Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực tới các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam
Trước việc Lào sẽ khởi công xây dựng đập thủy điện ở Luang Prabang vào tháng 4 tới, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ ngoại giao chiều ngày 5/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả các công trình thủy điện khác trên dòng chính của sông Mê Kông.
Bà Hằng nhấn mạnh các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước của sông Mê Kông để phát triển, đồng thời phải có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước của sông Mê Kông.
Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm tác động xuyên biên giới đến môi trường, đến đời sống kinh tế - xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mê Kông tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước ven sông, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.
Theo đó, việc xây dựng, vận hành các đập thủy điện ở thượng lưu sông là một trong những nguyên nhân làm thay đổi quy luật tự nhiên của nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dẫn đến xâm nhập mặn nghiêm trọng trong những năm gần đây và gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực này.
Trên hệ thống sông Mekong từ đầu nguồn đến Việt Nam, hiện đã có 11 công trình thủy điện do Trung Quốc xây dựng và đưa vào vận hành. Khu vực Lào, Thái Lan, Campuchia đang có kế hoạch xây dựng thêm 11 công trình nữa.
Báo động tình trạng thiếu nước ngọt và xâm mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mới cho biết, dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và thấp hơn năm kỷ lục 2016 từ 5 - 20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều.
Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3, đặc biệt là từ ngày 11 - 15. Xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2 và cùng kỳ tháng 3/2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Sau đó tình trạng này có xu thế giảm dần đến cuối tháng 3.
Riêng xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4, sau đó có khả năng giảm dần.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng, nhánh và trữ nước tại các đập khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.
Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ khuyến cáo rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở cấp 2.