Tài chính
Số hóa ‘huyết mạch’ nền kinh tế
Đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng là khu vực có những hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất, có tác động lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác chuyển đổi theo.
Tỷ lệ thanh toán hồ sơ trực tuyến tại Ba Tơ không thua kém các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM, đạt 94% tính đến cuối tháng 9 năm nay, một mức độ đáng ngạc nhiên đối với một khu vực miền núi, nơi mà không ít người dân vẫn quen với những giao dịch truyền thống. Mã QR được sử dụng rộng rãi tại hầu hết các cửa hàng.
Sự phổ cập của thanh toán trực tuyến và mã QR đến tận các khu vực hẻo lánh của đất nước diễn ra với tốc độ chóng mặt. Chỉ khoảng 5 năm trước, không riêng người dân Ba Tơ mà hầu hết người dân Việt Nam không biết mã QR và giá trị thanh toán qua mã QR gần như bằng không.
Thế nhưng, đến năm 2023, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số giao dịch qua mã QR đã đạt hơn 180 triệu lần, với tổng giá trị giao dịch lên tới 116.000 tỷ đồng. Hình thức này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, tăng gấp đôi cả về số lượng lẫn giá trị, tính đến tháng 9.
Câu chuyện về mã QR là minh chứng rõ nét cho làn sóng “số hóa” mạnh mẽ của ngành tài chính - ngân hàng, khi những công nghệ thanh toán mới, tối ưu và tiện lợi nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống của từng người dân.
Cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng
Theo báo cáo từ công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tốc độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất khu vực. Các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vào công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời đơn giản hóa các giao dịch tài chính. Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank hay VPBank đã triển khai những dự án quy mô lớn nhằm nâng cấp hạ tầng công nghệ lõi, từ việc phát triển ngân hàng số đến trợ lý ảo.
Mặc dù đòi hỏi khoản đầu tư lớn, công nghệ lại mang đến những lợi ích vô giá. Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối ngân hàng số của VIB, cho biết chuyển đổi số đã giúp ngân hàng mở rộng hoạt động mạnh mẽ.
Năm 2017, VIB chỉ có khoảng 100.000 khách hàng kỹ thuật số, nhưng con số này hiện đã tăng lên 2,2 triệu người. Đồng thời, số lượng giao dịch qua kênh số của ngân hàng cũng tăng mạnh, từ 7 triệu giao dịch lên đến 510 triệu.
“Nếu không có mobile banking, chúng tôi sẽ cần tới 15.000 nhân viên ngồi quầy để xử lý hết số lượng giao dịch khổng lồ này”, ông Minh chia sẻ.
Hiện tại, VIB chỉ có tổng cộng 12.000 nhân viên trên tất cả các bộ phận, trong đó giao dịch viên chiếm tỷ trọng nhỏ và hoàn toàn có thể tinh gọn hơn trong tương lai. Nhờ áp dụng công nghệ, ngân hàng có thể mở rộng quy mô hoạt động mà vẫn tiết giảm được chi phí nhân sự.
Công nghệ đang dần thay đổi các ngân hàng từ phần lõi bên trong. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc ngân hàng số của PVCombank, chia sẻ rằng ngân hàng từng gặp thất bại khi khởi tạo khoản vay trực tuyến do hệ thống công nghệ chưa đồng bộ, không thống nhất được dữ liệu từ các khối nội bộ để xây dựng sản phẩm vay.
Trước thách thức này, PVCombank đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ trong những năm gần đây nhằm thay đổi toàn diện cách thức vận hành. Ngân hàng đã nâng cấp phần mềm lõi và hợp tác với Amazon Web Services để tái cấu trúc dữ liệu, đồng thời chuyển một phần lên nền tảng điện toán đám mây. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng phía sau cũng được quản trị bằng nền tảng của IBM, tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong nội bộ ngân hàng.
