Ngân hàng và doanh nghiệp tìm cách gỡ nút thắt tín dụng

Hoa Sen - 13:27, 06/07/2020

TheLEADERNhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm so với năm 2019, nhưng tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay toàn ngành ngân hàng vẫn thấp kỷ lục.

Tại chương trình Cafe Doanh nhân lần thứ 52 chủ đề “Nguồn vốn và thanh toán hiện đại” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Thực hiện Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về giãn nợ, miễn, giảm lãi, phí cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với 50.000 khách hàng, số dư nợ cho vay được giảm lãi là 68.000 tỷ đồng.

Song song đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã và đang giảm rất mạnh lãi suất huy động và cho vay, so với năm 2019, lãi suất đã giảm 1-2%/năm. “Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tiếp cận được chính sách ưu đãi về vay vốn”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động, không mở rộng sản xuất khiến nhu cầu vốn thấp. Kết quả là trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM chỉ đạt 2,5%, giảm rất mạnh so với cùng kỳ 2019 (7,5%).

Không chỉ riêng TP.HCM, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng nửa đầu năm nay chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 là 7,36%.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất và tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng tuỳ từng ngân hàng. 

Gỡ “nút thắt” tín dụng, ngân hàng vẫn “đỏ mắt” tìm khách hàng tốt 1
Các diễn giả tại Cafe Doanh nhân lần thứ 52 tại TP.HCM - Ảnh: HS.

Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, từ đầu tháng 7, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng đã được điều chỉnh. Động thái này giúp các ngân hàng có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ sửa Thông tư 01 cho phù hợp với tình hình thực tế, các doanh nghiệp sẽ được giãn nợ, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay giải ngân sau tháng 4 và kéo dài đến 31/12/2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về phía các ngân hàng, ông Huỳnh Thiên Phú, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Doanh nghiệp của Sacombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Sacombank tăng trưởng tín dụng đạt 4%, lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm còn 5%-7,5%/năm, nhưng nguồn vốn cho vay ra vẫn rất khó khăn.

Theo ông Phú, tín dụng không tăng trưởng mạnh là do nhu cầu vốn giảm chứ không phải ngân hàng không muốn cho vay. Ngân hàng đã giảm lãi suất để kích cầu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng – doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu nhau, cũng như phải minh bạch thông tin.

"Nhiều doanh nghiệp cứ báo lỗ để không phải nộp thuế, mà đi vay thì hoạt động kinh doanh phải có lời, doanh nghiệp lỗ thì ngân hàng làm sao cho vay. Để vay tín chấp, doanh nghiệp lớn, đầu ngành có thương hiệu tốt định giá được, còn doanh nghiệp nhỏ không định giá được thương hiệu, rất khó vay tín chấp" ông Phú nói.

Ông Phú cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp thiếu tài sản, ngân hàng có thể xem xét cho vay theo hàng hoá bán chịu của doanh nghiệp (cho vay theo khoản phải thu). Tuy nhiên, điều khó khăn là doanh nghiệp bán chịu cho khách hàng cũng không có hợp đồng mua – bán hoặc thiếu chứng từ dẫn đến ngân hàng không thể cho vay.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Tạ Quốc Sự, Chủ tịch Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (VietPeper), cho biết mức lãi suất vay ngắn hạn VND theo hạn mức của công ty đã được giảm còn 6,5% -8,5%/năm so với mức 9-10,5%/năm đầu năm nay, cao hơn so với mức lãi vay mà các doanh nghiệp lớn tiếp cận được chỉ 5,5-6%/năm. Đối với vay USD, lãi suất công ty phải trả là 4,5%/năm, giảm so với mức 4,8%/năm trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức lãi vay 3,5%/năm mà các doanh nghiệp lớn phải trả.

"Trong tình hình này mức lãi vay vẫn khá cao". ông Sự nói và mong muốn lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như VietPeper.

Chia sẻ với doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận gói cho vay ưu đãi lãi suất nhưng phải đáp ứng điều kiện có lãi 03 năm liền kề trước đó.

“Tinh thần chung là ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt khó cũng là giúp ngân hàng giảm khó khăn. Chưa cái khó nào khó bằng nợ xấu gia tăng, vì nó tác động ngay đến lợi nhuận của ngân hàng”, ông Lệnh nói.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Huỳnh Thiên Phú cho biết từ giờ đến cuối năm, Sacombank dự kiến tăng tín dụng thêm 6%. Do đó, ngân hàng đã liên tục triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng giảm chi phí vốn vay, tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Gần đây nhất, Sacombank bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng vào nguồn vốn ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, lãi suất dành cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh chỉ từ 6,5%/năm và dành cho khách hàng vay mua nhà, xe ô tô, tiêu dùng chỉ từ 7,5%/năm. Gói ưu đãi sẽ kéo dài đến ngày 31/8/2020 hoặc khi hết nguồn vốn.

Trước đó, ngày 02/7, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2020, Sacombank cũng dành 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 6%/năm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh sau dịch Covid-19. Tính đến nay, ngân hàng đã dành đến 32.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.