Nút thắt trên những cao tốc nghìn tỷ

Nguyễn Cảnh - 11:25, 10/02/2023

TheLEADERHai siêu dự án đường cao tốc (trị giá khoảng 36.000 tỷ đồng) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang đối diện một số khó khăn cần tháo gỡ.

Cụ thể gồm dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương (theo phương thức đối tác công tư), được tỉnh Lâm Đồng xác định là dự án trọng điểm.

Được quyết định chủ trương hồi tháng 11/2022, dự án tuyến cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài khoảng 66km (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55km), dự kiến tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng (trong đó vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn sở hữu các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động khác). UBND tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.

Được duyệt chủ trương vào tháng 12/2022, dự án tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương có chiều dài khoảng 74km, tổng mức đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng (trong đó, phần vốn nhà nước gần 7.770 tỷ đồng, vốn sở hữu các nhà đầu tư khoảng 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 10.000 tỷ đồng). UBND tỉnh Lâm Đồng được giao là cơ quan thẩm quyền để thực hiện đầu tư, theo dõi và chỉ đạo đôn đốc.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết quá trình triển khai 2 dự án nêu trên đang gặp một số khó khăn.

Đối với vấn đề thu hút nhà đầu tư: Quy định "không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm" (nêu trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc) sẽ khó thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, theo tỉnh Lâm Đồng, các nhà đầu tư sẽ rất khó trong huy động vốn và vay vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng để triển khai dự án.

Từ đây, Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo quy định tại điều 82, Luật PPP để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút nguồn vốn huy động khác (khoảng 9.000 tỷ đồng) từ các nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tín dụng nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi của dự án.

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với các dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương do địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện dự án đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư với số vốn 2.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc, dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật PPP và được cụ thể tại Hợp đồng dự án’.

Đối với vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng: Theo Nghị định 83/2020 của Chính phủ, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR) là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, đối với các dự án giao thông (công trình theo tuyến) thì trong triển khai các bước tiếp theo (như: phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công) sẽ có một số điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình, địa chất và hiện trạng thực tế.

Từ đây, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, ‘việc quy định chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với dự án đường giao thông là chưa phù hợp’.

Với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 11/2022), qua kiểm tra, khảo sát thực địa, hướng tuyến ở bước nghiên cứu khả thi có điều chỉnh cục bộ một số vị trí (như: dự án trường đua ngựa, cụm công nghiệp Đạ Huoai, nghĩa trang Địa Tạng Vương, thiền viện Bát Nhã…) để giảm độ dốc dọc và đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Việc điều chỉnh này có làm thay đổi vị trí nhưng diện tích rừng giảm khoảng 36ha (giảm 29ha rừng tự nhiên và khoảng 6,7ha rừng trồng) so với phê duyệt. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì vẫn phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương CMĐSDR. Việc quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, tỉnh Lâm Đồng đánh giá.

Để tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc CMĐSDR, rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư, Lâm Đồng đề nghị Chính phủ ủy quyền hoặc phân cấp thẩm quyền thuộc phạm vi quyết định của Thủ tướng cho HĐND cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận đối với diện tích rừng đặc dụng (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) dưới 50ha và rừng sản xuất (gồm rừng tự nhiện và rừng trồng) từ 50ha đến dưới 1.000ha theo quy định.

UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến khởi công dự án trong tháng 9/2023. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210km.

Theo chủ trương của Chính phủ, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hợp phần Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, còn 2 hợp phần Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức PPP.

Hiện nay, hầu hết thời gian thu hồi vốn đối với các dự án cao tốc đều có thời gian trên 20 năm trong khi thời hạn cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ 15 năm.

Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng nhà nước có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức PPP.