Ninh Thuận gỡ nút thắt điện hạt nhân và titan

Nguyễn Cảnh - 14:27, 19/06/2023

TheLEADERNội dung trong dự thảo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cho thấy bước chuyển mới trong xử lý vấn đề quy hoạch titan và điện hạt nhân, từng được coi là một trở lực với phát triển kinh tế - xã hội địa phương này.

Liên quan đến định hướng các khu vực trước đây quy hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, về quy hoạch sử dụng đất, vị trí nhà máy tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh) với diện tích khoảng 443ha và thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) khoảng 380ha được định hướng đưa vào dự trữ đất quốc gia để thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Về định hướng phát triển, vị trí tại thôn Vĩnh Trường cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để người dân được cải tạo, xây mới nhà ở, mở rộng khu dân cư đồng thời phát triển các dự án có chu kỳ dưới 20 năm như: Điện mặt trời, du lịch sinh thái, thể thao...

Với vị trí tại thôn Thái An, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để người dân được cải tạo, xây mới nhà ở, mở rộng khu dân cư, khuyến khích xây dựng nhà ở kết hợp với chức năng dịch vụ thương mại; đồng thời phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, du lịch công đồng, du lịch sinh thái đảm bảo thuận lợi cho việc thu hồi khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Về đầu tư phát triển các công trình thiết yếu, cho phép cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cấp bách: giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các công trình giáo dục, phúc lợi xã hội bảo đảm đồng bộ, kết nối, liên thông với các khu vực xung quanh, đảm bảo phát triển khu dân cư ổn định lâu dài.

Dự thảo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nêu rõ, các nội dung cụ thể về phát triển đời sống nhân dân tại hai vị trí nhà máy điện hạt nhân sẽ được triển khai tại các bước tiếp theo.

Trước đó, theo ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia và ý kiến của Bộ Công thương thì đây là 2 địa điểm tốt nhất đã được khảo sát để xây dựng nhà máy điện hạt nhân nên đề nghị thống nhất bảo lưu kết quả khảo sát các vị trí xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị nghiên cứu các phương án phát triển trên cơ sở tạm giữ quy hoạch 2 dự án điện hạt nhân.

Cơ quan lập quy hoạch cho biết, định hướng phát triển theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 7191/VPCP-CN hồi tháng 7/2017 và 416/TB-VPCP vào tháng 10/2018 đề nghị “Xem xét kỹ vấn đề về chuyển đổi mặt bằng quy hoạch cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng thuận lợi cho việc thu hồi khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng (hồi tháng 1/2023) về xử lý các vướng mắc đối với quy hoạch địa điểm 2 nhà máy điện hạt nhân, tháng 3/2023 ban công tác liên ngành báo cáo Thủ tướng xem xét duy trì quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho đến khi có chủ trương mới của cấp thẩm quyền.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư Ninh Thuận cho biết, Bộ Công thương đang kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực quy hoạch nhà máy điện hạt nhân đảm bảo yêu cầu không thay đổi chức năng sử dụng đất đối với địa điểm quy hoạch nhà máy, nhưng cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, cho phép người dân được cải tạo, xây mới nhà ở với các chỉ tiêu quy hoạch phù hợp với các quy định của các đồ án quy hoạch được phê duyệt, khuyến khích xây dựng nhà ở kết hợp với chức năng dịch vụ thương mại góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống.

Ngoài ra, cho phép cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, kết nối, liên thông với các khu vực xung quanh, lân cận, đảm bảo phát triển khu dân cư ổn định lâu dài.

Về titan, theo ý kiến của Bộ Công thương, tỉnh Ninh Thuận có trữ lượng lớn quặng titan. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do Bộ Công thương chủ trì lập), những dự án chưa cấp phép, Bộ Công thương không đưa vào thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030.

Đồng thời một số dự án cụ thể khác đã cấp phép thăm do, khai thác, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ xem xét đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản khi đủ điều kiện theo quy định Luật Khoáng sản và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 115/NQ-CP.

Vấn đề này, theo giải trình của Sở Kế hoạch và đầu tư Ninh Thuận, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm dừng đối với các dự án khai thác titan. Đối với những khu vực có chứa quặng titan chưa bảo đảm điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường thuộc “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1546 hồi tháng 9/2013 mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì đưa vào khu vực dự trữ quốc gia để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời. Đối với những dự án đã cấp phép thì giao UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Theo đó, Ninh Thuận có khoảng 4.350ha đất titan, trong đó khoảng 2.165ha đã cấp phép thăm dò, khai thác và 2.180ha đất chưa cấp phép. Đối với khu vực chưa được cấp phép khai thác, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương loại trừ và không đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với khu vực đã cấp phép, Thủ tướng đã chấp thuận điều chỉnh 88ha ra khỏi quy hoạch đồng thời giao Bộ Tài nguyên và môi trường bổ sung diện tích này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Phần diện tích còn lại đã được cấp phép thăm dò, khai thác ngoài khu vực 88ha, UBND tỉnh tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp được cấp phép để thống nhất việc trả lại giấy phép khai thác trên tinh thần phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật.

Năm 2020, Bộ Công thương đã báo cáo cụ thể Thủ tướng về tình hình thực hiện quy hoạch titan và giải pháp tổng thể về những khó khăn vướng mắc, trong đó có vấn đề các quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương chồng lấn với các dự án của quy hoạch titan, làm ảnh hưởng lớn tới quy hoạch titan.

Liên quan tới địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng sớm đưa các khu vực có khoáng sản titan với diện tích 4.206ha (khoảng 3.970ha thuộc Quy hoạch 1546 và 237ha thuộc quy hoạch tỉnh) trên địa bàn chưa bảo đảm điều kiện khai thác, ảnh hưởng tới môi trường ra khỏi quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan đã được phê duyệt để có cơ sở triển khai các dự án năng lượng tái tạo, du lịch.