Khởi nghiệp
Gỡ vướng cho khởi nghiệp
Hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Cách đây hai năm, khi đến dự khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) lần thứ tư, hơn 13,4 triệu bài viết có liên quan hiện ra khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thử gõ từ khóa “khởi nghiệp” trên công cụ tìm kiếm của Google.
Trong ngày hội khởi nghiệp năm nay, khi Thủ tướng gõ lại từ khóa "khởi nghiệp", chỉ trong 0,54 giây đã có hơn 20,7 triệu kết quả,cho thấy không khí của tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đang lan tỏa mạnh mẽ trên mọi miền tổ quốc.
Trên bảng xếp hạng các thương hiệu khởi nghiệp toàn cầu có hàng nghìn cái tên đến từ Việt Nam như CốcCốc, VNTrip, HelloBacsi… Tuy nhiên, tại diễn đàn thanh niên khởi nghiệp diễn ra trong khuôn khổ Techfest 2020, Thủ tướng cho rằng số lượng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, với quy mô dân số gần 100 triệu người. Có lẽ vẫn còn nhiều khởi nghiệp sáng tạo có giá trị khác của Việt Nam chưa được cập nhật hoặc đang bị bỏ sót trên bảng xếp hạng.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, hoạt động khởi nghiệp của thanh niên có nhiều khởi sắc nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc nhiều ý tưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp chưa được quan tâm triển khai trong thực tiễn. Một số ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp còn mang tính phong trào, chạy theo số lượng mà chưa chú trọng thích đáng đến chất lượng, thiếu sự gắn kết giữa ý tưởng với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh để thúc đẩy, nuôi dưỡng khởi nghiệp, lập nghiệp. Người trẻ vẫn tự loay hoay, tự thân vận động. Hành trình khởi nghiệp của nhiều người gặp khó khăn vướng mắc về vốn; thiếu kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng quản trị-điều hành; thiếu nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời mỗi khi có thất bại và gian nan…
Là người sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui, anh Phan Bá Mạnh cảm thấy may mắn khi công ty gọi vốn thành công. Tuy nhiên anh Mạnh cho rằng nhiều người trẻ khởi nghiệp phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng "chảy máu" khởi nghiệp. Anh Mạnh đặt vấn đề, liệu môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới tạo được vốn.
Đề cập đến những khó khăn trong quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, anh Nguyễn Đức Trung, quỹ đầu tư VinaVenture cho rằng Nghị định 38 còn nhiều điểm hạn chế. Nổi bật là các quy định như quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư. Anh Trung cho rằng đây là những điểm chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các startup.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng cũng thừa nhận, quy định này khá cứng, khi thực hiện tạo ra rào cản. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho biết sẽ chủ trì sửa đổi quy định này để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp như anh Phạm Ngọc Anh Tùng, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch nông sản Foodmap và CEO của Kyber Network Lưu Thế Lợi vẫn còn mơ hồ về vị trí của doanh nghiệp trong chính sách của Chính phủ về chuyển đổi số cũng như những chính sách để kết nối các bên mà trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp cho hành trình chuyển đổi số của đất nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, đây là động lực cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, một loạt chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đã được ban hành. Trong quá trình chuyển đổi số, Nhà nước đặt hàng, giao cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thực hiện đề bài được giao.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp cần nhất đầu ra và Chính phủ chính là đầu ra, là "hộ tiêu dùng" lớn của một quốc gia. Chính phủ sẽ ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ và mua sắm những giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng "make in Việt Nam".
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, mỏ tài nguyên lớn nhất đối với hoạt động đổi mới sáng tạo là dữ liệu và mỏ tài nguyên này cần được khai mở. Đó cũng là lý do mà cách đây một tháng, Bộ Thông tin và truyền thông đã khai trương một cổng quốc gia về mở dữ liệu (data.gov.vn) với 10.000 bộ dữ liệu.
Đáng chú ý, doanh nghiệp khởi nghiệp làm ra sản phẩm nhưng chưa được tin tưởng. Ông Hùng cho biết, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ đứng ra đánh giá, công bố, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên trang web của mình.
Hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi
Nói về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhận định, sự sáng tạo được xem là một thứ tài nguyên mới mang tính vô tận. Sự sáng tạo cần xuất phát từ con người và con người cũng là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
"Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không? Tôi tin có những bạn trả lời là có. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Chúng ta hiểu rằng, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân", Thủ tướng nói.
Thung lũng Silicon vẫn luôn nổi tiếng với câu nói "bạn sẽ không thành công nếu chưa bao giờ thất bại, bạn sẽ học được nhiều điều từ thất bại”. Người Việt cũng có câu “thất bại là mẹ thành công”. Thủ tướng cho rằng, hãy hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi, có vấp ngã thì đứng dậy đi tiếp, không nản chí.
Những người trẻ hiện nay đã nhìn nhận được trách nhiệm của mình trước những thách thức trong việc tạo lập lợi thế canh tranh mới mà đất nước đang còn nhiều hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo....
Thủ tướng cho rằng những phẩm chất này của thanh niên Việt Nam chính là thế mạnh, là tiềm năng và nguồn lực quan trọng góp phần đưa đất nước tiến bộ, tự tin vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ cao nhất quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Các bộ, các địa phương thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu việc đưa môn học khởi nghiệp vào nhà trường. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập sàn huy động vốn khởi nghiệp và phát triển các quỹ đầu tư, trong đó có đầu tư khởi nghiệp. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo tăng tốc khởi nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính thế hệ trẻ sẽ phải dùng hành động để trả lời câu hỏi “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam ta trong tương lai sẽ thế nào? Việt Nam có hiện thực hóa được Khát vọng hùng cường 2045 hay không”. Khởi nghiệp sẽ là một con đường biến ước mơ của bản thân thành hiện thực, đồng thời góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc.
Miếng ghép còn thiếu của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Việt Nam đã sẵn sàng nhận hàng tỷ USD đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Trong dài hạn, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế, coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
5 startup Việt được Grab giúp tăng tốc khởi nghiệp
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite có tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 1 triệu USD đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác từ Grab và các đối tác.
Khởi nghiệp nông nghiệp số là xu hướng tất yếu
Trước đây, các mô hình cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha là mơ ước của nhiều người. Nhưng hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, rất nhiều mô hình đã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha, cho thấy số hóa dần trở thành yêu cầu bắt buộc.
Khi các nữ doanh nhân trẻ khởi nghiệp
Trong khi nhiều người nghĩ khó khăn lớn nhất với startup là vốn thì có nữ CEO cho rằng chính vì bản thân mình là phụ nữ nên mới khó chạm đến thành công.
Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.