Loship tăng tốc với vòng gọi vốn mới từ quỹ ngoại

Việt Hưng - 07:23, 30/11/2020

TheLEADERVới tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ, Loship hiện cung cấp một loạt các dịch vụ từ giao đồ ăn, giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.

Lozi - công ty mẹ của ứng dụng Loship vừa công bố nhận vốn vòng Bridge round từ Vulpes Investment Management có trụ sở tại Singapore, cùng các tên tuổi như: Daal Ventures, Wealth Well, Eucagi Ventures, KI Group, và ông Moje Akhbari, cựu giám đốc điều hành Starbucks thị trường H Lạp và Cộng hòa Síp.

Được thành lập vào năm 2013, Lozi ban đầu là một ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm những địa điểm, nhà hàng ăn uống. Năm 2015, Lozi chuyển đổi sang mô hình thương mại điện tử kết nối khách hàng với khách hàng và chính thức trở thành một startup trong lĩnh vực thương mại điện tử và giao hàng tại Việt Nam với Loship vào năm 2017.

Ngay trong năm 2017, Loship đã nhận vốn từ một số nhà đầu tư gồm: Quỹ Vietnam Silicon Valley, Golden Gate, và DT & Investment. Năm 2019, Loship tiếp tục nhận vốn từ Quỹ Smilegate. Cũng trong giai đoạn này, Loship được bảo đảm đầu tư từ Tập đoàn Hana, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á.

Dù không tiết lộ về giá trị vòng gọi vốn mới, nhưng ông Nguyễn Hoàng Trung - Nhà sáng lập và CEO Loship cho biết, khoản đầu tư mà công ty nhận được diễn ra vào đúng thời điểm mà thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Với tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ, Loship hiện cung cấp một loạt các dịch vụ từ giao đồ ăn, giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.

Thế mạnh của Loship là vận dụng sự am hiểu "tính bản địa" vào sản phẩm, dịch vụ, cũng như các khâu quảng cáo, marketing tới khách hàng. Công ty tập trụng vào các những thị trường tỉnh bên ngoài các đô thị loại 1 như Hà Nội và TP. HCM - nơi mà các ứng dụng đa quốc gia khó có thể vươn tới.

Loship tăng tốc với vòng gọi vốn mới từ quỹ ngoại
Ông Nguyễn Hoàng Trung - Nhà sáng lập và CEO Loship

"Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi cho đến nay được coi là ngang bằng với các công ty có vốn đầu tư gấp nhiều lần so với Loship. Tôi nghĩ lý do duy nhất khiến các đối tác nước ngoài chọn Loship là vì chúng tôi có một mô hình kinh doanh hướng đến lợi nhuận và tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư", CEO Loship chia sẻ.

Đến nay, Loship có hơn 70.000 tài xế và khoảng 200.000 đối tác là nhà hàng. Nền tảng này đang phục vụ cho hơn 2.000.000 khách hàng trên cả nước và có khoảng 100.000 giao dịch hàng ngày. Dự kiến, Loship sẽ tăng con số này lên gấp ba trong 12 tháng tới, tạo ra doanh thu khoảng 31 triệu USD vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh Covid-19, các dịch vụ giao đồ ăn lại ngày càng được ưa chuộng, thay đổi thói quen người tiêu dùng. Minh chứng trong khi nhiều quốc gia áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân hạn chế tới nơi công cộng để phòng ngừa Covid-19, thì các nhà hàng, quán ăn, tiệm giải khát buộc phải chuyển mình để tìm "cửa sống".

Phương án kết hợp với các ứng dụng giao đồ ăn, tuyển shipper, bán hàng online được thay thế cho cung cách phục vụ truyền thống - đón khách trực tiếp tại nhà hàng. Và điều này càng khiến các ứng dụng, phần mềm giao đồ ăn nở rộ.

Theo một thống kê không chính thức, trong giai đoạn 5 năm từ 2014 đến 2019, doanh thu mảng giao đồ ăn trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi. Còn theo báo cáo và phân tích của Euromonitor - tốc độ tăng trưởng trung bình ngành này lên tới 11%/năm.