Kinh tế đêm: "Bánh đã sẵn nguyên liệu, chỉ thiếu thợ"

Nguyễn Văn Mỹ * - 08:00, 16/08/2022

TheLEADERThành phố Hồ Chí Minh có sẵn nhiều yếu tố như địa điểm, dịch vụ... để hoạt động kinh kinh tế đêm, nhưng chưa được tổ chức tốt để hình thành và mang lại hiệu quả; giống như bánh đã sẵn nguyên liệu mà chưa có thợ để làm.

Kinh tế như nhịp thở của cuộc sống và du lịch là một phần tất yếu. Cuộc sống có ngày và đêm, bổ sung cho nhau. Làm việc và nghỉ ngơi luôn song hành, tương xứng, cuộc sống mới bền vững. Du lịch cũng vậy, các nước muốn phát triển đều chú trọng và cân đối cả hai mảng hoạt động này, trừ mấy nước hồi giáo thuần túy.

Kinh tế đêm vốn xa lạ với xã hội bao cấp. Gần đây, Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng bàn nhiều về kinh tế và du lịch đêm. Đã có không ít hội thảo, hội nghị, chỉ thị, nghị quyết về việc này nhưng kết quả rất khiêm tốn. Mọi người đều thống nhất mục đích và tầm quan trọng của kinh tế và du lịch đêm nhưng điều quan trọng nhất: Làm như thế nào và bắt đầu từ đâu thì lúng túng.

Kinh tế và du lịch đêm: Bánh đã sẵn nguyên liệu, chỉ thiếu thợ
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè về đêm

Đa số cho rằng, nguyên nhân kinh tế và du lịch đêm Việt Nam kém phát triển là do thiếu tiền đầu tư. Làm gì cũng cần tiền nhưng cần gấp mấy lần là cách sử dụng tiền hiệu quả. Kinh tế và du lịch đêm như những chiếc bánh, có sẵn nguyên vật liệu, chỉ thiếu thợ tâm huyết và có tay nghề. Xin mạo muội đề xuất mấy kiến giải chủ quan:

Thứ nhất, điều kiện đầu tiên là thay đổi tư duy về kinh tế và du lịch đêm chứ không phải là tiền đâu. Không chủ quan, cảm tính. Kinh tế và du lịch đêm, trước hết để phục vụ người dân tại chỗ, sau đó là khách nội địa và quốc tế.

Hàn A Xà là chủ nhiệm Hợp tác xã Sin Suối Hồ (bản H’ Mong, Phong Thổ, Lai Châu). Bản cách quốc lộ 29km, đường hẹp, độc đạo, cách biên giới Việt - Trung 2km; từ trọng điểm ma túy thành điển hình cả nước về làng du lịch cộng đồng, an sinh. Cả bản không ai uống rượu, hút thuốc, trộm cắp. Bản có 750 dân nhưng có 150 chỗ ngủ; 35.000 giò địa lan, như vườn địa đàng sót lại. Tôi hỏi Xà “Làm sao giữ được bản sạch đẹp như vậy?”. Xà cười nhỏ nhẹ “Mình phải hết lòng. Nhà mình và họ hàng mình phải làm gương trước. Từng bước, nói cho dân thông, làm đẹp nhà mình, bản mình là cho mình, cho bản; không làm vì khách. Bản đẹp, khách sẽ tới, ở lại”. Năm 2019, bản đón hơn 20.000 lượt khách đến tham quan và lưu trú.

Thứ hai, Nhà nước chỉ đầu tư cơ số hạ tầng, hỗ trợ chính sách và tạo điều kiện. Tuyệt đối không chi tiền tổ chức sụ kiện, làm thay doanh nghiệp. Nghiên cứu mô hình “Pub Street” (Siem Reap, Campuchia), toàn quán bar sôi động, dân cư chuyển ra ngoài; và Chợ Đêm Chiengmai (Thái Lan), chợ họp trên lề đường (rộng 4 – 6m), quay lưng ra đường, giữa có lối đi, xe cộ lưu thông bình thường, đi chợ phải gửi xe, tản bộ.

