làm tăng nhanh độ kiềm (phèn) trong đất. Việc này gây hệ quả lâu dài trên cây ăn trái vì nhà vườn không thể có đủ nước ngọt tưới, nói chi rửa trôi nồng độ mặn, độ kiềm cho bộ rễ ngay khi bị nhiễm phèn, mặn mới hiệu quả. Suốt đời nông dân phải lo toan chống đỡ. Hễ được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.

Nhà nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp, hỗ trợ cho 5 tỉnh miền Tây thiệt hại nặng nhất là Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Long An mỗi tỉnh 70 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Chia lửa khó khăn với bà con bị giặc mặn tấn công, các tập thể và cá nhân khắp nơi đóng góp được hơn 30 tỷ đồng nhưng chỉ như gió vào nhà trống. Điều mà bà con cần là tìm ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, chịu đựng được độ mặn ngày càng tăng và ổn định nguồn nước sinh hoạt cho cả vùng.

Nhà nước, cụ thể là các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ lãi vay cho các chủ vườn bị thiệt hạt nặng để tái sản xuất. Về lâu dài cần có những nghiên cứu khoa học, giúp các địa phương chủ động ngăn và chống giặc mặn. Không vì những lợi ích cục bộ trước mắt, đô thị và bê tông hóa tràn lan, khai thác cát bừa bãi, quy hoạch cảm tính… đang góp phần tiếp tay cho giặc mặn núp bóng và rình rập tấn công Tây Nam Bộ.

Những ngày này, Tây Nam Bộ đang có một đại dịch khác, không kém phần nguy hiểm, đó là giặc mặn. Từ kinh nghiệm phòng chống đại dịch Covid-19, cần kíp có ngay kế hoạch giúp bà con Tây Nam Bộ phòng chống hiệu quả, vượt qua giặc mặn.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours