Sẵn sàng móc hầu bao cho hàng ngoại, nhưng người Việt lại 'ngại' trả tiền cho hàng nội

Việt Hưng - 11:02, 04/04/2018

TheLEADER"Ở Việt Nam có một nghịch lý, đó là người tiêu dùng luôn muốn sử dụng sản phẩm tốt, nhưng lại ngại trả tiền. Quen được miễn phí, tới khi phải đóng phí sẽ cảm thấy khó chịu" - ông Nhan Thế Luân, CEO và người sáng lập Nhaccuatui.com tâm sự.

Sẵn sàng móc hầu bao cho hàng ngoại, nhưng người Việt lại 'ngại' trả tiền cho hàng nội
Ông Nhan Thế Luân – CEO và người sáng lập Nhaccuatui.com

Vừa qua, dịch vụ nhạc số lớn nhất thế giới - Spotify đã mở cửa tại Việt Nam. Bên cạnh gói nghe nhạc miễn phí, mức giá mà Spotify đưa ra cho gói Premium (không quảng cáo, bài hát đa dạng, nhiều tùy chọn nghe nhạc...) là 59.000 đồng/tháng hoặc 708.000 đồng/năm.

Mức giá này mặc dù cao hơn gấp đôi, gấp ba lần mặt bằng chung gói VIP của các dịch vụ nhạc số "nội" như NhacCuaTui, Zing MP3, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm đông đảo của một bộ phận người tiêu dùng Việt.

Tại sao lại có nghịch lý này? Điều gì đang diễn ra tại thị trường nhạc số Việt Nam? Các doanh nghiệp nhạc số nội đã chuẩn bị những gì trước sự lấn lướt của các "tay chơi ngoại"? Ông Nhan Thế Luân - CEO và người sáng lập Nhaccuatui.com đã có những chia sẻ mới đây cùng TheLEADER.

Chào ông Luân. Được biết, Spotify - ông lớn của thị trường nhạc số thế giới đã chính thức đặt một chân vào Việt Nam, cảm xúc của ông lúc này thế nào?

Ông Nhan Thế Luân: Như thường lệ, tôi cảm thấy không quá ngạc nhiên. Vì trước Spotify, đã có nhiều "ông lớn" khác tham gia vào thị trường Việt Nam, như Guvera của Úc, Moov của Hồng Kong và Apple Music của Mỹ.

Nhiều ông lớn tham gia vào thị trường như vậy, hẳn là lĩnh vực nhạc số ở Việt Nam rất tiềm năng đúng không, thưa ông?

Ông Nhan Thế Luân: Đúng vậy. Lâu nay NCT Corporation bám trụ thị trường cũng là vì lý do này. Tôi cho rằng, việc thời gian gần đây xuất hiện nhiều "ông lớn" tham gia vào lĩnh vực nhạc số tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất. Và bản thân những ông lớn này sẽ thúc đẩy thị trường rất nhiều, họ sẽ giúp giáo dục thị trường tốt hơn và phát triển hơn.

Vậy trước khi có sự xuất hiện của những Spotify, Apple Music,... bức tranh thị trường nhạc số Việt Nam đã biến chuyển ra sao, thưa ông?

Ông Nhan Thế Luân: Tính cho tới thời điểm hiện tại, NCT Corporation đã tham gia thị trường nhạc số Việt Nam được hơn 10 năm. Có thể nói, 10 năm qua thị trường phát triển và thay đổi rất nhiều. 10 năm trước, đĩa CD vẫn là sản phẩm được chọn lựa nhiều nhất. Khi đó, cả nước có khoảng 400 website nhạc của các cá nhân, công ty... nhưng hầu hết đều chưa có bản quyền.

5 năm sau đó, từ 400 website, người ta chỉ còn thấy khoảng 10 đơn vị tham gia thị trường, và hầu hết đã làm tốt, khi vấn đề bản quyền được thực hiện nghiêm túc hơn. Và đó cũng là thời điểm các ứng dụng nghe nhạc bắt đầu phát triển mạnh theo xu hướng chung của thế giới.

