Quảng Ninh thu hút đầu tư tạo xung lực phát triển bền vững

Quỳnh Chi - 10:03, 24/09/2020

TheLEADERTỉnh Quảng Ninh đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhờ lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, lãnh đạo các cấp luôn chủ động lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và đặc biệt là có tầm nhìn chiến lược, kiên định với mục tiêu “xanh”.

Quảng Ninh thu hút đầu tư tạo xung lực phát triển bền vững
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh kiểm tra tiến độ dự án đường bao biển nối Hạ Long với Cẩm Phả. Ảnh: Đỗ Phương

Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, ông Park No Sung - Trưởng đại diện Công ty GS Engineering & Construction - một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc - đã không ngừng dành những lời khen có cánh cho Quảng Ninh với lời khẳng định sẽ xây dựng kế hoạch để nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, hạ tầng kho vận.

Ông Park cho rằng Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh về vị trí địa lý, có đường biển dài thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy và kho vận. Bên cạnh đó, vị doanh nhân đến từ Hàn Quốc cũng nhận thấy Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng, công trình dân dụng, dự án môi trường.

Bên cạnh những lợi thế này, ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Texhong - một trong những tập đoàn dệt may hàng đầu Trung Quốc - cũng từng đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông đặc biệt nhấn mạnh, tư duy của những người đứng đầu tỉnh luôn luôn đổi mới, sáng tạo và nhất quán quan điểm trong chỉ đạo, điều hành.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng để những nhà đầu tư FDI như Texhong đến và gắn bó lâu dài với tỉnh, đồng thời sẵn sàng làm cầu nối giữa tỉnh với những nhà đầu tư FDI khác.

Cũng có chung quan điểm, trong một cuộc trao đổi với TheLEADER, bà Somhatai, Tổng giám đốc Amata Việt Nam từng cho biết rất ấn tượng với chính quyền tỉnh Quảng Ninh khi luôn hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ nên dự án ở Quảng Ninh của bà được triển khai nhanh hơn nhiều so với các dự án trước đây.

Quảng Ninh thu hút đầu tư tạo xung lực phát triển bền vững
Amata là một nhà đầu tư lớn ở tỉnh Quảng Ninh

Bên cạnh các nhà đầu tư ngoại, nhiều nhà đầu tư lớn của Việt Nam như Sun Group, Vingroup, FLC, Bim Group, Tập đoàn CEO cũng đã góp phần làm thay đổi căn bản hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch trên địa bàn, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Có thể thấy, mặc dù sở hữu vị trí địa lý chiến lược cho thu hút đầu tư cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng trong những năm gần đây, Quảng Ninh mới nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo xung lực mạnh để phát triển bền vững nhờ vào bộ máy chính quyền cầu thị, luôn lắng nghe và không ngừng đổi mới.

Tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả “3 đột phá chiến lược” gồm phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực. 

Các đột phá chiến lược này gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa nhằm tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng khắc phục những điểm còn bất lợi để chuyển biến thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Kể từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã xác định nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Công tác này được đẩy mạnh trong những năm gần đây.

Tỉnh đã xây dựng nền hành chính hiện đại, mạnh dạn thí điểm thành lập một số mô hình mới nhằm cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Trong đó, thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) hoạt động tích cực và hiệu quả, Trung tâm hành chính công cấp tỉnh nhằm giảm bớt thời gian, đầu mối cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.

Lãnh đạo địa phương này cũng chủ động khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; tăng cường ứng dụng chính quyền điện tử; thực hiện số hóa 100% dữ liệu, đồng thời tiên phong thực hiện việc gửi, nhận văn bản liên thông giữa khối chính quyền và khối đảng, gửi và nhận văn bản điện tử kèm chữ ký số.

Tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động trong công tác khảo sát, ghi nhận và tiếp thu ý kiến của người dân và doanh nghiệp một cách thực chất thông qua các buổi đối thoại trực tiếp và ghi nhận qua kênh trực tuyến.

Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) được triển khai thí điểm từ năm 2015 như đánh dấu một sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp sở, ban, ngành và địa phương trong nỗ lực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời là một kênh tin cậy tiếp thu, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về chất lượng điều hành cấp cơ sở.

Nhờ vậy mà trong 3 năm liền kể từ 2017, Quảng Ninh liên tục giữ vững “ngôi vương” trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Trong đó, các chỉ số như tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự ghi nhận sự cải thiện về điểm số trong năm qua.

Quảng Ninh thu hút đầu tư tạo xung lực phát triển bền vững 1
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng công tác cải cách, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Đáp ứng nhu cầu “khắt khe” của nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã nâng cao năng lực, vai trò, tránh nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị và tiếp tục tạo sự chuyển biến về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Quảng Ninh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ quản trị, những người đứng đầu để từ đó có những giải pháp, quyết sách phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhưng phải luôn song hành với lợi ích của người dân trong dài hạn.

Cách đây khoảng 5 năm, với hạn chế lớn về hạ tầng giao thông và tính kết nối liên vùng kém nên Quảng Ninh chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhận thấy được điểm nghẽn này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng chủ động tìm cách tháo gỡ.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế... 

Tỉnh cũng thu hút đa dạng nguồn lực đầu tư, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP), giám sát công khai và minh bạch các dự án PPP. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2014 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 28 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng nguồn vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng.

Việc giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông với hàng loạt các dự án trọng điểm như tuyến cao tốc kết nối các địa phương Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đi qua Đông Triều - Uông Bí - Hạ Long,…dường như cũng góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư vào Quảng Ninh trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh hiện có diện tích quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước với 11 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích là hơn 11.741ha, ba khu kinh tế cửa khẩu và hai khu kinh tế ven biển.

Quỹ đất trống trong các khu công nghiệp còn rất lớn cùng với việc chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh là ưu điểm để Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư đến triển khai dự án.

Việc thu hút đầu tư của Quảng Ninh sẽ đi theo định hướng phát triển bền vững. Trong đó, dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch vẫn là mũi nhọn; tiếp tục cơ cấu lại công nghiệp, nâng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh với giá trị gia tăng lớn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, được tổ chức trong 3 ngày 25 – 27.9.2020. Đây là một trong những đại hội đảng bộ cấp tỉnh sớm nhất cả nước.

Đại hội sẽ tập trung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV.

Đồng thời, thảo luận xây dựng nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc.