Thành Thành Công thắng lớn trong phiên đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường

Phương Anh - 15:40, 30/09/2021

TheLEADERCác công ty của Tập đoàn Thành Thành Công trúng giá hơn một nửa hạn ngạch nhập khẩu đường 2021 trong phiên đấu giá hôm 29/9 do Bộ Công thương tổ chức.

Bộ Công thương hôm 29/9 đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021. Tổng số lượng đường đấu giá là 108.000 tấn, trong đó có 76.000 tấn đường thô, 32.000 tấn đường tinh luyện.

Kết quả đấu giá cho thấy, 5 doanh nghiệp đã trúng đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường thô gồm: Công ty Đường Việt Nam (thuộc Vinamilk) trúng 20.000 tấn với mức giá 3.000.000 đồng/tấn, Công ty Đường Quảng Ngãi trúng 20.000 tấn với mức giá 2.250.000 đồng/tấn.

Thành Thành Công thắng lớn trong phiên đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng HNTQ nhập khẩu đường năm 2021

Nhóm 3 doanh nghiệp còn lại gồm Công ty Thành Thành Công – Biên Hòa trúng 16.000 tấn. Công ty TNHH Một thành viên Đường TCC Biên Hòa – Đồng Nai cũng trúng 16.000 tấn và Công ty TNHH Một Thành viên Biên Hòa – Ninh Hòa trúng 4.000 tấn. Đây đều là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thành Thành Công của doanh nhân Đặng Văn Thành.

Thành Thành Công là doanh nghiệp dẫn đầu ngành Đường Việt Nam với 46% thị phần, với thươn hiệu TTC Sugar. Công ty sở hữu vùng nguyên liệu rộng 64.000 hecta, trải dài 3 nước Đông Dương và 9 nhà máy đường, tổng công suất hơn 37.500 tấn mía/ngày. Niên độ 2019 - 2020, TTC Sugar đã lần đầu tiên vượt mốc sản lượng tiêu thụ 1,1 triệu tấn đường.

Về kết quả đấu giá đường tinh luyện, hai doanh nghiệp tham gia đấu giá đều trúng giá, bao gồm Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (20.000 tấn ở mức giá 1.100.000 đồng/tấn), Công ty Thực phẩm CJ Cầu Tre (1.000 tấn ở mức giá 1.050.000 đồng/tấn). Trong đó Công ty XNK Bến Tre cũng thuộc Thành Thành Công.

Như vậy các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thành Thành Công đã trúng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tổng cộng 56.000 tấn đường, chiếm quá nửa tổng số lượng hạn ngạch đưa ra đấu giá lần này.

Trước đó vào giữa tháng 8, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 5209/BNN-CBTTNS gửi Bộ Công thương về việc triển khai đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021, trong đó tỷ lệ đường thô là 70% và đường tinh luyện là 30% trong tổng hạn ngạch thuế quan.

Điều này là để phát huy hiệu quả cho những nhà máy sản xuất đường tinh luyện, đảm bảo nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, người dân trồng mía thực hiện theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dự tính nhu cầu tiêu thụ hàng năm từ 2,1 – 2,3 triệu tấn và có thể thay đổi khoảng 5% mỗi năm. Lượng đường có thể nhập khẩu chính ngạch khoảng 1,5 triệu tấn/năm theo cơ chế thị trường, trung bình 125.000 tấn/tháng.

Riêng 6 tháng đầu 2021, lượng đường nhập khẩu đạt hơn 780.000 tấn. Trong khi đó, niên vụ 2020 – 2021, nguồn cung sản xuất đường trong nước đang đáp ứng hơn 55% công suất thiết kế các nhà máy với tổng sản lượng mía đưa vào ép hơn 6.700.000 tấn.

Sản lượng đường tinh luyện sản xuất đạt hơn 930.000 tấn; trong đó, gần 690.000 tấn sản xuất từ nguyên liệu mía trong nước, và phần còn lại từ đường thô nhập khẩu.

Giá đường tinh luyện hiên nay khoảng 18.000 – 18.200 đồng/kg, tăng 2.000 – 2.200 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2021. Giá đường tăng thời gian qua có lợi cho các nhà máy sản xuất đường trong nước, tác động tích cực đến giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía với mức tăng từ 12 – 15% so với niên vụ năm trước.

Việc nhiều địa phương giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ đường giảm, xảy ra ùn tắc trong lưu thông, làm gia tăng chi phí vận chuyển. Nhu cầu tăng nguyên liệu đầu vào sản xuất trong dịp Trung thu cũng có thể là nguyên nhân tăng giá đường.