Startup giáo dục Teky chờ cơ hội để tỏa sáng

Việt Hưng - 09:39, 12/02/2020

TheLEADERLĩnh vực giáo dục đang trở thành "điểm nóng" của hoạt động đầu tư khởi nghiệp khi được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước rất quan tâm.

Ra đời năm 2017, Teky được biết đến là một trong những trung tâm giáo dục đi đầu xu hướng đưa công nghệ vào giáo dục, cũng như giảng dạy các các kỹ năng công nghệ bằng phương pháp STEAM tại Việt Nam.

Thông qua các module về lập trình, lắp ráp và điều kiển robot, lập trình và thiết kế website hay truyền thông đa phương tiện, học viên tại Teky có 80% thời gian để thực hành các kiến thức công nghệ, trực tiếp tạo ra các sản phẩm theo từng bộ môn học.

Bên cạnh đó là việc rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, khả năng nhận diện và giải quyết vấn đề với các dự án nhóm theo chủ đề...

Sau khoảng 3 năm đi vào hoạt động, học viện Teky đã có tới 16 cơ sở trên toàn quốc, đào tạo về STEAM và lập trình công nghệ cho hơn 10.000 học viên. Teky nằm trong hệ sinh thái công nghệ của Tập đoàn Nexttech, gồm Fastgo, Vimo, Ngân Lượng, MPOS...

Với những thành tựu trên, đơn vị này đang dần rút ngắn khoảng cách của mình đến với mục tiêu trở thành Học viện STEAM dành cho trẻ em số một khu vực ASEAN, cả về số lượng học sinh tại các điểm đào tạo, cũng như hệ thống Edutech Platform.

Startup giáo dục Việt Nam chờ thời để tỏa sáng

Đầu năm nay, Teky được bình chọn là một trong 14 mô hình giáo dục toàn cầu tiêu biểu tại Diễn đàn kinh tế Davos tổ chức tại Thuỵ Sĩ. "Sự ghi nhận này khẳng định các mô hình giáo dục do tư nhân và startup Việt Nam xây dựng và phát triển có thể sánh vai với các cường quốc năm châu", đại diện Teky chia sẻ.

Thành công bước đầu của startup Teky đã phần nào nói lên tiềm năng của thị trường giáo dục Việt Nam. Năm ngoái, lĩnh vực khởi nghiệp giáo dục ghi nhận một số thỏa thuận đã đạt được bao gồm quỹ Navis Capital Partners Limited mua lại nền tảng giáo dục Thanh Thanh Cong Education, hay Kaizen Private Equity rót 10 triệu USD vào Yola.

Thực tế, giáo dục là một lĩnh vực khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh doanh. Vấn đề quan trọng hơn là nhà đầu tư đáp ứng phân khúc nào trong giáo dục và khả năng mở rộng trong tương lai ra sao.

Báo cáo khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 từ Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) cho hay, Việt Nam đang là quốc gia có số lượng startup nhiều thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giai đoạn từ 2012-2017, Việt Nam tăng trưởng "phi mã" về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017.

Trong đó, giáo dục, thanh toán điện tử và blockchain được chỉ mặt gọi tên bởi Austrade là 3 lĩnh vực đầu tư triển vọng tại Việt Nam.

Hiện tại, giáo dục đang trở thành "điểm nóng" của hoạt động đầu tư khởi nghiệp khi đây luôn là lĩnh vực được nhiều phụ huynh quan tâm. Với nền tảng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của Việt Nam về cả kỹ năng cứng và mềm, luôn được các chuyên gia đánh giá ở mức rất cao khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.