Còn tới giờ, như các bạn đã thấy, CD chỉ còn là kỷ niệm để sưu tập, ứng dụng nghe nhạc trở thành hướng đi bắt buộc, chiếm tới 80% thị phần.

Đồng hành cùng thị trường, NCT Corporation hẳn đã có những bước chuyển mình?

Ông Nhan Thế Luân: 10 năm qua, NCT Corporation với sản phẩm chủ lực là NhacCuaTui đã cố gắng phát triển và thay đổi thói quen của người Việt trong mảng giải trí, âm nhạc. Chúng tôi tự hào là đơn vị tiên phong ký kết với các đối tác bản quyền trong nước, và là công ty đầu tiên của Việt Nam hợp tác với 3 hãng đĩa lớn trên thế giới là Sony Music, Universal Music, Wanner Music. Đến nay, NhacCuaTui nằm trong nhóm 10 ứng dụng được ưa chuộng và tải về nhiều nhất (báo cáo tháng 1/2018) - bên cạnh các sản phẩm ngoại.

Sự xuất hiện của các sản phẩm ngoại này có tác động gì tới NCT Corporation, thưa ông?

Ông Nhan Thế Luân: Theo tôi, tác động ở đây luôn có 2 chiều. Đầu tiên là cạnh tranh - điều này chắc chắn có. Bởi họ sẽ là đối thủ, tạo áp lực lên NCT Corporation, buộc chúng tôi phải làm sản phẩm NhacCuaTui tốt hơn nữa.

Còn ở chiều ngược lại, các "ông lớn" cũng góp phần thay đổi và giáo dục thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, đó là nghe nhạc thu phí tháng, thay vì miễn phí như lâu nay.

người tiêu dùng luôn muốn sử dụng sản phẩm tốt, nhưng lại ngại trả tiền
nhaccuatui.com do ông Nhan Thế Luân sáng lập, tới nay đã hơn 10 năm tuổi

Nếu được so sánh một cách công tâm, ông cho rằng, các sản phẩm nhạc số của Việt Nam nói chung hơn gì, kém gì các đối thủ ngoại?

Ông Nhan Thế Luân: Đương nhiên, điểm mạnh của các sản phẩm Việt Nam là đã tích lũy được hơn chục năm kinh nghiệm phát triển ngành, sở hữu kho nhạc Việt phong phú, hiểu rõ tính địa phương của thị trường và có sẵn tập khách hàng trung thành đã xây dựng lâu nay. Còn những điểm như công nghệ, nguồn lực tài chính, thì các công ty nước ngoài hơn. Nhưng ở đây tôi xin khẳng định, khoảng cách về công nghệ là không quá xa.

Giải pháp mà NCT Corporation đưa ra là gì, thưa ông?

Ông Nhan Thế Luân: Tôi cho rằng, nếu không thể theo kịp các công ty nước ngoài, thì chúng ta nên giữ một khoảng cách đủ gần. Bản thân NCT Corporation vẫn đầu tư rất nhiều về mảng công nghệ. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các yếu tố bản địa Việt Nam mà các ứng dụng quốc tế khó theo kịp. Chúng tôi liên tục đưa ra các tính năng đặc thù khác của sản phẩm, như lời bài hát chữ chạy, lyric cards, chuyển nhạc từ máy tính, và sẽ còn được phát triển mạnh hơn để tạo sử khác biệt so với các sản phẩm khác.

Sản phẩm tốt thôi liệu đã đủ chưa, thưa ông?

Ông Nhan Thế Luân: Sản phẩm, hay nền tảng tốt chỉ là bề nổi của câu chuyện. Đằng sau đó là cả một cuộc chiến về giá. Ở Việt Nam có một nghịch lý, đó là người tiêu dùng luôn muốn sử dụng sản phẩm tốt, nhưng lại ngại trả tiền. Quen được miễn phí, tới khi phải đóng phí sẽ cảm thấy khó chịu. 

Vậy tại sao khi các sản phẩm nước ngoài vào thị trường Việt Nam, thu phí sử dụng hàng tháng lại được người Việt Nam ủng hộ? Phải chăng như nhiều người nói là hàng ngoại hơn hàng nội ở chỗ "bản quyền"?

