Ngành thực phẩm chuyển mình trong mùa dịch

Việt Hưng - 14:38, 07/04/2020

TheLEADERCEO Sói Biển cho biết, có những ngày cao điểm sức mua tại chuỗi Sói Biển tăng 500%, tổng lượng đặt hàng online cao gấp 3-5 lần, toàn công ty làm việc từ 5h sáng đến tận khuya để nhập, bán hàng.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm. Đối với doanh nghiệp sản xuất, hầu hết tất cả các thị trường đều dừng nhập hàng, do vậy không thể tiêu thụ được sản phẩm. 

Thị trường trong nước chưa xây dựng hệ thống phân phối, nên gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Các doanh nghiệp phân phối thực phẩm thuộc nhóm ngành thiết yếu do vậy vẫn được nhà nước ưu tiên trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.

Tuy không thuộc diện phải đóng cửa, dừng hoạt động, nhưng lượng khách hàng mua lương thực, thực phẩm qua kênh offline đang có dấu hiệu giảm mạnh, do khách hàng ngại ra ngoài mua sắm.

"Bắt buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải chuyển mình, đưa sản phẩm của lên bán online để phục vụ khách hàng", ông Trần Quân - CEO Sói Biển nhận định.

Ngành thực phẩm chuyển mình trong mùa dịch
Chuỗi Sói Biển có những ngày cao điểm sức mua tăng 500%

Ông Quân cho hay, trong 8 năm làm ngành bán lẻ thực phẩm sạch chưa bao giờ chứng kiến thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Chuỗi Sói Biển có những ngày cao điểm sức mua tăng 500%, nhưng ngay sau đó là sụt giảm mạnh.

"Chúng tôi làm việc từ 5 giờ tới tận khuya để nhập hàng, bán hàng và nhận đơn hàng online. Phòng marketing và công nghệ làm đến khuya để kịp nâng cấp website, đưa toàn bộ gần 1.000 sản phẩm thực phẩm thiết yếu lên nền tảng online phục vụ khách hàng trước thời điểm cách ly xã hội được Thủ Tướng ban hành", CEO Trần Quân chia sẻ.

Theo nghiên cứu mới đây của Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel, dịch Covid-19 đang có những tác động mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng của người dân. Cụ thể, 50% số người được hỏi cho biết họ đã giảm tần suất tới siêu thị, tạp hoá và chợ truyền thống. 

Song song với đó, 35% số người được hỏi nói rằng họ dành nhiều thời gian hơn xem những nội dung trực tuyến, đặc biệt là hoạt động mua sắm online thay vì đi ra ngoài.

Các sản phẩm được ưa chuộng trong mùa dịch theo Nielsen gồm nước đóng chai, thực phẩm đóng gói, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân và sản phẩm chăm sóc nhà cửa.

Thực tế, theo lãnh đạo Sói Biển, khách hàng đang thay đổi thói quen tiêu dùng rất mạnh từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang hành vi mua/đặt hàng online.

Website Sói Biển ra mắt phiên bản mới vào cuối tháng 3/2020, nếu số lượng đơn đặt hàng thực phẩm qua website trước đây chỉ thi thoảng có vài đơn, thì đến đầu tháng 4/2020 có những ngày hệ thống ghi nhận vài trăm đơn hàng.

"Tổng lượng đặt hàng online của Sói Biển tăng gấp 3-5 lần so với trước khi có dịch bệnh. Khách hàng sẽ đặt hàng hôm trước và nhận hàng tại nhà vào ngày hôm sau. Vừa tiết kiệm thời gian, an toàn trước dịch bệnh và Sói Biển cũng giảm được lượng hàng hủy do đặt hàng nhà cung cấp đúng như lượng khách hàng đã đặt trước", ông Quân nói.

Ngành thực phẩm chuyển mình trong mùa dịch 1
Ông Trần Quân - CEO Sói Biển, chuỗi 30 cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội

Trước đó, Sói Biển được biết đến là đơn vị đi tiên phong trong chiến dịch hỗ trợ bà con ngư dân tiêu thụ tôm hùm. Ông Quân cho biết, tính từ tháng 2/2020 tới nay, tổng lượng bán tôm hùm ở chuỗi này là khoảng hơn 2 tấn.

"Sói Biển rất vui vì sau một thời gian ngắn lượng tiêu thụ Tôm Hùm trong nước tăng gấp 5-10 lần trước khi có chiến dịch, hàng loạt những thương hiệu như Vinmart, Mertro, CoopMart... tham gia hỗ trợ bà con ngư dân tiêu thụ", vị CEO chia sẻ.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2020, giá tôm hùm lại tiếp tục giảm sâu, giá nhập hàng giảm từ 20-30%. Do đó, Sói Biển tiếp tục giảm giá, đi kèm chính sách đặt hàng qua website, Fanpage, giao tận nhà cho khách hàng.

Theo ghi nhận, giá tôm hùm xanh size 3-4 lạng/con tại Sói Biển và các cửa hàng hải sản tươi sống giảm mạnh, dao động chỉ từ 700.000-795.000 đồng tùy loại. Size 2-3 lạng/con giá còn thấp hơn vài chục nghìn/kg so với size to hơn.

"Việc hỗ trợ tiêu thụ chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, các doanh nghiệp, bà con vùng nuôi tôm, cũng như các sản phẩm nông sản, hải sản Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm soát chất lượng, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh xây dựng thị trường trong nước song song với xuất khẩu. Có như vậy người nông dân, ngư dân mới bán được giá tốt, thị trường đầu ra ổn định và không còn tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như nhiều năm qua", CEO Sói Biển nhấn mạnh.