Hành trình xác lập vị thế dẫn đầu PCI của Quảng Ninh

Hạ An - 09:55, 11/12/2023

TheLEADERDuy trì tính liên tục trong suốt 10 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh là sức mạnh của cả hệ thống chính trị, hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hành trình dẫn đầu này của Quảng Ninh không trải đầy “hoa hồng”.

Hành trình xác lập vị thế dẫn đầu PCI của Quảng Ninh
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong chương trình vinh danh Bảng xếp hạng PCI 2022

Từ những viên gạch đầu tiên

Trong giai đoạn trước năm 2012, tỉnh Quảng Ninh chỉ nằm trong nhóm trung bình khá cả nước về xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thời điểm đó, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh chưa được xem là một trong các ưu tiên hàng đầu.

Để cải thiện tình hình này, tỉnh đã thành lập mô hình Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) với chức năng là đầu mối của tỉnh về công tác theo dõi, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay sau khi được thành lập, IPA đã kịp thời tham mưu cho tỉnh nhiều sáng kiến cải cách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư ngoài ngân sách để phát triển kinh tế.

Loạt báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố đã cho thấy cộng đồng kinh doanh tại Quảng Ninh đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền khi Quảng Ninh liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố có kết quả PCI cao nhất cả nước giai đoạn 2013 - 2016, dẫn đầu cả nước giai đoạn 2017 - 2022 và trở thành thương hiệu về một “điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.

Ngoài những yếu tố khách quan như vị trí, môi trường thì chính sách luôn là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu mỗi khi lựa chọn “đặt chân”. 

Tỉnh Quảng Ninh đã và vẫn đang làm rất tốt điều này, có thể thấy rõ qua số lượng các dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh tăng nhanh qua các năm.

Năm 2014, tỉnh thu hút được 39 dự án FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn gần 820 triệu USD. Tổng vốn thu hút được của năm 2014 khi đó đã bằng 200% so với năm 2013. Đến năm 2022, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Quảng Ninh đã vươn lên và đứng thứ ba trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước, với tổng vốn trên 2,1 tỷ USD.

Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục lập kỷ lục mới về thu hút vốn FDI khi ước đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm và hiện tại dẫn đầu cả nước. Nếu tính cả số vốn đầu tư trong nước thu hút được thì tổng vốn đạt con số 5 tỷ USD.

Phải nhấn mạnh rằng, Quảng Ninh không chỉ là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay có sáu năm liên tiếp (từ 2017 – 2022) giữ vị trí quán quân PCI mà còn có 10 năm liền (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Duy trì tính liên tục trong suốt 10 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.

PCI là một cuộc đua liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và bền bỉ của mỗi địa phương. Chặng đường 17 năm thực hiện đánh giá bộ chỉ số PCI đã ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. 

“Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có thể xây dựng được lớp thế hệ lãnh đạo tiếp nối với một sự nhất quán trong chiến lược phát triển, tư duy quản lý, điều hành như vậy, chính điều đó đã tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư”, TS. Vũ Tiến Lộc khi còn là Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhiều lần khẳng định như vậy.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Long nhìn nhận, thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp ở Quảng Ninh đang nhận được niềm tin lớn của người dân và doanh nghiệp. 

"Chưa bao giờ có chuyện người dân đồng tình bàn giao đất để làm trước và nhận tiền sau như ở dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đây cũng là dự án đạt kỷ lục ngắn nhất về thời gian giải phóng mặt bằng của tỉnh”, ông Thắng cho biết.

Còn dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Amata (Thái Lan), ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long cũng không khỏi ngạc nhiên: “Thực sự hiếm có tỉnh nào mà cả bí thư và chủ tịch UBND tỉnh lúc nào cũng nói cùng một tiếng nói, tham dự cùng một cuộc họp với nhà đầu tư, cùng truyền đi một thông điệp. Điều này còn cho thấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất hiểu tâm lý của nhà đầu tư”.

Hành động vì doanh nghiệp

Từ năm 2015, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai mô hình “Cafe doanh nhân”. Theo ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, điều này đã tạo ra một không gian cởi mở ngoài vách kính của văn phòng công sở, giúp doanh nghiệp thẳng thắn đề đạt ý kiến, cơ quan quản lý trực tiếp nghe các thắc mắc của doanh nghiệp mà không cần qua các thủ tục hành chính có thể kéo dài cả tuần.

Hàng tháng, hàng quý, tỉnh Quảng Ninh còn chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động tổ chức gặp gỡ, hội nghị chuyên ngành, cà phê doanh nhân để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh chương trình “Cafe doanh nhân", tỉnh cũng tổ chức hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp hai lần mỗi năm, chủ tịch UBND tỉnh họp với ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ba tháng/lần và mời chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cùng dự họp thường kỳ UBND tỉnh hàng tháng.

Từ đây, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn... sẽ kịp thời được chuyển tới các cơ quan quản lý nhằm sớm tháo gỡ, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng kế hoạch gặp gỡ chuyên đề giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cùng các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trong hơn hai năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc trên 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương sau khi tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cũng quan tâm trả lời, giải quyết dứt điểm gần 600 kiến nghị của doanh nghiệp và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngoài tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh còn làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp như thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh; phát triển sản xuất và đưa các mặt hàng về tiêu thụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh.

Ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TX. Quảng Yên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An đã khẳng định rằng: “Tại Quảng Ninh, tôi thấy cơ hội kinh doanh và thành công giữa doanh nghiệp nội - ngoại là như nhau. Chỉ cần các doanh nghiệp có đủ khả năng và nguồn lực thì cơ hội luôn được chia đều. Như tại Quảng Yên, khi các khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án thì các doanh nghiệp tại Quảng Ninh có thêm rất nhiều cơ hội kinh doanh mới. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp luôn được chính quyền địa phương, tỉnh thông tin kịp thời về chính sách, quy hoạch, các cơ hội hợp tác trong đầu tư, kinh doanh”.

Dự địa vẫn còn lớn

Kết quả PCI Quảng Ninh cao song vẫn cho thấy còn nhiều điều mà cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng sự cải thiện mạnh mẽ từ các sở, ban, ngành và địa phương tại tỉnh. 

Đơn cử như việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, vấn đề chi phí không chính thức vẫn là thách thức không nhỏ và cần phải giải quyết dứt điểm, những khó khăn, kiến nghị kéo dài của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với chất lượng dịch vụ từ phía cơ quan công quyền cung cấp. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương, các sở, ban, ngành cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì đà cải cách, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp. 

Đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm xã hội tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh vươn lên trong hội nhập, hướng tới xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh gắn với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và phát triển bền vững.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên VCCI và USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số PGI. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. 

Kết quả công bố PGI năm đầu tiên cho thấy tỉnh Quảng Ninh nằm trong top năm tỉnh có thứ hạng cao nhất.

Năm 2022, Quảng Ninh cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI). Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững của bộ chỉ số PSDI 2022, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về PSDI12 - Tài nguyên và môi trường trên đất liền với điểm số 83,82 điểm. 

Các mục tiêu còn lại của Quảng Ninh đa phần đạt thứ hạng cao, với bảy mục tiêu nằm trong top năm tỉnh/thành dẫn đầu. Đây là lợi thế lớn để Quảng Ninh tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần PGI của PCI những năm sau.