Ông Nhan Thế Luân: Tôi cho rằng, ủng hộ hay không ủng hộ, đó chỉ là sự tung hô ban đầu. Không phủ nhận, đã có những sản phẩm nhạc số nước ngoài thành công ở Việt Nam. Nhưng ngược lại, rất nhiều "ông lớn" đã lặng lẽ ra đi thì chưa ai nhắc tới.

Còn ý kiến hơn ở "bản quyền", tôi thấy không chính xác. Nhiều người cứ nghĩ ứng dụng của Việt Nam thì không có bản quyền. Chứ sự thật là, chi phí bản quyền là chi phí lớn thứ 3 ở các công ty nhạc số, chỉ sau nhân sự và cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau một điều, đó là chưa chắc các sản phẩm ngoại đã đầy đủ bản quyền như nhiều người suy nghĩ. Bằng chứng là các ứng dụng đấy có nhiều bài hát Việt Nam không phép, nhiều bên đã cảnh báo và buộc tháo xuống hàng ngàn bài hát khác nhau.

người tiêu dùng luôn muốn sử dụng sản phẩm tốt, nhưng lại ngại trả tiền 1
Ông Luân khoe, ứng dụng XMusic đã thu được tiền thuê bao của người tiêu dùng Việt

Theo ông, liệu rằng có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây?

Ông Nhan Thế Luân: Đứng ở góc độ các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi luôn có sự thiệt thòi nhất định. Đơn giản như vấn đề thuế, các bạn nước ngoài thu tiền từ ứng dụng nhưng việc đóng thuế cho nhà nước lại thiếu minh bạch. Đó là chưa kể những rào cản pháp lý giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.

Bài toán này liệu có lời giải không, thưa ông?

Ông Nhan Thế Luân: Tôi cho đây sẽ là một bài toán cần nhiều thời gian để giải quyết, cũng như cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban, ngành. Còn trước mắt, bản thân NCT Corporation phải cho ra được những sản phẩm tốt đã.

Ứng dụng nghe nhạc XMusic là một ví dụ. Ngoài phân khúc khách hàng phổ thông, chúng tôi còn tạo ra sản phẩm hướng tới khách hàng cao cấp. Phản hồi của thị trường về XMusic khá tốt, với khoảng 300.000 lượt tải và 50.000 người dùng thường xuyên. Thử nghiệm này bước đầu thành công, nhưng vẫn cần phát triển thêm nhiều.

Nghĩa là NCT Corporation đã có cách để người dùng chịu trả phí, thay vì giữ thói quen dùng miễn phí như trước đây?

Ông Nhan Thế Luân: Ứng dụng XMusic tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp nên nhận thức của tập khách hàng này cũng tốt hơn. Ngược lại, XMusic cũng cần có cái "chất" riêng để khách hàng muốn móc hầu bao trả tiền, như hình ảnh, bài hát, lời, playlist đều phải chỉn chu, đẹp nhất có thể. Mô hình mà XMusic theo đuổi từ đầu sẽ là thu phí và không có quảng cáo. Tuy nhiên, cái khó là người dùng Việt Nam vẫn chưa quen với việc nghe nhạc trả tiền. Do đó, chúng tôi vẫn cần có thời gian để thị trường tiếp nhận.

Thuyết phục người dùng - đây có phải là mục tiêu tiếp theo của NCT Corporation trong năm 2018?

Ông Nhan Thế Luân: Đúng vậy. Chúng tôi có niềm tin là người dùng đang có nhận thức ngày một tốt hơn. Và để làm được điều đó, NCT Corporation sẽ thuyết phục bằng chính các sản phẩm hiện hữu. Chúng tôi sẽ tập trung sâu hơn trong việc phát triển mảng âm nhạc và giải trí. Các tính năng như nhận dạng bài hát/âm thanh, điều khiển bằng giọng nói, AI.... đang được phát triển và sẽ ra mắt sớm trong năm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!