Dù những cải tiến này không
dễ nhận thấy từ phía khách hàng, nhưng bên trong nội bộ PVCombank, hiệu quả đã
trở nên rất rõ rệt. Bà Nga cho biết, trong năm tới, ngân hàng sẽ hiện đại hóa
quy trình xét duyệt khoản vay, giảm thiểu giấy tờ và tối ưu hóa việc xử lý hồ
sơ nội bộ.
“Nhờ công nghệ, chi phí mở mới một tài khoản ngân hàng đã giảm đáng kể, từ 250.000 - 300.000 đồng xuống chỉ còn khoảng 150.000 đồng. Chuyển đổi số giúp các ngân hàng quy mô nhỏ như chúng tôi phát triển khách hàng mới một cách nhanh chóng, tiết kiệm hơn và đặc biệt là tiếp cận được các khu vực chưa có phòng giao dịch,” bà Nga nhấn mạnh.
Frankie Wai, Giám đốc Giải pháp kinh doanh của Temenos - tập đoàn cung cấp phần mềm ngân hàng hàng đầu từ Thụy Sỹ, nhận định rằng quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ giai đoạn 2013 - 2014. Trong khoảng tám năm trở lại đây, xu hướng này đã tăng tốc, song hành cùng sự phát triển chung của khu vực.
Theo ông Frankie, sự chuyển mình mạnh mẽ của ngân hàng số tại Việt Nam có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý. Ngành ngân hàng là lĩnh vực đầu tiên triển khai kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể và rõ ràng. Ngày 11/5/2021, NHNN đã ban hành Quyết định số 810, phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng, như ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 80% tổ chức tín dụng có doanh thu từ kênh số chiếm trên 30%; và ít nhất 80% giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và NHNN đã tạo động lực lớn, đẩy nhanh quá trình số hóa hệ thống ngân hàng. Phát biểu tại “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế số là trọng tâm, trong đó ngành ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp, người dân đến các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Xu hướng tương lai
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã hoàn tất giai đoạn đầu của chuyển đổi số, tập trung vào việc số hóa thông tin. Hầu hết các ngân hàng đã triển khai ngân hàng số ở mức cơ bản, bao gồm số hóa quy trình và kênh giao tiếp với khách hàng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã bước sang giai đoạn thứ hai, số hóa quy trình từng phần ở các mức độ khác nhau, từ thấp đến cao.
Hiểu một cách đơn giản, trong giai đoạn đầu, các ngân hàng tập trung vào các “động mạch” - những hệ thống huyết mạch chính yếu, bao gồm công nghệ lõi, internet banking và ứng dụng di động, hướng đến phục vụ số đông khách hàng.
Ở giai đoạn hai, khi hệ thống “động mạch” đã vững chắc, các nhà băng chuyển sang nâng cấp các “mao mạch” - hệ thống nhỏ hơn nhưng có vai trò quan trọng trong việc phân phối dịch vụ tới từng khu vực và bộ phận của nền kinh tế. Giai đoạn này đòi hỏi sự chuyên biệt và cá nhân hóa cao, phản ánh chiến lược riêng của từng ngân hàng.
Một số ngân hàng tiên phong đã ứng dụng những công nghệ hiện đại bậc nhất như trí tuệ nhân tạo, robot và dữ liệu lớn để thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường. “Công nghệ trong ngành ngân hàng đã có những bước đột phá lớn” ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định.
Ông Sơn dẫn chứng BIDV đã áp dụng công nghệ blockchain để phát hành thư tín dụng tới các ngân hàng ngoài hệ thống. Trong khi đó, MB, VPBank và Vietcombank cũng đang ứng dụng công nghệ này để xử lý các giao dịch tài chính.
Phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đã trở thành trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam. VPBank là một trong những ngân hàng tiên phong, bắt đầu đồng bộ hóa dữ liệu và phân tích từ năm 2015. VIB cũng đã ứng dụng AI kết hợp với dữ liệu lớn vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ, giúp tối ưu hóa khả năng đánh giá rủi ro và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho rằng tương lai của ngành ngân hàng số sẽ tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và đẩy mạnh các yếu tố công nghệ mang tính đột phá. Theo ông, “chìa khóa sẽ đến từ sức mạnh dữ liệu và AI”. Techcom-bank đã triển khai 45 mô hình máy học dựa trên 1.000 thuộc tính khách hàng được phân tích từ dữ liệu lớn, cho phép dự đoán và đáp ứng nhu cầu khách hàng với độ chính xác cao.
Ngân hàng cũng sử dụng AI để hỗ trợ nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân, cung cấp thông tin chi tiết về khách hàng tiềm năng nhằm nâng cao năng suất. Trong năm 2023, Techcombank đã đạt được những kết quả ấn tượng như hơn 100 triệu lượt tiếp cận thông tin tư vấn tài chính trong lĩnh vực gia sản, 52 triệu tư vấn tài chính được cá nhân hóa. Tỉ lệ chuyển đổi đối với các chương trình tiếp thị chọn lọc tăng 700%, tỉ lệ bán chéo tăng 21% và tỉ lệ kích hoạt dành cho khách hàng mới tăng 13%.
Theo ông Lottner, sự kết hợp giữa năng lực dữ liệu nâng cao, hạ tầng số hiện đại và đội ngũ nhân tài quốc tế đã tạo nên một chiến lược phát triển riêng biệt, khó sao chép của Techcombank.
Tương tự, ngân hàng số Cake thuộc VPBank cũng đang đặt mục tiêu trở thành ngân hàng thế hệ mới ứng dụng AI (Next Gen AI Bank). Cake đã xây dựng chiến lược sử dụng AI trong mọi hoạt động, từ quản trị vận hành, quản trị rủi ro đến cải thiện trải nghiệm và bảo mật khách hàng.
“Trong tương lai, mỗi khách hàng của Cake sẽ nhận được những thông điệp khác nhau, những hạn mức sản phẩm khác nhau, những yêu cầu phê duyệt khác nhau”, ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc ngân hàng số Cake chia sẻ.
Lan tỏa
Dịch vụ thanh toán qua mã QR tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với việc mở rộng kết nối quốc tế là điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2024.
Sau khi đạt được sự phổ cập đến các khu vực vùng sâu, vùng xa như Ba Tơ, hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR hiện đã được triển khai cùng Thái Lan, Campuchia, Lào, với sự tham gia của 18 ngân hàng thương mại và ba tổ chức trung gian thanh toán, theo công ty Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).
Napas dự kiến trong 2025 tiếp tục mở rộng kết nối thanh toán QR với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, TPBank, Nam A Bank đã sẵn sàng triển khai phương thức thanh toán QR xuyên biên giới, trong khi một số tổ chức tín dụng khác đang hoàn tất các kết nối hệ thống.
“Ngành ngân hàng Việt Nam đang đi rất nhanh trong quá trình chuyển đổi số”, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận. “Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và đang tích cực đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.”
Giai đoạn hai của chuyển đổi số ngân hàng không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn bao gồm thay đổi tư duy kinh doanh, tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện trong hoạt động ngân hàng. Ông nhấn mạnh rằng để làm được điều này cần một hành lang pháp lý phù hợp, đặc biệt trong giai đoạn số hóa toàn diện.
Luật các Tổ chức tín dụng năm sửa đổi được thông qua tháng 1/2024 đã bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử, với hai điểm đáng chú ý nhất là chính thức luật hóa hoạt động cho vay trực tuyến và mở đường cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
Tuy nhiên, theo ông Lực, cần bổ sung thêm các hướng dẫn chi tiết để đuổi kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chẳng hạn như dịch vụ điện toán đám mây trong ngành ngân hàng vẫn chưa có quy định cụ thể. “Nên chuyển đổi phương thức quản lý công nghệ lĩnh vực tài chính ngân hàng theo hướng chủ động, kiến tạo song vẫn kiểm soát được rủi ro”, ông Lực góp ý và đề xuất chuyển đổi phương thức quản lý công nghệ tài chính theo hướng chủ động, mang tính kiến tạo nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Sự kết hợp giữa nỗ lực từ
các tổ chức tín dụng và việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ là yếu tố then chốt để
ngành ngân hàng Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi số toàn diện, khẳng định
vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Số hóa doanh nghiệp với gói tài khoản ưu đãi OMNI Platinum
FPT Software cùng Vilja đẩy mạnh số hóa ngành ngân hàng
FPT Software đã công bố hợp tác chiến lược với Vilja, nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng lõi hàng đầu Bắc Âu, đáp ứng nhu cầu ngân hàng số đang ngày càng gia tăng.
Sacombank cùng UNIT số hoá quy trình nghiệp vụ
Toàn bộ các điểm giao dịch của ngân hàng Sacombank đã ứng dụng nền tảng và quy trình số hóa giao dịch tại quầy của UNIT, giúp khách hàng giảm thiểu 60% thời gian so với trước đây.
Khó khăn trong số hóa dữ liệu đất đai
Việt Nam đang đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình số hóa dữ liệu đất đai, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cần giải quyết trước năm 2025, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh.
Chủ tịch FinPeace: Chứng khoán Việt Nam đón chặng về đích?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace tin rằng, chứng khoán Việt Nam đang dần bước sang "mùa mới", cùng mức nền mới, trước ngưỡng cửa nâng hạng trong năm 2025.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 130.000 tỷ đồng ngay trước Tết nguyên đán
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tích cực bơm ròng sau khi chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) giảm mạnh thời gian qua.
MSB hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024
Ngân hàng MSB năm qua ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.903 tỷ đồng, tăng 18,42% so với năm trước đó, hoàn thành kế hoạch cam kết với cổ đông.
OCB quay trở lại đường đua tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững
OCB vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế đạt 1.453 tỷ đồng, mạnh mẽ chuyển đổi danh mục theo hướng phát triển bền vững.
SHB báo lãi trước thuế tăng 25%, vượt kế hoạch năm
Kết thúc 2024 – năm bản lề của chiến lược chuyển đổi, SHB ghi nhận kết quả kinh doanh bứt phá với lợi nhuận trước thuế hơn 11.543 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước và vượt kế hoạch.
Số hóa ‘huyết mạch’ nền kinh tế
Đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng là khu vực có những hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất, có tác động lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác chuyển đổi theo.
Kết nối sâu sắc với khách hàng trong tiếp thị
Trong bối cảnh tiếp thị hiện đại, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng không còn chỉ là giao dịch đơn thuần mà là một quá trình kết nối sâu sắc, bền vững.
Tạo đà bứt phá
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số không chỉ thể hiện tham vọng mà còn là đòi hỏi cần thiết nếu Việt Nam muốn đứng trong hàng ngũ các nước phát triển vào năm 2045. Nhưng liệu nền kinh tế có sẵn sàng cho thách thức lịch sử?
Ông chủ chuỗi nhà hàng Vị vươn lên từ vực thẳm
Kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, điều quan trọng nhất là không bao giờ từ bỏ hy vọng. Ông chủ chuỗi nhà hàng mang tên Vị đã chứng minh cho câu nói: Khó khăn không phải để đánh bại ta, mà để ta học cách vươn lên mạnh mẽ hơn.
Lãnh đạo phụng sự ở Tập đoàn Thiên Long
Chấp nhận nỗi đau và sự cô đơn của người làm lãnh đạo khi đưa ra những quyết định quan trọng, nữ CEO đầu tiên của Tập đoàn Thiên Long đang dẫn dắt doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ, tiến từng bước vững chắc trên hành trình phát triển bền vững.
Chơi 'tàu lượn siêu tốc' ở DEEP C
Từ một vùng đất hoang hóa, DEEP C đã trở thành một tổ hợp khu công nghiệp sinh thái hiện đại nhờ sự lãnh đạo quyết liệt và “khó đoán” của CEO Bruno Jaspaert, với hành trình phát triển đầy thử thách và kịch tính như trò chơi “tàu lượn siêu tốc”.
Ươm mầm kỳ lân cho nền kinh tế số
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures tin rằng, Việt Nam có tiềm năng xuất hiện "kỳ lân" thứ 5 và thứ 6 trong hai năm tới.