Thông điệp ‘sống còn’ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kiều Mai - 08:12, 23/11/2019

TheLEADERMột trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp nằm ở sự đổi mới và để có sự đổi mới, linh hoạt chính là chìa khóa.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chiếm tới 98% số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 48% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.

Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang được thành lập nhưng cũng không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh phải đóng cửa.

Một chiến lược đúng đắn, một kế hoạch rõ ràng không những sẽ là kim chỉ nam, là đòn bẩy cho sự phát triển, tăng trưởng mà còn là yếu tố quyết định sống còn cho doanh nghiệp trước những con sóng khốc liệt của một thế giới đầy biến động.

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tìm thấy hướng đi đúng đắn và thậm chí, dù có thử nghiệm và thay đổi thì vẫn phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoặc loay hoay trong khó khăn.

Chia sẻ với TheLEADER, PGS.TS. Arthur Gogatz từ New York, Mỹ, Tổng giám đốc World Innovation Team, đối tác chiến lược của GPO - Công ty phát triển nguồn nhân lực, cho rằng rất nhiều người Việt Nam bắt đầu kinh doanh vì không còn lựa chọn nào khác. Điều này không nên là lý do để bắt đầu một doanh nghiệp nhưng đó lại là tất cả những gì mà nhiều người phải làm và không hề có ai giúp đỡ.

“Đừng tập trung vào bản thân, hãy tập trung vào khách hàng”, ông Arthur Gogatz nhấn mạnh.

Quyết định kinh doanh không nên xuất phát từ lý do một người muốn khởi nghiệp hay một người đã từng hai lần làm việc trong những thị trường mục tiêu. Việc kinh doanh chỉ nên bắt đầu khi người chủ thiết kế doanh nghiệp dành riêng cho thị trường mục tiêu.

“Hầu hết doanh nghiệp cũng như hệ thống truyền thông chỉ nói về bản thân doanh nghiệp mà không thể đề cập nhiều đến khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp không nên cố gắng chạy theo mọi khách hàng. CEO đừng bắt đầu với việc kinh doanh mà hãy bắt đầu với việc xác định thị trường mục tiêu”, ông khuyến nghị.

Thông điệp ‘sống còn’ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
PGS.TS. Arthur Gogatz.

Hầu hết người đứng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đều phải đối mặt với các vấn đề tương tự tại mọi quốc gia, từ việc không đủ nguồn lực, thiếu kinh phí tới không đủ kinh nghiệm quản lý, không phải chuyên gia tiếp thị.

Cấu trúc của việc kinh doanh cũng tương tự như vậy và sự khác biệt nằm ở cách các quốc gia thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nhân như thế nào.

Tại các quốc gia thịnh vượng như Mỹ hay Canada, chính phủ hỗ trợ cho các trường đại học thành lập các vườn ươm tài năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Những viện trợ tương tự của chính phủ trong lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp diễn ra không nhiều tại các quốc gia đang phát triển, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp tại đây phải "tự thân vận động" nhiều hơn khi khởi sự doanh nghiệp.

Do đó, tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, có rất nhiều người đang bắt đầu một doanh nghiệp mà ít người ngoài biết được doanh nghiệp đó làm gì. Những người này khởi sự kinh doanh chỉ đơn giản bằng việc thử nghiệm, cố gắng sao chép mô hình kinh doanh của một vài công ty đã thành công hoặc thành công của người khác, doanh nhân khác và dễ dàng dẫn tới thất bại.

Một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp nằm ở sự đổi mới nhưng rõ ràng, không nhiều người trên thế giới biết cách tạo ra sự đổi mới và thậm chí nhiều người còn hiểu sai về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Những người chủ doanh nghiệp nhỏ đa phần đi lên từ chuyên môn, nhìn chung không có nhiều kinh nghiệm kinh doanh và chỉ nắm chắc trong tay đam mê, tham vọng cùng những ý tưởng.

“Khi tôi là giảng viên tại trường đại học và dạy các CEO của SMEs, những doanh nghiệp này rất đa dạng. Một số rất hiểu biết nhưng một số thì không. Tạo ra sự đổi mới phải nên bắt nguồn từ thái độ sẵn sàng đổi mới chứ không phải điều gì khác, cũng không phải từ hệ thống hay từ một kỹ năng nào đó”, ông Arthur Gogatz phân tích.

Hợp phần quan trọng tạo nên sự đổi mới chính là tính linh hoạt. “Hãy làm việc, phát triển và đừng lo lắng về việc mọi thứ như thế nào, nên thế nào. Chắc chắn sẽ không chỉ có một cách duy nhất để làm mọi chuyện, hoàn thành mọi việc”, ông nhấn mạnh.

Với gần 40 năm kinh nghiệm là giảng viên thỉnh giảng ở 23 trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, PGS.TS. Arthur Gogatz sẽ chia sẻ đúc kết kinh nghiệm ứng dụng đổi mới sáng tạo trong xây dựng chiến lược của các doanh nghiệp SME trên khắp thế giới tại hội thảo “Doanh nghiệp SME và bài toán chiến lược - 2020”.

Sự kiện được tổ chức bởi GPO và Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cùng các câu lạc bộ thành viên nhằm giúp SMEs hiểu rõ hơn cũng như thiết lập được những chiến lược phù hợp, từ hoạch định đến thực thi.

Diễn ra tại Hà Nội vào chiều 28/11 tới, sự kiện có sự góp mặt của những diễn giả uy tín, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn chiến lược và quản trị kinh doanh.

Tạp chí điện tử TheLEADER sẽ là đơn vị truyền thông bảo trợ thông tin cho sự kiện này.