'Song kiếm hợp bích ở' Thành Thành Công

Kim Yến - 08:05, 11/02/2021

TheLEADERTTC Sugar lần đầu tiên vượt mốc sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn đường trong niên vụ 2019-2020. Kết quả ấn tượng này không phải một sớm một chiều có được, mà là thành quả của chiến lược dài hơi được ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC và bà Huỳnh Bích Ngọc, “Nữ hoàng mía đường” chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là khi phải đối diện với những thách thức đến từ hội nhập, Covid-19…

Ngược dòng ngoạn mục tái cấu trúc ngành đường

Hiện cả nước chỉ còn 29 nhà máy mía đường, giảm tới hơn 1/4 so với năm 2019 trở về trước. Dự báo sẽ có thêm 4 nhà máy sẽ tiếp tục đóng cửa. Rất nhiều nguyên nhân khiến cho ngành mía đường Việt Nam tụt hậu so với thế giới, điều này các lãnh đạo TTC đã nhìn thấy rất rõ từ 5 năm trước.

Nguyên nhân thứ nhất là hầu hết các nhà máy đường của Việt Nam sản xuất công suất thấp, trong khi mỗi nhà máy phải vận hành ít nhất 5.000 tấn mía cây/ngày mới có thể nói tới vấn đề tồn tại. Thứ hai sản xuất lại không khép kín, những quốc gia là cường quốc về ngành mía đường như Brazil, Thái Lan, Úc… đều có quy trình sản xuất sâu, khép kín, từ cạnh đường và sau đường.

Thứ ba là vùng nguyên liệu manh mún. Để có được vùng nguyên liệu lớn áp dụng cơ giới hóa được thì phải có đột phá về cánh đồng lớn.

TTC đã thực hiện công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ ngành đường của riêng mình, góp phần quan trọng để tái cấu trúc ngành đường cả nước. Doanh nghiệp hợp tác với bà con nông dân ở những vùng nguyên liệu TTC Sugar có nhà máy như Tây Ninh, Phan Rang, Gia Lai…có vùng tới 65.000ha, nông dân chỉ có đất, còn lại TTC đầu tư, ứng vốn.

Dày công đầu tư cho R&D, vụ mùa 2020 – 2021, TTC Sugar đã giới thiệu 4 loại giống tham gia vào các giống mía của Việt Nam. Đầu tư chuỗi khép kín trong canh tác, từ giống, phân bón, cơ giới hoá và tự động hóa… Đây là cách làm mà 5 năm nay TTC Sugar đã giữ vững vùng nguyên liệu truyền thống.

Về quy trình canh tác khoa học, đích thân Chủ tịch tập đoàn Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc cùng một số cán bộ trong Hội đồng Khoa học nông nghiệp của TTC đã sang Thái Lan nghiên cứu từ khâu giống đến kỹ thuật chăm sóc, tìm tòi kỹ thuật dùng thiên địch trị sâu trên mía, thu hoạch cơ giới, và được triển khai trên diện rộng đúng hướng. TTC hiện là nhà phân phối duy nhất tại Việt Nam của John Deere - một tập đoàn của Mỹ chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp.

“Song kiếm hợp bích” ở TTC
Ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc

Nhờ công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ, kiên định, hướng tới sự bền vững, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid, rất nhiều sản phẩm mới được tung ra đáp ứng nhu cầu an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng với mẫu mã, bao bì đạt chuẩn thế giới…

Chia sẻ về “cuộc chơi” chuỗi giá trị toàn cầu, ông Đặng Văn Thành cho biết: Kết quả 1 triệu tấn đường niên vụ 2019-2020 là nhờ nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên TTC Sugar, đồng thời, còn nhờ sự đồng hành của bà con nông dân, đặc biệt là hệ thống phân phối của TTC tại các tỉnh thành trên cả nước.

Thương hiệu Đường Biên Hòa đã đi sâu và tạo thiện cảm với thị trường Việt Nam. TTC Sugar luôn luôn tuân thủ đưa ra những sản phẩm thân thiện, sạch, an toàn, phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

Với thị trường “đường dây thun” (đường không rõ nguồn gốc ) không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, sản phẩm đường Cô Ba với giá thành rất hợp lý hoàn toàn đủ sức cạnh tranh. Hiện nay, đường Cô Ba đã có mặt ở khắp các vùng sâu vùng xa.

Tuy Việt Nam không phải là cường quốc về mía đường nhưng TTC đầu tư rất chuyên nghiệp trong R&D, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường. Duy nhất TTC Sugar là doanh nghiệp sản xuất đường Organic từ nhà máy ở bên Lào, tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đường Organic.

TTC Sugar cũng sản xuất đường phèn - loại đường truyền thống của Việt Nam, sản xuất đường đen Nữ Hoàng và đặc biệt là sản xuất đường lỏng xuất khẩu qua Trung Quốc, Hồng Kông, châu Âu… Sắp tới TTC sẽ giới thiệu những nông cụ hiện đại này đến các vùng miền phát triển nông nghiệp.

