Khởi nghiệp
Nỗi đau bị lừa của cô gái xứ Nghệ đam mê trồng cam sinh thái
Cảm thấy xót xa khi bố mẹ và người trồng cam bị lừa đủ đường, Nguyễn Thị Lê Na đã sáng lập thương hiệu Cam Kỳ Yến và từng bước hiện thực hoá ước mơ thay đổi cuộc sống người dân vùng đất xứ Nghệ nắng gió nhờ mô hình cam sinh thái.
Sau khi biết về đề án xây dựng mô hình cam sinh thái 500ha ở xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hnp, Nghệ An) của cô gái 8x Nguyễn Thị Lê Na, nhiều người đã để lại sự nghi ngại, cho rằng điều đó là ảo tưởng. Ở Nghệ An, người dân đang từng ngày vất vả mưu sinh với một vài hecta cam, nhiều lắm là vài chục hecta thì nói gì đến con số hàng trăm.
Thế nhưng với cô gái miền Trung có thân hình nhỏ nhắn nhưng đầy năng lượng, đã nói là phải làm. Hiện nay, chị Na, người sáng lập thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến, Phó giám đốc Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ đang xây dựng đề án cho dự án có tổng diện tích hơn 500ha, chiếm gần 1/10 diện tích xã Minh Hợp.
Hơn một năm trước, chị đã đề xuất lên UBND tỉnh Nghệ An xin thực hiện mô hình thí điểm chỉ trên 2ha và nay đang xin phép quy hoạch diện tích khoảng hơn 500ha xây dựng ngôi làng áp dụng mô hình sinh thái được quản lý bởi hệ thống FarmLab, FarmShop và FarmTour.
FarmLab là khu vực nghiên cứu tất cả công trình về cam nhằm cập nhật, xây dựng quy trình, kỹ năng, kỹ thuật sâu sắc. FarmShop là nơi người dân trong làng bán các sản phẩm từ cam; khu này cũng sẽ là nơi phô diễn toàn bộ bản sắc văn hoá, giá trị lịch sử riêng có của Làng, kết hợp FarmTour cho du khách tham quan, trải nghiệm dài ngày.
Trong đó, đoàn công tác của Sở Khoa học công nghệ và Sở Du lịch Nghệ An sau chuyến khảo sát thực tế đầu tiên từ một năm trước đã có buổi làm việc cùng Cam Kỳ Yến vào đầu tháng 10 năm nay để lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng tour tuyến thí điểm về du lịch Vườn Cam Vinh sinh thái đầu tiên tại Nghệ An. Bao nhiêu nỗ lực bấy lâu nay của chị Na cùng cộng sự cuối cùng đã được ghi nhận.
Tháng 11 tới đây, tour thí điểm đầu tiên sẽ được tổ chức. Một mô hình du lịch kiểu mới sẽ được xây dựng gồm du lịch khởi nghiệp, du lịch học tập, du lịch đầu tư, rồi sau nữa sẽ là du lịch nông nghiệp nghỉ dưỡng hay du lịch nông sản sinh thái. Đó sẽ là những khái niệm mới mà du khách được tiếp cận.
Ngược dòng đi tìm đam mê
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đã gắn bó với cây cam ở nông trường Xuân Thành (Nghệ An) từ những năm 1980, chị Na đã chứng kiến nhiều khó khăn, gian nan của bố mẹ và người làng. Sau khi chuyển hẳn sang trồng cam và háo hức chờ đợi vụ cam đầu tiên ra trái vào năm 2000, bố mẹ chị và những người dân xung quanh gặp không ít khốn đốn khi bị thương lái ép giá.
Có những khi cam chín rụng cũng không ai mua hoặc phải bán với mức giá bèo bọt, phải trực tiếp mang cam xuống chợ Vinh và các chợ lẻ khác bán nhưng chẳng đáng bao nhiêu, rồi hàng tấn cam rụng, cam ngơ bị đổ đi trong xót xa. Trong khi người trồng cam khóc ròng thì ngoài thị trường, người tiêu dùng vẫn mua phải cam kém chất lượng với giá cao.
Cuối năm 2013, một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi đúng lúc gia đình chị Na đang gặp khó với bài toán đầu ra, bố mẹ chị đã cất công thuê xe vận chuyển cam từ Nghệ An ra Đông Anh giao cho khách hàng nhưng cuối cùng phát hiện bị lừa khi hàng đã giao mà không thu được tiền. Bằng các mối quan hệ, chị tìm ra được cơ sở đã đặt mua, thu hồi 900kg cam. Rồi thông qua mạng xã hội và bạn bè, chị bán hết số cam đó chỉ trong ba ngày.
Dù bán hết hàng nhưng chị cảm thấy xót xa cho bố mẹ và những người trồng cam khi bỏ ra quá nhiều vốn liếng, sức lực và tâm huyết cả đời mà thu về chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn bị lừa đủ đường. Đó cũng là thời điểm chị nhận ra đã đến lúc bẻ lái trên con đường sự nghiệp, “bén duyên” với nghề trồng cam.
Đang làm việc ở Honda, chị trăn trở rằng mình học xong có công ăn, việc làm ổn định nhưng liệu có cách gì để giúp bố mẹ đỡ vất vả hay không. Chị quyết định xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và gia đình, quay về quê hương thành lập Công ty Cổ phần Trang trại Nông sản Phủ Quỳ làm thị trường cho quả cam của trang trại Kỳ Yến và các trang trại xung quanh.
Càng đi sâu, chị càng nhận ra có quá nhiều vấn đề phải làm, từ xây dựng thương hiệu đến các tiêu chuẩn, quy trình phát triển… Trong khi đó, việc sản xuất cam ở quê không được tổ chức chặt chẽ và đều mang tính tự phát nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chị Na cho rằng, làm nông nghiệp cần có kiến thức, chuyên môn. Có thể những kiến thức đó không đến từ trường, lớp nhưng người làm nông nếu dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu và học hỏi thì may ra mới thành công.
Với tâm niệm “muốn bán cam tốt trước hết phải thật am hiểu về nó” cùng với sự hỗ trợ của một số kỹ sư yêu nông nghiệp sinh thái, chị quyết mày mò qua sách báo, internet và thử nghiệm trồng cam sinh thái, nghiên cứu các quy luật tự nhiên để ứng dụng vào quá trình canh tác giúp xây dựng hệ sinh thái cây cam, tái tạo nguồn dinh dưỡng cho cây cam.
Nhờ tư duy khác biệt, chị thử nghiệm thành công mô hình canh tác cam sinh thái, không sử dụng hoá chất trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện với môi trường bởi chị tin rằng muốn tạo lòng tin cho người tiêu dùng, chính bản thân mình phải làm tốt ngay từ đầu.
Tuy nhiên, chị Na lưu ý, nông nghiệp theo hướng sinh thái, thuận tự nhiên là nghiên cứu về tính tự nhiên, sinh thái của cây trồng để cố gắng tạo ra môi trường, điều kiện giống với tự nhiên nhất trong một hệ sinh thái đa loài để cây trồng, vật nuôi có thể phát triển tốt, đem lại nguồn nông sản có giá trị cho con người.
Để đạt được điều đó cần có thời gian và sự kiên trì, cần biết cách vận dụng cho phù hợp với điều kiện, môi trường thay vì quá cực đoan, tuyệt đối hóa vấn đề bởi nếu sử dụng sức người quá nhiều thì khó có thể trở thành hàng hóa kinh doanh.
Năm 2015, Cam Vinh Kỳ Yến là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An có tổng cộng 10ha cam trồng theo quy trình VietGAP nhưng đến nay hầu hết diện tích đó đã dần chuyển đổi sang canh tác sinh thái từ năm 2016.
Không dừng lại đó, chị còn liên kết và đang tích cực hướng dẫn, đào tạo 29 hộ nông dân với tổng diện tích hơn 50ha trồng cam sinh thái hoặc hướng tới hạn chế canh tác hóa chất tối đa. Mặc dù nhiều hộ dân tham gia tập huấn sẵn sàng tin theo và chuyển đổi sang canh tác sinh thái nhưng vẫn còn những người nghi ngờ. Vì vậy, chị Na phải hướng dẫn chuyển đổi từng bước cho người nông dân, đó cũng chính là khó khăn mà chị và đội ngũ công ty luôn cố gắng kiên trì giải quyết từng ngày.
Không chỉ trồng và bán cam tươi, công ty của chị Na còn phát triển các sản phẩm từ trái cam như tinh dầu cam, mứt nước cam, mứt vỏ cam trà cam… với mẫu mã đẹp và chuyên nghiệp không khác gì những sản phẩm chế biến của các thương hiệu nước ngoài. Các sản phẩm được sản xuất cũng dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nhiên không sử dụng thêm chất bảo quản hay phụ gia hóa chất tổng hợp.
“Sau khi bắt đầu làm, những tư duy mới đã trở thành cơ hội với tôi. Trong phát triển sản phẩm nông sản, nhờ trước đó được học về kinh tế chính trị và làm việc với nhiều công ty lớn. Tôi may mắn và trở nên khác biệt, là một doanh nghiệp đầu tiên ở tỉnh làm bài bản, đạt nhiều thành tựu lớn”, chị Na chia sẻ.
Không chỉ làm tốt khâu sản xuất và phát triển sản phẩm, chị còn chú trọng quảng bá thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm. Nhớ lại lần đầu tiên đàm phán với Vinmart, những quả cam của chị Na bị từ chối do giá cao nhưng sau ba năm nhận thấy sản phẩm có uy tín, họ đã chủ động đề xuất đưa sản phẩm của chị vào hệ thống.
Hiện Cam Vinh Kỳ Yến đã được cung ứng vào hệ thống hơn 50 siêu thị, cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng và đang tiến hành mở rộng tại thị trường TP. HCM. Còn đối với dòng sản phẩm chế biến, chị đang chú trọng phát triển thử nghiệm qua kênh online và các kênh dành cho khách du lịch cũng như làm sản phẩm quà tặng mùa vụ. Chị còn chịu khó mang sản phẩm sang các nước như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc để giới thiệu và nghiên cứu thị trường.
Còn nhớ lần đầu tiên Cam Vinh Kỳ Yến tham dự hội chợ triển lãm quốc tế các sản phẩm nông nghiệp vào năm 2013, trong khi không có ai quan tâm đến bao bì, nhãn mác hay tem, chứng nhận cho các sản phẩm nông sản thì những quả cam của chị Na trở thành “ngôi sao vụt sáng”. Ngay từ những thời điểm bắt đầu, đội ngũ của chị đã được tiếp động lực rất nhiều.
Ngoài việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị và có doanh số bán hàng tốt, công ty của chị Na còn làm việc với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để được hỗ trợ tư vấn và đào tạo, tổ chức các hoạt động và du lịch đến tham quan vườn, cũng như hỗ trợ đưa sản phẩm đi tham gia một số hội chợ quốc tế.
Thoát khỏi tư duy “ao làng”
Dù đạt được những thành công bước đầu, nhưng giờ đây nhìn lại, chị Na thừa nhận mình đã từng có một tư duy “ếch ngồi đáy giếng”. Tạo nên sự khác biệt, đạt được những kết quả bước đầu và được đánh giá cao từng khiến chị thoả mãn với bản thân và sự cố gắng của chính mình. Nhưng khi được tiếp xúc với nhiều đoàn làm việc đến từ Nhật Bản, châu Âu, các nhà đầu tư cũng như các bài viết trên sách, báo, chị nhận ra thế giới của mình quá nhỏ bé so với thế giới của những người tinh hoa, giàu có, có địa vị xã hội.
Có duyên được mạng xã hội hỗ trợ rất nhiều để đi lên, chị Na từng nghĩ rằng đó là một thế giới rất rộng lớn. Trong khi đó, những người làm kinh doanh đến từ Nhật Bản thậm chí chẳng quan tâm đến mạng xã hội nhưng vẫn rất giàu có, tư duy khác biệt và làm việc bài bản. Chị nhận ra rằng trong khi mình chắt chiu, tằn tiện trong chi tiêu, mỗi ngày phải nghĩ tiêu tiền sao cho hợp lý thì doanh nhân Nhật qua Việt Nam ở khách sạn 5 sao, đặt yếu tố thoải mái và an toàn lên trên hết.
Tiếp xúc với các quỹ đầu tư, chị thấy họ không chỉ có nhiều tiền mà còn có rất rất nhiều tiền. Trong khi đó, chị và cộng sự suốt ngày bươn chải bán từng cân cam, đếm từng đồng tiền.
“Cái cách kinh doanh đó làm cho con người mình trở nên nhỏ nhặt. Các quỹ đầu tư không để ý những thứ nhỏ nhặt, họ có tầm nhìn dài hạn, không phải những tính toán trước mắt. Chỉ riêng những cái đó thôi cũng đã làm tôi thay đổi rất nhiều. Tôi lấy đó làm tinh thần và động lực để thay đổi”, chị Na chia sẻ.
Thay vì trồng cam chờ ngày hái quả như bao nông dân khác, chị phát triển các sản phẩm chế biến từ cam sau khi tìm hiểu nhu cầu của xã hội và xây dựng câu chuyện của riêng mình. Nhưng như vậy vẫn là cách làm “trồng cam thì phải bán cam”, chưa có ý tưởng lớn lao, to tát hơn.
Riêng việc bán cam đơn thuần, nếu may mắn nhận được đơn hàng lớn thì chị cũng gặp khó, bị xoay như gà mắc tóc vì không đủ khả năng đáp ứng. Làm nhỏ đi lên dần thì lâu và vất vả trong khi không có vốn để làm lớn. Thế nhưng khi được các nhà đầu tư tiếp cận, chị lại tạo một bức tường vô hình ngăn cách, thậm chí được đầu tư cũng từ chối vì vốn dĩ không có tư duy chiến lược, không muốn bị áp lực doanh số, lợi nhuận từ các nhà đầu tư và đặc biệt luôn giữ trong mình suy nghĩ rằng nếu nhận đầu tư thì đến một ngày nào đó, công ty sẽ bị “nuốt chửng”.
Sau bốn tháng làm việc với bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập tổ chức Vietnam Silicon Valley (VSV) cùng các chuyên gia trong VSV, tư duy của chị Na thay đổi hoàn toàn. Chị biết rằng muốn làm lớn không thể đi một mình mà phải dựa thế người có sức. Hơn nữa, các nhà đầu tư thường sẽ để nhà sáng lập nắm trên 50% cổ phần để duy trì động lực cho startup phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt, thay vì chỉ đi bán quả cam và các sản phẩm chế biến từ cam, chị Na cho thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng đóng gói thành quy trình trồng cam sinh thái, tìm cách liên kết hộ nông dân để phát triển mô hình, hướng đến xây dựng Làng cam sinh thái 500ha ở Nghệ An với hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bài bản, cùng nhau nâng tầm giá trị văn hoá của Làng.
“Trước đây tôi chỉ chi li góp nhặt xem 1ha cam được bao nhiêu tiền, rồi nghĩ nếu có tiền thì lại trồng 2ha, 5ha, 10ha rồi 20ha cam … mà chưa bao giờ nghĩ đến ý tưởng quy hoạch vùng trồng cam trong xã, huyện”, chị Na cho biết.
Chị nhớ lại một trong những điều rất sâu sắc đúc rút được sau khi tốt nghiệp nghành Kinh tế Chính trị Mac – Lê Nin: Những nước có đóng góp GDP từ nông nghiệp cao thường là những nước nghèo, còn những nước có GDP đóng góp từ dịch vụ cao thường là những nước phát triển. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu bán một quả cam thô thì giá thành sẽ rất thấp, nông dân muôn đời vẫn nghèo, còn nếu biết gia tăng giá trị của nông nghiệp thông qua dịch vụ như du lịch và thương mại, ngành nông nghiệp sẽ phát triển, cuộc sống người dân chắc chắn được nâng cao.
Chẳng hạn, một hộ nông dân có vườn cam không hoá chất, có đất, nước, không khí rất tốt như hiện tại có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng cho khách ở qua đêm. Đứng từ trên cao có thể thấy một vườn cam bạt ngàn, lúc đi xuống có thể đắm mình tận hưởng trong hương hoa. Người dân có thể tạo dịch vụ tắm, xông hơi, massage hương cam để giảm stress, từ đó khiến du khách cảm nhận được sự tinh tuý của cây cam, tạo cảm xúc và lắng đọng. Những thứ dịch vụ đó mới là giá trị, là thứ mang lại tiền bạc cho người nông dân chứ không chỉ là những sản phẩm nông sản bán theo sản lượng.
Chị Na còn chú trọng hướng đến áp dụng công nghệ trong nghiên cứu và quản trị. Chẳng hạn, việc nghiên cứu thời điểm bón phân hợp lý sẽ được thực hiện trong một tháng dựa trên cơ chế lên xuống của thuỷ triều ảnh hưởng đến hướng chảy của nhựa cây, với mỗi loại cây sẽ dùng loại phân nào, bón bao nhiêu, phân huỷ trong bao lâu…
Nếu không sử dụng công nghệ để tích hợp các kết quả dữ liệu, không sử dụng cảm biến thì sẽ không thể nào tính toán, đánh giá. Xây dựng được quy trình rồi thì mỗi vườn sẽ cho ra sản lượng khác nhau cho nên mỗi vườn cũng phải có trường dữ liệu riêng về đất, nước, không khí tuỳ theo những điều kiện khác nhau… Tất cả mọi thứ sẽ được tích hợp trên hệ thống.
Trong việc quản trị, chị đang đặt mục tiêu xây dựng hê thống hướng dẫn cho nông dân trồng cam sinh thái cũng như kiểm soát toàn bộ quy trình từ khi chuẩn bị đất trồng cho đến khi phân phối. Với một ứng dụng, mỗi nông dân sẽ có một mã riêng, trong đó lưu trữ toàn bộ thông tin, số liệu và những thay đổi liên quan đến vườn của họ. Khi xảy ra vấn đề, các chuyên gia có thể dựa trên số liệu để tư vấn.
“Thực ra làm được hay không phụ thuộc rất lớn vào tư duy. Muốn làm thì sẽ tìm cách, không muốn làm sẽ tìm lý do. Ban đầu có thể chưa đặc sắc nhưng qua thời gian sẽ đúc rút và tinh tuý dần”, chị Na nhìn nhận.
Dự kiến khi làng cam sinh thái đi vào hoạt động, tổng doanh thu của cả làng đạt trên 500 tỷ đồng mỗi năm, bằng GDP của cả xã Minh Hợp hiện nay trong khi chỉ chiếm chưa đầy 1/10 diện tích. Thế nhưng, câu chuyện phát triển làng sẽ không dừng lại ở 500 tỷ đồng mà còn là câu chuyện tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và những khu vực xung quanh với mức thu nhập ổn định và tốt hơn, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, kinh tế khác ở địa phương đồng thời giải quyết bài toán lãng phí xã hội.
“Điều chúng tôi hướng đến là sự phát triển bền vững thay vì tư duy ăn xổi, lướt sóng”, chị Na khẳng định.
