Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư Singapore rót vốn vào kinh tế xanh và số của Việt Nam

Nhật Hạ - 20:19, 10/02/2023

TheLEADERThủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp, quỹ lớn của Singapore đầu tư vào các lĩnh vực mới của Việt Nam như kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư Singapore rót vốn vào kinh tế xanh và số của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore sáng ngày 10/2. Ảnh: Nhật Bắc

Trong chuyến thăm chính thức 3 ngày (8-10/2) tại Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục làm việc với các nhà lãnh đạo của Chính phủ Singapore, cùng các doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn của nước này; gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong hợp tác 2 nước.

Trong đó, phải kể tới việc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế số, kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore. Hai nước dự kiến sẽ đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với chiến lược trở thành nước thu nhập cao, phát triển vào 2045, Việt Nam xác lập 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá, mà đặt con người là trung tâm, chủ thể trong mọi chính sách phát triển.

Do đó, Việt Nam xác lập giải pháp tới đây là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ước tính của World Bank, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP một năm) từ nay đến năm 2040 để triển khai lộ trình chống chịu với biến đổi khí hậu và khử carbon. Để hiện thực hoá được mục tiêu này, nguồn lực Nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng, còn nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước góp phần bổ trợ quan trọng.

"Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài có cùng chí hướng bước đi cùng chúng tôi trên chặng đường này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ sẽ ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh và bền vững, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia đối tác phát triển.

Đặc biệt, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, tuy nhiên, vấn đề điện cần xem xét tổng thể 5 nội dung, gồm nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp, theo Thủ tướng.

Để chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; hoàn thiện quy hoạch điện; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp nhận và phát triển, làm chủ công nghệ… từ đó giảm giá thành điện tái tạo để có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác.

Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư Singapore rót vốn vào kinh tế xanh và số của Việt Nam
Thủ tướng tiếp ông Patrick Lee, Patrick Lee, Tổng Giám đốc khu vực, phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered. Ảnh: Nhật Bắc

Tại buổi tiếp lãnh đạo Standard Chartered, ông đề nghị ngân hàng và các đối tác tiếp tục nghiên cứu giải pháp huy động, thúc đẩy và cung cấp các sản phẩm tài chính cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Trong đó, có lãi suất ưu đãi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, phù hợp với điều kiện Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng phải gánh vác các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.

Với Temasek, một tập đoàn đầu tư toàn cầu thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, Thủ tướng đề nghị tập đoàn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng (hạ tầng cứng và mềm); lĩnh vực chuyển đổi xanh, kinh tế tuần toàn; đổi mới sáng tạo, sản xuất chip, trung tâm đổi mới sáng tạo tại TP.HCM…, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đồng thời, với mạng lưới đối tác và khách hàng quốc tế rộng lớn, Temasek sẽ là cầu nối để đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.

Trong buổi tiếp với CEO của Tập đoàn Keppel – tập đoàn đa ngành của Singapore, Thủ tướng khuyến khích Keppel mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hạ tầng khu công nghiệp, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hạ tầng y tế, giáo dục…

Về phía Keppel, lãnh đạo tập đoàn cũng cho biết Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của tập đoàn với hơn 22 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,6 tỷ USD và tập đoàn có thể kết nối, kêu gọi nguồn vốn từ bên thứ 3 đầu tư vào Việt Nam.

Keppel dự kiến tiếp tục đầu tư các khu đô thị phức hợp mới tại Việt Nam, sử dụng các công nghệ bền vững, sử dụng giải pháp năng lượng hiệu quả; đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án…

Thủ tướng mong muốn các bên thực hiện các thỏa thuận theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả", lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, thành công tại Việt Nam.

Hiện, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký trên 440 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

"Chính phủ nhấn quán quan điểm cốt lõi là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng đồng nhà đầu tư", Thủ tướng khẳng định.