Niên độ 2019 - 2020, TTC đã lập kỷ lục khi xuất khẩu trên 250.000 tấn đường, kế hoạch của TTC niên độ 2020 - 2021 sẽ xuất khẩu trên 350.000 tấn. TTC xuất khẩu đường ăn kiêng, đường Organic, đường lỏng.

Ông Đặng Văn Thành cho biết trước đây, một nhà máy đường chỉ hoạt động từ 3 - 3,5 tháng mỗi năm, nhưng nay nhà máy đường TTC hoạt động tới 10 tháng. Như vậy, giá trị khấu hao nhà máy được kéo xuống, lao động được làm thêm. Lý do là TTC nhập thêm đường thô về chế biến ra những sản phẩm rất cạnh tranh.

Bên cạnh tích cực xây dựng thương hiệu mạnh, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị từ cây mía, TTC Sugar cũng đang xây dựng “hệ sinh thái mía đường”, đáp ứng hầu hết những giải pháp canh tác cho người trồng mía như là một chiến lược phát triển bền vững. Từ nghiên cứu khoa học ứng dụng, phân bón, chế phẩm đến cơ giới nông nghiệp… đều có những dấu ấn của TTC Sugar và đang đem lại hiệu quả khả quan cho người trồng mía.

Với mức giá thu mua trung bình từ 860.000 đồng - 1 triệu đồng/tấn (cho mía có chữ đường 10 CCS) tại ruộng, tùy theo khu vực và vụ trồng, đảm bảo mức giá có lãi cho người nông dân, chính sách thu mua mới được ban hành của TTC còn cam kết giá bảo hiểm (mức giá thu mua tối thiểu) ba vụ liên tiếp giúp cho người trồng mía có thể yên tâm lên kế hoạch canh tác phù hợp để có lợi nhuận cao nhất. Điều này nhất quán với quan niệm “nông dân có lãi, nhà máy có lời” của lãnh đạo Tập đoàn TTC và công ty TTC Sugar.

“Nữ hoàng mía đường”

Nói đến Tập đoàn TTC, bạn bè doanh nhân không khỏi ngưỡng mộ “cặp đôi hoàn hảo” Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc, từ những ngày lập nghiệp trải qua bao sóng gió thăng trầm nay vẫn giữ được ngọn lửa yêu thương và sức sáng tạo không ngừng trong từng bước đi của TTC, tạo nên những bước tiến không ngừng ngay trong nghịch cảnh.

Tháng 10/2019, bà Ngọc quyết định trở lại dẫn dắt TTC Sugar với vai trò là Chủ tịch HĐQT, trở thành cánh chim đầu đàn trong giai đoạn khó khăn của chu kỳ ngành đường lao dốc và cột mốc thử thách hội nhập cùng khủng hoảng Covid-19.

“Song kiếm hợp bích” ở TTC 1
“Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc

Với mục tiêu đưa TTC Sugar trở thành “nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu Đông Dương”, bà Ngọc chủ trương tiếp tục tập trung khai thác và hoàn thiện chuỗi giá trị cây mía, hướng đến cung cấp cho thị trường các giải pháp năng lượng xanh từ sản xuất sạch. Là người gắn bó với bà con nông dân, với cây mía, đồng ruộng, bà luôn trăn trở làm sao để hoạt động nông nghiệp của công ty đều được chuyển đổi từ mô hình canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ và cung cấp các giải pháp nông nghiệp chuyên sâu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Ngọc cho rằng: “Để đi được xa, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu và để đi được nhanh thì phải làm chủ được công nghệ”. Nhận thấy công nghệ hiện đại là chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đầu tháng 8 vừa qua, TTC Sugar đã khởi động thực hiện dự án “Chuyển đổi SBT - Transform SBT”. Qua đó, TTC Sugar và Công ty KPMG đã chính thức ký kết hợp tác trong dự án tư vấn chuyển đổi và triển khai hệ thống Oracle Fusion Cloud với mục tiêu tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính.

Oracle Cloud ERP sẽ được tích hợp với các hệ thống hiện tại của TTC Sugar để tạo thành một hệ thống chuỗi cung ứng kinh doanh tích hợp toàn diện. Chiến lược chuyển đổi được thực hiện cho toàn bộ 20 đơn vị của TTC Sugar tại 4 nước Việt Nam, Singapore, Lào và Campuchia, bao gồm xây dựng mô hình và quy trình chuỗi cung ứng kinh doanh tích hợp trong tương lai để hoàn thiện hệ thống quản lý từ nông trường đến sản xuất và phân phối sản phẩm đến khách hàng cũng như hướng đến kinh doanh thương mại quốc tế. Kỳ vọng được đặt ra là trong 3 năm tới TTC Sugar sẽ trở thành đơn vị đầu tàu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

“Song kiếm hợp bích” ở TTC 2
Nhà máy sản xuất đường của TTC.

Xuất phát là một người làm nông nghiệp, trải qua nhiều năm chinh chiến trên thương trường nhưng bà Ngọc vẫn luôn giữ tâm huyết với ngành như những ngày đầu. Bà sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng với bà con nông dân, luôn suy nghĩ, tìm tòi những hướng phát triển mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để san sẻ gánh nặng cho bà con, mang lại thu nhập và cuộc sống tốt nhất cho họ trên chính mảnh đất quê hương.

