Quảng Ninh năm thứ ba liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI

15:14, 05/05/2020

TheLEADERSau 15 năm, khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối của điểm số PCI hay điểm số PCI gốc ngày càng thu hẹp.

Quảng Ninh năm thứ ba liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2019), Quảng Ninh giữ vững vị trí cao nhất với 73,40 điểm, đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. 

Đặc biệt, có tới tám trong số mười lĩnh vực điều hành kinh tế đo lường bởi PCI được cải thiện. Điểm số PCI tổng hợp của Quảng Ninh năm 2019 tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay. 

Ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh. Năm ngoái, tỉnh này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh mức độ ba, mức độ bốn đạt 84,6%. 

Việc thanh toán phí, lệ phí tại trung tâm hành chính công trở nên thuận lợi hơn, khi doanh ngiệp và người dân có thể lựa chọn một trong các hình thức: thanh toán trực tuyến (internet banking), thanh toán thẻ (máy POS), thanh toán qua mã QR hoặc thanh toán bằng tiền mặt. 

Quảng Ninh đã vận hành trung tâm điều hành thành phố thông minh, với việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cấp, áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, số hóa dữ liệu điều hành, gửi và nhận văn bản liên thông giữa các ngành, các cấp. 

Cùng với việc 19 sở, ngành sử dụng con dấu thứ hai để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay” tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Quảng Ninh đã triển khai con dấu thứ hai đối với cơ quan tư pháp và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại trung tâm hành chính công các huyện, thành phố. 

Chính quyền tỉnh này cũng rất chú trọng việc tổ chức, triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh tới từng cấp, ngành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu một cách cụ thể, kết hợp với việc thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá công khai kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của các đơn vị. 

Quảng Ninh tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng, triển khai điều tra và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và huyện thị (DDCI) thường niên để thúc đẩy chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền các cấp. 

Nằm trong nhóm ba tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 còn có Đồng Tháp (72,10 điểm) và Vĩnh Long (71,30 điểm). Trong đó, Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2019, tăng 1,91 điểm so với năm trước đó. Đồng Tháp năm thứ hai liên tiếp được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về môi trường cạnh tranh bình đẳng. 

Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. 

Nhóm mười tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 có sự trở lại của Bắc Ninh và Hải Phòng, cùng với các tỉnh, thành phố khác bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An và Hà Nội.

Nhóm cuối trong PCI 2019 là Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang và Bắc Kạn. Điều tra PCI 2019 tiếp tục ghi nhận sự cải thiện nhanh chóng về điểm số của những tỉnh trong nhóm cuối bảng xếp hạng so với năm 2018. Theo nhóm điều tra, nếu những tỉnh này tiếp tục duy trì tốc độ cải thiện như hai năm vừa qua, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng PCI vào năm tới. 

Đáng chú ý, sau 15 năm, khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối của điểm số PCI hay điểm số PCI gốc ngày càng thu hẹp; xu hướng cải thiện tích cực được duy trì. 

Tuy nhiên cần lưu ý, trong khi những cải thiện của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng thì dường như thành tích cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu PCI mới dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách. 

Do đó, các tỉnh đứng đầu cần tiếp tục phát huy sáng kiến để cải cách các lĩnh vực điều hành nhiều thách thức hơn. Cũng cần lưu ý đến hiện tượng cải thiện điểm số PCI theo thời gian khá chậm của một số tỉnh đứng đầu PCI, vốn là những điểm đến đầu tư quan trọng. 

Một mặt, điều này chỉ ra rằng doanh nghiệp vẫn đánh giá cao các cải cách hướng đến giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, như giảm các rào cản gia nhập thị trường, giảm gánh nặng thủ tục hành chính. 

Mặt khác, việc thiếu vắng các chính sách và thiết chế phù hợp để giải quyết các thách thức điều hành kinh tế phức tạp hơn, ví dụ như vấn đề tiếp cận thông tin hay chi phí không chính thức, sẽ khiến các tỉnh đứng đầu khó phát huy hết tiềm năng phát triển của địa phương.