Thứ ba, thay đổi giờ hoạt động. Các cơ sở dịch vụ tại Việt Nam đang hoạt động theo giờ hành chánh, từ 7 giờ 30 – 17 giờ hoặc 18 giờ. Disneyland Hong Kong hoạt động từ 10 giờ 30 – 21 giờ. Đó là khung giờ hoạt động dịch vụ của các nước. Vừa tránh kẹt xe giờ cao điểm hành chánh, vừa có điều kiện bán thêm ăn trưa và tối cho du khách, nếu chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Trước mắt, thí điểm đổi khung giờ hoạt động Công viên Văn hóa Đầm Sen, đường Sách Nguyễn Văn Bình; cùng một số chùa, nhà thờ, đình… tiêu biểu. Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày 14 – 15 AL (rằm); hai di tích quốc gia đặc biệt của thành phố là Dinh Độc Lập và địa đạo Củ Chi sẽ mở cửa từ 10 giờ đến 22 giờ. Chắc chắn có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt là Củ Chi. Tái hiện chợ quê tự do, giáp ranh vùng giải phóng, họp từ 17 giờ – 22 giờ.

Thứ tư, tăng chuyến các tàu du lịch trên sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, buýt đường thủy… hoạt động đến 22 giờ. Một số tuyến buýt đường bộ hoạt động đến 24 giờ. Riêng buýt sân bay hoạt động 24/24, có thể linh động theo lịch bay. Buýt City Sight Hop On Hop Of hiện hoạt động từ 10 giờ – 22 giờ, cần mở rộng lộ trình ra quận 5 và vùng phu cận. Khuyến khích người dân sử dụng xe buýt và xe đạp.

Thứ năm, sắp xếp các tuyến phố đi bộ theo hướng chuyên biệt về hàng hóa và dịch vụ; có lộ trinh giãn dần cư dân. Nối trạm dừng xe buýt với các sân khấu kịch, ca nhạc, tạp kỹ, các điểm vui chơi, mua sắm, tham quan… Thành phố hiện có hàng chục sân khấu với đủ loại hình nghệ thuật; từ truyền thống đến hiện đại nhưng lâu nay, chưa đến được với du khách. Du lịch và văn hóa, dù chung bộ chủ quản nhưng như người quen mà không thân, chưa quan tâm tới nhau, nói chi liên kết.

Thứ sáu, khuyến khích các hoạt động giải trí, ăn uống, mua sắm kéo dài thời gian hoạt động theo quy luật cầu – cung của người dân và du khách. Đặc biệt phát huy tối đa tiềm năng của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh duy nhất ở Việt Nam được cải tạo chuẩn mực; trang trí các cầu và nhà bờ kênh thành những điểm nhấn. Xây dựng đường Hoàng Sa và Trường Sa thành phố đi bộ theo cách làm của sông Singapore. Đoạn kênh từ cầu Lê Văn Sỹ đến Hoàng Việt là trung tâm dịch vụ mặt nước (thuyền sub, kayak, thuyền thúng, trò chơi vận động…).

Thứ bảy, giải quyết chỗ gửi xe và vệ sinh cho du khách một cách căn cơ. Việc nhỏ mà rất quan trọng. Đó là một trong những cản trở lớn nhất của kinh tế và du lịch đêm hiện nay. Cũng như món ăn, ngon cách mấy, thiếu muối và nước chấm, cũng thành dở, thậm chí không ăn nổi.

Phải thay đổi tư duy để làm mới cả nội dung lẫn hình thức. Đi sau nhưng đâu ai cấm mình về đích trước. Kinh tế và du lịch đêm hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh giống như làm bánh. Nguyên vật liệu đã có sẵn, chỉ thiếu thợ.

(*) - Chủ tịch Lửa Việt, Giảng viên doanh nhân Khoa Du lịch đại học Nguyễn Tất Thành.