Từ những chiến dịch như “Đồng hành cùng TTC Sugar nâng tầm mía Việt” kéo dài hàng tháng liền ở khắp các địa phương đến chuyển giao các ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong quá trình trồng và chăm sóc mía đến từng bà con nông dân trên từng cánh đồng, góp phần thay đổi tư duy về canh tác và nâng cao năng suất mía, giúp bà con gia tăng thu nhập.

Với triết lý “Sống là phải đam mê và có những giấc mơ lớn”, trong suốt gần nửa thế kỷ qua, “Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc vẫn luôn kiên định với triết lý của mình, sát cánh cùng TTC Sugar và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từng bước chinh phục giấc mơ vươn tầm khu vực và thế giới. Nữ doanh nhân Huỳnh Bích Ngọc đang góp phần vào sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Nhà quản trị tài ba

Nếu như bà Ngọc là người thực chiến, thì ông Đặng Văn Thành lại là nhà chiến lược tài ba, đầy kinh nghiệm về quản trị và tái cấu trúc, với những cuộc M&A liên tục để đưa vị thế TTC nói chung và TTC Sugar lên tầm quốc tế.

Không chỉ là nhà hoạch định chiến lược, ông Thành còn rất say mê công tác quản trị, bởi với ông, quản trị mới là xương sống của mọi hoạt động, giúp cho đội ngũ con người đủ bản lĩnh và kỹ năng vượt bão.

“Song kiếm hợp bích” ở TTC 3
Ông Đặng Văn Thành

Chia sẻ về kinh nghiệm điều hành TTC, ông Thành cho biết: “Nói về điều hành doanh nghiệp, không cạnh tranh thì không bao giờ phát triển. Cạnh tranh là điều hết sức bình thường, doanh nghiệp phải tự tin vào điều đó.

Đừng bao giờ ngại cạnh tranh. Giống như một tổ chức không thi đua thì không thể phát triển được. Quỹ thi đua khen thưởng chính là nghệ thuật của người lãnh đạo, đừng chia chác nhau quỹ này vì mục đích khác.

Chân dung của một doanh nhân gồm có những giá trị cốt lõi như trách nhiệm với xã hội, khách hàng, người lao động, nhà đầu tư và với ngân sách nhà nước. Doanh nhân phải làm sao thoả mãn nhu cầu của xã hội, nếu làm giáo dục, làm sao giảm thiểu sinh viên ra nước ngoài, nếu làm bệnh viện, phải làm sao giảm thiểu số lượng người bệnh lên thành phố… Trách nhiệm đó không ai giao cho chúng ta, mà là sứ mệnh của doanh nghiệp.

Tạo ra giá trị cho xã hội bằng những sản phẩm chất lượng, nhưng giá trị phải cạnh tranh, chứ bán mắc quá ai mua. Cũng phải tạo ra giá trị gia tăng cho người lao động nữa. Nhân viên ai chẳng muốn có nơi làm việc đàng hoàng, khang trang, có thu nhập tốt, môi trường thăng tiến rõ ràng. Nếu mình áp ứng các điều đó tốt thì chắc chắn họ sẽ ở lại”.

Luôn nhấn mạnh chiến lược gìn giữ và đào tạo “hiền tài”, coi đó là kim chỉ nam của mọi thành công, ông Thành cho rằng nhân tài thì có thể mua bán khi cần thiết. Nhưng cơ bản nhất chúng ta phải xây dựng chế độ chính sách, phát hiện cán bộ để quy hoạch, bồi dưỡng, đạo tạo, đề bạt, để có đội ngũ hiền tài. Phải có quá trình để có đội ngũ hiền tài, họ sẽ bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc, chia sẻ với công ty kể cả trong lúc khó khăn ngặt nghèo nhất. Nhân tài là nhất thời, còn hiền tài là bền vững.

Không chỉ là vị tướng ngoài thương trường, ông Thành còn là một nhà quản trị tài ba với khả năng đúc kết thành lý luận, với bộ quy trình “10 nguyên tắc trong điều hành doanh nghiệp”, là người truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ doanh nhân trong vai trò Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt (VBC)

“Theo tôi, định hướng chiến lược và hoạch định mục tiêu là nguyên tắc tối cần thiết cho 1 doanh nghiệp. Định hướng chiến lược phải xây dựng từ 5-10 năm, đừng ngại xây dựng chiến lược dài hơi, phải công khai nó, để truyền cảm hứng cho nhân viên. Có như vậy họ mới có hoài bão, nuôi dưỡng hoài bão để cống hiến, cảm thấy có lý tưởng sống, có khát vọng. Nếu không có lý tưởng sống thì cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị lắm.

Ngay cả những nhân viên tạp vụ của TTC cũng cần có khát vọng, phải có trách nhiệm giữ cho công ty sạch sẽ, gọn gàng, để ai bước vào công ty cũng cảm thấy hài lòng, khi đó họ mới cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa”, ông Thành nói.