Một thập kỷ đột phá về quy hoạch của Quảng Ninh

Quỳnh Chi - 08:41, 25/09/2020

TheLEADERTỉnh Quảng Ninh đã ghi được những dấu ấn trong suốt mười năm qua, tạo nên một thương hiệu đứng đầu cả nước trên nhiều phương diện và đang sẵn sàng cho những chiến lược đột phá trong thập kỷ tới.

Một thập kỷ đột phá về quy hoạch của Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh ghi nhiều dấu ấn và đột phá sau mười năm

10 năm khẳng định thương hiệu

Mười năm về trước, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020, địa phương này sẽ trở thành tỉnh công nghiệp – dịch vụ”.

Mặc dù là địa phương có rất nhiều lợi thế, tuy nhiên Quảng Ninh cũng phải đối diện với không ít thách thức để khơi dậy được tiềm năng. Lãnh đạo tỉnh đã sớm thấy những định hướng chiến lược trong các quy hoạch cũ không còn phù hợp; những khó khăn, thách thức mới nảy sinh đã kìm hãm việc phát huy thế mạnh.

Sở hữu một vị trí địa lý thuận lợi và mang tính chiến lược trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vẫn là một trong những điểm mạnh của Quảng Ninh. Nhưng nếu chỉ dựa vào lợi thế tĩnh về tự nhiên cùng khai thác tài nguyên thì sẽ gây ra nhiều tác động, có thể khiến tỉnh dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Do vậy, tỉnh xác định đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, năm 2012, Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng của tỉnh với những cái tên hàng đầu thế giới như McKinsey (Mỹ), Nikken Seikei (Nhật Bản), BCG (Mỹ), Nippon Koie (Nhật Bản)...

Đề bài của tỉnh đối với đơn vị tư vấn là các quy hoạch phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian.

Năm 2014, Quảng Ninh công bố tập trung triển khai lập bảy quy hoạch quan trọng cấp tỉnh gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường. Đây cũng là nền tảng cho việc định hướng thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Quảng Ninh đã sớm xác định được tổ chức không gian lãnh thổ cần thực hiện là: “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương. 

Trong đó, tập trung phát triển vùng đô thị trung tâm Hạ Long là vùng đô thị trung tâm gắn kết bốn tiểu vùng đô thị vệ tinh; phát triển hai vành đai xuyên suốt từ Tây sang Đông gồm: Vành đai phát triển công nghiệp - đô thị, vành đai cảnh quan và du lịch biển.

Đầu năm 2020, tỉnh đã sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, ưu tiên dành nguồn lực triển khai các dự án kết nối như cầu Cửa Lục 1, 2, 3, đường nối khu công nghiệp Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, để tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết hai vùng Nam - Bắc thành phố.

Việc sáp nhập địa giới hành chính, mở rộng không gian đô thị Hạ Long đã giải quyết kịp thời được khó khăn về dư địa, không gian phát triển, quỹ đất khả dụng của thành phố Hạ Long trước đó vốn đã khá chật hẹp, tạo nên làn sóng đầu tư mới đã bắt đầu đổ về Hạ Long để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Gần một thập kỷ nhìn lại, Quảng Ninh đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập, công bố và phát huy hiệu quả. 

Các quy hoạch không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển, là công cụ của công tác quản lý nhà nước, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, mà còn là động lực quan trọng để thu hút nhà đầu tư.

Quy hoạch và chiến lược – Tầm nhìn của tỉnh Quảng Ninh
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (phải) trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (tháng 6/2020)

Kết thúc mười năm thực hiện chiến lược phát triển (2011 – 2020), kinh tế của tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung cả nước, giai đoạn 2016 - 2019 là 10,9%; năm 2019 đạt 12,1%, vượt 0,5 điểm phần trăm so với chỉ tiêu đề ra, cao nhất trong mười năm trở lại. Thu ngân sách nhà nước luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước, thu nội địa luôn trong nhóm năm tỉnh dẫn đầu toàn quốc.

Trật tự xã hội ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước. 

Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực.

Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), tạo đột phá phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 

Tỉnh đã thực hiện 44 dự án với tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn tư nhân chiếm đến 90%. Các dự án hạ tầng giao thông được tỉnh tập trung phát triển và có hiệu quả cao.

Quảng Ninh trong nhiều năm qua luôn được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”

Sau mười năm, một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian đã được thành hình. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, là một trong năm địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. 

Các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn lớn trong nước và thế giới như Amata, Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port...

Sẵn sàng cho những đột phá mới

Dù đạt nhiều thành tựu sau một thập kỷ nhưng Quảng Ninh nhìn nhận vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. 

Theo đó, tỉnh nhận thấy sự đóng góp vào thành quả chung của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh mà tỉnh đang sở hữu. Tăng trưởng trong du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo còn rất nhiều dư địa. Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự đột phá. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Những hạn chế này đặt ra cho Quảng Ninh nhiệm vụ phải tiếp tục có những đột phá mới vượt qua những giới hạn để có bứt phá trong thập niên tiếp theo sau mười năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước 2011 và 35 năm đổi mới.

Song song với việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2020 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh cũng đang khẩn trương bắt tay vào xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một thập kỷ đột phá về quy hoạch của Quảng Ninh 1
Diện mạo mới của khu du lịch Bãi Cháy

Mục tiêu tới năm 2030 phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối quan trọng của cả nước.

Trong vòng ba thập kỷ tới, Quảng Ninh sẽ trở thành vùng đô thị lớn tầm khu vực và quốc tế, phát triển văn minh, hiện đại và có bản sắc, đô thị xanh, thông minh; là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao, đảm bảo tốt an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân có mức thu nhập cao nhất cả nước,...

Trong thời gian qua, lãnh đạo Quảng Ninh đã làm việc với Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam để triển khai lập quy hoạch tỉnh với mong muốn có được một quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh, mang tính khác biệt dựa trên bảy quy hoạch chiến lược sẵn có.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về hành động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp...

Tiếp tục nghiên cứu quan điểm phát triển không gian của tỉnh theo hướng "một tâm - hai tuyến - đa chiều" với "hai mũi đột phá" là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây... phù hợp với chiến lược, quy hoạch.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, được tổ chức trong 3 ngày 25 – 27.9.2020. Đây là một trong những đại hội đảng bộ cấp tỉnh sớm nhất cả nước.

Đại hội sẽ tập trung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV.

Đồng thời, thảo luận xây dựng nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc.