Sâm Ngọc Linh: Quốc bảo của Việt Nam và giấc mơ tỷ đô trên đỉnh núi

Quỳnh Như - 12:29, 07/09/2018

TheLEADERThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sâm Ngọc Linh chính là quốc bảo của Việt Nam, Kon Tum phải tính tới mục tiêu tỷ USD về sản xuất và xuất khẩu sâm Ngọc Linh trong thời gian tới

Sâm Ngọc Linh: Quốc bảo của Việt Nam và giấc mơ tỷ đô trên đỉnh núi
Cận cảnh một củ sâm Ngọc Linh tại Triển lãm sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác.

Sâm Ngọc Linh - loại sâm quý nhất thế giới

Theo tài liệu của Sở Khoa học và công nghệ Kon Tum, sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, là cây thuốc “giấu” mà đồng bào dân tộc sử dụng từ lâu đời để bồi bổ cơ thể, chữa bệnh.

Năm 1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y khu 5 phát hiện loài sâm này tại núi Ngọc Linh của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đến năm 1985, hai nhà khoa học là TS. Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L, họ nhân sâm và được đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (Theo Trung tâm sâm Việt Nam – 1993).

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác; trong khi đó sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.

Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố gần đây còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh  lên tổng cộng 52 loại, như vậy, có thể thấy, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất thế giới.

Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần.

Ví dụ như trong phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra hằng tháng do UBND huyện Trà My đứng ra tổ chức vào tháng 3 vừa qua, có một người dân ở huyện này rao bán 1 củ sâm Ngọc Linh đào được trên rừng nặng 1,1kg, giá lên tới 600 triệu đồng. Trong năm 2018, giá sâm Ngọc Linh mà người dân huyện Trà My rao bán tại các hội chợ thường dao động từ 400 - 800 triệu đồng/1kg, phụ thuộc vào thời giá, tuổi và tự trồng hay tự nhiên của sâm.

Trong Triển lãm sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác vừa khai mạc hôm 4/9 tại Kon Tum, bình rượu ngâm 15 kg sâm Ngọc Linh tạo hình rồng được bán với giá 2,1 tỷ đồng. Giá sân Ngọc Linh trung bình tại triển lãm khoảng 120 triệu đồng/1kg.

Người dân Việt Nam sắp không còn phải mua sâm Ngọc Linh giả?
Bình rượu ngâm 15 kg sâm Ngọc Linh có giá 2,1 tỷ.

Nghịch lý có tiền cũng khó mua được sâm Ngọc Linh thật

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, dù có tiền, cũng rất khó mua được sâm Ngọc Linh thật, nhất là tại tỉnh Kon Tum, vì nhiều lẽ.

Sâm Ngọc Linh là cây bản địa đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh và chỉ sinh trưởng tự nhiên trong 9 xã nằm chung quanh đỉnh Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kom Tum: Trà Linh, Trà Nam (huyện Trà My – Quảng Nam), Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đắk Glei – Kon Tum) và Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông – Kon Tum).

Điều này liên quan mật thiết đến các yếu tố tự nhiên như: độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật che phủ… xung quanh đỉnh Ngọc Linh. Theo các tài liệu nghiên cứu trước đây, những điểm có sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên đều ở độ cao từ 1.500 - 2.200m (tập trung chủ yếu ở độ cao 1.800 - 2.000m). Cho đến nay, về giới hạn cũng như mức độ phân bổ của loài sâm này ở núi Ngọc Linh đã có nhiều thay đổi.

Sau năm 1985, do chuyển đổi tổ chức Công ty dược liệu sâm Ngọc Linh của Kon Tum giải thể dẫn tới cây sâm bị khai thác cạn kiệt, công tác nghiên cứu trồng sâm bỏ dở. Đến những năm 1990, cây sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, thuộc 250 loại động thực vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Đây là nguyên do, cho dù đang sở hữu tới 500ha sâm Ngọc Linh ở hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, không ít diện tích trong số đó có tuổi đời từ 5 đến 10 năm, song dường như rất ít sâm được bán ra, vì sứ mệnh chính của ngành sâm Ngọc Linh Kon Tum vẫn là để bảo tồn.

Một người dân tại huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Nếu ai đó tại Kon Tum bán sâm Ngọc Linh với số lượng nhiều, gần như chắc chắn là sâm giả. Bởi, người dân địa phương khi cần mua vài lạng sâm Ngọc Linh có việc cũng phải chờ vài tuần mới có hàng. Tại Kon Tum, mục đích của các công ty hoặc hộ dân trồng sâm Ngọc Linh vẫn là bảo tồn gen, chống tuyệt chủng; số lượng bán ra được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Còn nếu muốn mua sâm với số lượng vài kg, khách hàng có thể đến huyện Nam Trà My – Quảng Nam. Nghe đâu lãnh đạo huyện này đứng ra cam kết tất cả sản phẩm mà người dân bán ra trong các hội chợ sâm Ngọc Linh, do địa phương đứng ra tổ chức hàng tháng hoặc hàng quý đều là hàng thật”.

Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, vừa khẳng định với báo giới: hiện nay sở mới cấp giấy công nhận về giống sâm Ngọc Linh cho 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (đều có vùng trồng chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông).

Đây là 2 đơn vị có hồ sơ, được kiểm định về chất lượng nguồn gốc, tuy nhiên, đến nay tỉnh Kon Tum vẫn chưa bán sâm Ngọc Linh ra thị trường.

Trong hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum ngày 6/9, ông Trần Hoàn, Giám đốc Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum, doanh nghiệp có hơn 20 năm gây dựng vùng trồng sâm Ngọc Linh, mỗi năm ước sản xuất hàng triệu cây giống, cũng tiết lộ: Hiện nay, 2 công ty trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn chưa xuất bán. Do vậy, sâm Ngọc Linh khan hiếm, bị đẩy giá trên thị trường rất cao, đến hàng trăm triệu đồng/kg.

Một điều khiến ông Hoàn lo lắng nữa là sâm Ngọc Linh giả, sâm không có nguồn gốc xuất xứ đang được rao bán tràn lan trên mạng.Các loại sâm giả từ phía Bắc (thường là củ Tam thất), không nguồn gốc, hóa đơn chứng từ, được định giá từ 1 - 2 triệu đồng/kg.

Gió sẽ đổi chiều?

Cũng trong hội nghị kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã đến lúc Kon Tum nên phát triển ngành trồng sâm Ngọc Linh lên một tầm cao mới; không phải chỉ bảo tồn gen, mà phải chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. 

"Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới", Thủ tướng đề nghị.

Ngày 5/9, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc như Viện nghiên cứu Hồng sâm quận Jinan, Công ty You Cel, Y.K Vina… đã trao đổi, ký kết hợp tác với tỉnh Kon Tum nhằm đầu tư vào nguồn dược liệu sâm Ngọc Linh. Việc ghi nhớ hợp tác đầu tư có mục đích nâng cao xếp hạng quốc tế về nền công nghiệp hóa sâm của Việt Nam; nâng cao giá trị, hiệu quả sâm thông qua việc nghiên cứu song phương giữa sâm Ngọc Linh Kon Tum của Việt Nam và phía đối tác Hàn Quốc.

Người dân Việt Nam sắp không còn phải mua sâm Ngọc Linh giả? 2
Tỉnh Kon Tum và các công ty Hàn Quốc đang tiến hành lễ ký kết hợp tác

Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn cấp phép cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho: Công ty CP Solavina, Công ty TNHH Thái Hòa, Công ty CP Vingin, Công ty TNHH ADC, Công ty CP Nước giải khát Ngọc Linh và Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum.

Đồng thời, tỉnh cũng trao chủ trương khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư về sâm Ngọc Linh cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 10.500 tỷ đồng trên tổng diện tích dự kiến 5.155ha của Tập đoàn Vingroup và Công ty CP VVINA tại huyện Tu Mơ Rông.

Với những hoạt động ký kết đầu tư kể trên, trong tương lai không xa, Kon Tum sẽ hoàn thành được mục tiêu tỷ USD Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra, cũng như khiến người dân Việt Nam có thể mua được sâm Ngọc Linh thật với giá phải chăng.