Chị định hướng doanh nghiệp của mình đi theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội và ở đó kinh doanh cần thiết phải gắn với trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và bảo vệ môi trường. Chị nhận ra rằng nếu tạo ra được điều kiện tốt cho xã hội thì chính doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững.
“Thương trường là thị trường của tình thương. Trong xã hội, người nào làm việc tử tế đều khác biệt và được yêu thương. Nếu vận dụng được triêt lý rất đơn giản đó vào kinh doanh và làm những việc tử tế, khách hàng cũng sẽ yêu thương mình”, chị Na nhìn nhận.
Như việc phát triển làng cam sinh thái 500ha, nếu chị mua đất và xây dựng dự án riêng cho mình thì sẽ chẳng còn giá trị văn hoá cộng đồng. Rồi đối mặt với nguy cơ bị phá hợp đồng trong câu chuyện làm việc với người dân, chị cho biết luôn tận tâm mang lại những giá trị cho người dân, đào tạo và hỗ trợ thì mới khiến họ tin tưởng và đồng hành, để làm ăn tốt thì cùng nhau có lợi và nếu có khó khăn thì cùng nhau giải quyết.
Vì xét cho cùng, người nông dân là đối tượng yếu thế nhất trong chuỗi giá trị nông sản. Nếu mình thật sự đồng hành cùng họ, chia sẻ và minh bạch mọi vấn đề của chuỗi giá trị để cùng đồng hành thì họ sẽ nhận ra chẳng có ai giúp họ kinh doanh ổn định, chẳng ai “ăn dầm nằm dề” trên vườn cam cùng họ như mình.
Sẽ không có từ nào phù hợp hơn hai chữ “sinh thái” để nói về chị Lê Na và ngôi làng của chị. Sinh thái đối với chị không chỉ trong nghĩa tự nhiên, thiên nhiên mà còn là hệ sinh thái của cây trồng, hệ sinh thái giữa con người với con người.
Cô gái Việt bỏ Paris về Tây Nguyên khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ
Phải thấy cái nhục thua người ngoài để sửa mình
Có ba việc làm tôi suy nghĩ rất nhiều trong năm qua. Suy nghĩ đó có thể đúng có thể sai, tuỳ góc nhìn của mỗi người. Nếu có doanh nhân nào đó đọc những dòng này và trăn trở, thì tôi có thêm một người bạn.
Doanh nghiệp không thể trường tồn nếu thiếu tính nhân bản
Ông Giản Tư Trung, nhà sáng lập Học Viện Quản Lý PACE cho rằng, một doanh nghiệp thực sự tầm vóc thường có 5 đặc tính: Khát vọng lớn lao, sứ mệnh cao cả, chiến lược khả thi, đội ngũ tài năng và giá trị bền vững.
Nghệ thuật quản trị nhân tâm ở BIMICO
Thay đổi tư duy và cách làm cũ đã cố hữu ở doanh nghiệp nhà nước khi chuyển đổi sang công ty cổ phần là thách thức cam go đối với bất cứ nhà lãnh đạo nào khi mới bước vào tiếp quản, nhất là những lãnh đạo trẻ.
Dân tộc nhiều doanh nhân, quốc gia càng thịnh vượng
Dân tộc cần lắm doanh nhân, dĩ nhiên là: Doanh nhân sinh lợi, chứ không phải doanh nhân cụt vốn. Doanh nhân phụng sự xã hội, chứ không phải doanh nhân chỉ thu vén vào túi mình. Doanh nhân có tâm, tầm, tài, chứ không phải doanh nhân vô đạo, lọ mọ, “gà què ăn quẩn cối xay". Doanh nhân buôn bán, dịch vụ cần nhiều, nhưng doanh nhân tổ chức sản xuất cũng cần lắm. Chỉ như thế quốc gia mới hùng cường, thịnh vượng.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.