Ngân hàng Thái Lan rót vốn cho một dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận

Thái Bình - 10:18, 20/10/2020

TheLEADERTỉnh Ninh Thuận vừa có đề xuất bổ sung một dự án điện mặt trời hơn 3.171 tỷ đồng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Ngân hàng Thái Lan rót vốn cho một dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận
Nhiều dự án điện mặt trời vẫn tìm cách xin bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để được hưởng mức giá cố định.

Trong thời gian nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, Bộ Công thương nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch 2 dự án Sunseap Việt Nam (huyện Ninh Sơn) và Sunseap Links Sông Sắt (huyện Bác Ái) của tỉnh Ninh Thuận.

Theo đề xuất, Sunseap Việt Nam có công suất 150 MWp, địa điểm xây dựng tại Hòn Khô, huyện Ninh Sơn, diện tích sử dụng đất khoảng 110ha, tổng đầu tư hơn 3.171 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhà đầu tư Công ty CP điện mặt trời Sunseap Links (Sunseap Links Pte.Ltd) dự kiến kết hợp trồng cây nông nghiệp cao (trồng, sản xuất sản phẩm Curcumin bằng việc mua lại công nghệ từ một công ty tại Canada) vào dự án này.

Theo tính toán trong hồ sơ dự án, thời gian trả vốn vay sẽ là 10 năm với lãi suất 10%/năm. Chi phí quản lý, vận hành và bảo dưỡng hàng năm 2%/tổng vốn, giá bán điện 7,09 Uscent/kWh. 

Dự án được đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 5% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo, được giảm 10% số thuế phải nộp cho 2 năm tiếp theo và được giảm 20% số thuế phải nộp cho các năm còn lại.

Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án là hơn 234,9 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến thi công xây dựng, lắp đặt từ tháng 6 tới tháng 11/2020, nghiệm thu vận hành thương mại từ tháng 12/2020.

Dự án không có tên trong danh mục dự án điện mặt trời được hưởng mức giá bán điện 7,09 USCents/kWh đã trình Chính phủ, do đó tỉnh Ninh Thuận đề xuất Bộ Công thương xem xét, thống nhất đưa vào danh mục.

Trước đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo tạm dừng đề xuất thỏa thuận đối với các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT và tỉnh Ninh Thuận cũng thông báo tạm dừng đề xuất thỏa thuận đấu nối với các dự án theo cơ chế giá cố định. 

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, tỉnh này lại bất ngờ đồng ý cho chủ trương khảo sát dự án này.

Liên quan tới việc cho chủ trương nêu trên, tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, việc khảo sát đề xuất dự án kéo dài không quá 6 tháng (tới trước ngày 30/6/2020). Đồng thời, dự án chỉ được triển khai khi cơ chế giá mua điện mới, cơ chế đấu thầu được ban hành cũng như dự án được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện mặt trời.

Một chi tiết tham chiếu, nếu tính các hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh (đã trình Bộ Công thương) thì tổng công suất đã vượt 2.000 MW - con số đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển giai đoạn năm 2020. 

Do đó, dự án chỉ được xem xét thực hiện khi Thủ tướng đồng ý chủ trương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện mặt trời.

Về chủ đầu tư, Công ty Sunseap Links Pte gồm các cổ đông là ông Nguyễn Hoài Bắc và Tập đoàn Sunseap Group (nhà cung cấp giải pháp năng lượng sạch lớn nhất tại Singapore). 

Chủ đầu tư cho biết, các cổ đông trong công ty thuộc tập đoàn này và có đủ kinh nghiệm, năng lực đầu tư từ trước thông qua nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn (công suất 168 MWp, hoạt động từ giữa năm 2019).

Liên quan tới năng lực tài chính, nhà đầu tư xác định vốn tự có là 900 tỷ đồng, còn lại là vốn vay (có thư cam kết của một ngân hàng Thái Lan).