Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp thiếu đột phá

Phương Anh - 16:43, 07/03/2023

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 08 mới về trái phiếu doanh nghiệp là tín hiệu tích cực, song mới chỉ đưa ra các giải pháp mang tính tình thế, thiếu đi tính đột phá giúp giải quyết triệt để nguồn gốc vấn đề.

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó có nhiều quy định mới mang tính hỗ trợ cho thị trường như: cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm, có thể thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác; tạm ngưng các quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Nghị định mới được kỳ vọng tìm ra lối thoát cho doanh nghiệp bất động sản – khu vực đang chịu áp lực trả nợ trái phiếu lớn nhất hiện nay. Ước tính, có khoảng 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2023, trong đó một nửa thuộc về các doanh nghiệp bất động sản.

Đánh giá tích cực về nghị định mới, song ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng nghị định vẫn thiếu điểm đột phá, mà mới chỉ đưa ra các giải pháp mang tính tình thế.

Trên thực tế, các biện pháp được đưa ra như thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác nếu được nhà đầu tư chấp thuận đã được một số chủ đầu tư bất động sản thực hiện từ trước. Tương tự, việc đám phán với các trái chủ để kéo dài thêm kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện.

“Sự ra đời của nghị định chỉ mang ý nghĩa hợp thức hóa các biện pháp này. Một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên chưa giải quyết được phần nguồn của vấn đề”, ông Thuân nhận định.

Vấn đề chính ở đây, theo ông Thuân nằm ở các tài sản của doanh nghiệp có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán.

Về quy định gia hạn thêm thời hạn trái phiếu doanh nghiệp, ông Thuân đánh giá chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý với ngành ngân hàng. Nhưng với trái phiếu đang được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân thì có lẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát, tránh đưa nhà đầu tư cá nhân vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không thu được gì.

“Tóm lại, các quy định mới này cũng có giá trị tích cực và cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì có lẽ phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung, tiếp theo”, Chủ tịch FiinGroup đánh giá.

Đồng quan điểm với ông Thuân, ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Alpha Real cho rằng, Nghị định số 08/2023 của Chính phủ ban hành những quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp là tin vui cho thị trường bất động sản và các chủ đầu tư.

Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện theo nghị định này để giải quyết trái phiếu đến hạn.

Để có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 điều kiện: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, được người sở hữu trái phiếu chấp thuận và doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

“Theo tâm lý thông thường, các nhà đầu tư sẽ khó đồng thuận với việc các chủ đầu tư có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác và kéo dài kỳ hạn trái phiếu 2 năm. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cá nhân hiện đang mất niềm tin vào thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, do đó, họ muốn nhận tiền về thay vì nhận bằng tài sản và gia hạn thêm thời gian. Đó là chưa kể đến nhiều dự án trên thị trường bất động sản đang gặp vướng mắc pháp lý, chưa đủ điều kiện để làm tài sản thanh toán cho khoản nợ trái phiếu", ông Sơn chia sẻ.

Việc đàm phán xử lý trái phiếu đến hạn giữa các trái chủ và doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian với sự bất đồng quan điểm giữa hai bên về mức giá, quyền lợi. Đây là điểm mà nghị định mới chưa đưa ra phương án giải quyết.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam cho rằng, để thúc đẩy quá trình này, sự cân bằng giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành rất quan trọng. 

"Bên cạnh những nỗ lực tự tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, từ phía chủ nợ của doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, trái chủ cũng nên hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn nợ, giãn tiến độ dự án so với cam kết ban đầu”, ông Cần chia sẻ.

Theo ông Cần, đây là thời điểm "càng gây sức ép càng bế tắc cách giải quyết" vì mọi cánh cửa về dòng vốn với doanh nghiệp như tín dụng, trái phiếu đều đang bị khóa chặt. 

Thay vào đó, các chủ nợ có thể cùng hỗ trợ, tạo cơ hội giúp doanh nghiệp bất động sản có thể giãn nợ hoãn nợ và trả nợ dần. Khi mọi mâu thuẫn, căng thẳng được giải quyết ổn thỏa, chờ thời điểm thị trường dần hồi phục, các vướng mắc pháp lý được khơi thông, thanh khoản trở lại, khi đó, doanh nghiệp sẽ có dòng tiền để trả nợ cho các khoản vay cho trái chủ.

“Dù khó khăn nhưng đây có lẽ là giải pháp khả thi nhất lúc này. Nhà đầu tư cũng nên tin tưởng bất động sản là loại tài sản đặc biệt, có giá trị và tính an toàn rất cao, có tính kế thừa qua nhiều thế hệ. Khi thị trường hồi phục, các tài sản bất động sản sẽ sớm quay lại chu kỳ tăng trưởng mới và doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận để trả nợ cho nhà đầu tư”, ông Cần chia sẻ.