Tỉnh nào đứng đầu bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người?

Hoài An - 08:00, 23/05/2021

TheLEADERDù là hai thành phố lớn, TP.HCM và Hà Nội chỉ đứng thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người 2020.

Năm 2020, Bình Dương đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người một tháng, đạt hơn 7 triệu đồng, vượt qua con số của hai thành phố lớn là TP.HCM (6,5 triệu đồng/người/tháng) và Hà Nội (gần 6 triệu đồng), theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê.

Các tỉnh tiếp theo trong bảng xếp hạng có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng bao gồm Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. 

Hai tỉnh đứng cuối cùng trong top 10 là Bà Rịa Vũng Tàu và Quảng Ninh với thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng.

Tổng cục Thống kê cho biết tiền lương, tiền công đóng góp chủ yếu vào tổng thu nhập 2020 với 55,3%, tiếp theo là hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

Người dân tỉnh nào giàu hơn cả người Hà Nội và TP.HCM?
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Kết quả sơ bộ cho biết mỗi tháng, trung bình một người Việt Nam có thu nhập khoảng 4,2 triệu đồng theo giá hiện hành, giảm khoảng 2% so với năm 2019 nhưng vẫn tăng bình quân hơn 8% trong giai đoạn 2016 – 2020.

Thu nhập bình quân mỗi tháng của một người thành thị đạt 5,5 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần người nông thôn (gần 3,5 triệu đồng).

Đông Nam Bộ là khu vực có thu nhập đầu người mỗi tháng cao nhất nước, đạt hơn 6 triệu đồng, hơn gấp đôi vùng có mức thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (gần 2,8 triệu đồng).

Năm 2020, chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nên chi tiêu tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016). 

Người dân tỉnh nào giàu hơn cả người Hà Nội và TP.HCM? 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người mỗi tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, tương đương mức chênh lệch 1,6 lần.

Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất, đạt xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng trong khi vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng).

Ngoài ra, mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% trong cùng thời kỳ.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình, đạt khoảng 2,7 triệu đồng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình.

Mặc dù thu nhập của dân cư có giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

“Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.