Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Nguyễn Lê - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERBộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi các bộ, ngành, địa phương Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Ảnh: Internet

Theo hướng dẫn Bộ Kế hoạch và đầu tư mục tiêu tổng quát của năm 2018 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, nhất là ngành, lĩnh vực trọng tâm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng cải thiện nền tảng cho tăng trưởng chất lượng, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng…

Các chỉ tiêu kinh tế năm 2018 được đưa ra tại khung hướng dẫn gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,4 - 6,8% so với năm 2017; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2017; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5 - 35% GDP.

Trong khung hướng dẫn này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế trong nước đã có nhiều khởi sắc, các cân đối lớn vẫn đảm bảo… Mục tiêu tăng trưởng cả năm 2017 vẫn là một thách thức và gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương không sớm thỏa mãn với những gì đạt được, cần duy trì thường xuyên, liên tục những nỗ lực, cố gắng trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm với mục tiêu tăng trưởng GDP quý III cần đạt được khoảng 7,23%, tính chung 9 tháng khoảng 6,29%.

Ngoài ra, bộ cũng đưa ra dự thảo đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 gồm 10 nội dung sau:

1. Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

2. Tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên.

3. Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung vào đổi mới căn bản thể chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội.

4. Tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại.

5. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân.

6. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới.

7. Thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế.

8. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng đất đai trên cơ sở phát triển thị trường đất đai.

9. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

10. Tái cơ cấu cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.