Giải bài toán lãng phí đất nông nghiệp

An Chi - 16:07, 25/05/2020

TheLEADERNhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần chỉ đạo chặt chẽ việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, tránh sử dụng đất sai mục đích, để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí đất nông nghiệp.

Giải bài toán lãng phí đất nông nghiệp
Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết, góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. 

Việc làm này sẽ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ kéo dài thêm 5 năm (từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2025). Số tiền thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá tác động của nghị quyết này, ông Dũng cho biết, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

Tuy nhiên, thẩm tra dự thảo nghị quyết, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. 

Minh chứng là có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả. Bên cạnh đó, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư, đối với đền bù theo thỏa thuận.

Do đó, ông Hải đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng khẳng định, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cần xem xét, công khai minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ, quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng được thụ hưởng. 

Đất nông nghiệp cần tránh sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa; không được để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí đất nông nghiệp. 

Theo ông Phương, Chính phủ cần tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kể cả đất đã được thừa kế, trao tặng, nhận chuyển, sử dụng quyền sử dụng đất mà thành viên đã nhận, giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và góp phần thành lập hợp tác xã.

Riêng diện đất đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý không trực tiếp sử dụng sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp thuế 100% quyền sử dụng đất.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), các hộ cá nhân, hộ cá nhân cần tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích các tập đoàn kinh tế vào nông thôn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng làm giảm hụt nguồn thu ngân sách của Nhà nước (ước tính mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng) nên cần có sự tổng kết về chính sách này để có phương hướng thực hiện trong thời gian tới. 

Trong thời gian qua, có tình trạng tình trạng người dân để đất bị bỏ hoang hóa không sản xuất, đất bị bỏ hoang chưa được thu hồi. Ngoài ra, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất.

Vị đại biểu này cho rằng, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện rộng rãi nhưng số lượng đối tượng bắt buộc phải trả tiền thuế không đáng kể. 

Vì thế, địa phương cần thực hiện công tác quản lý đất nông nghiệp chặt chẽ, có sổ sách ghi chép, theo dõi hàng năm những cá nhân, hộ gia đình mua đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất mà để cho chủ cũ trực tiếp sản xuất nhưng khi Nhà nước có đền bù thì lại xảy ra tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới; thậm chí có nơi không được hỗ trợ cho ai.

Ông Hòa đề xuất những tổ chức Nhà nước được giao đất mà không trực tiếp sử dụng đất để đất hoang hóa hoặc giao đất cho cá nhân, tổ chức khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp để hưởng chênh lệch thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Trong thời gian chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp và phải bị phạt theo Luật Thuế.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, có quy định đối tượng được thụ hưởng rõ ràng để dễ dàng quản lý và bảo đảm ổn định đối nông dân, góp phẩn thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Thời hạn thực hiện Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đến 31/12/2030.