Tinh thần ‘đôi bên cùng thắng' của Samsung ở Việt Nam

Tùng Anh - 08:25, 17/05/2023

TheLEADERTheo Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không chỉ hưởng lợi từ môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rồi rời đi mà cần đồng hành, phát triển cùng người dân, cần tinh thần “lợi ích hài hoà và rủi ro chia sẻ”.

Tinh thần ‘đôi bên cùng thắng' của Samsung ở Việt Nam
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Tiến vào Việt Nam đầu tư từ năm 2009 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh, Samsung giờ đây đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với luỹ kế đầu tư trên 20 tỷ USD. 

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, hiện có hơn 50% điện thoại thông minh xuất khẩu của tập đoàn này được sản xuất từ Việt Nam. Việt Nam được xem là quốc gia trọng điểm về sản xuất điện thoại di động cho thế giới.

Đặc biệt, sự có mặt của tập đoàn đến từ Hàn Quốc đã làm “thay da đổi thịt” hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, trở thành những cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin.

Ông Choi cho biết, sản lượng xuất khẩu của Samsung hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, họ đã tạo 300 nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động.

Chia sẻ trong hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Choi nhấn mạnh, Samsung muốn viết tiếp câu chuyện thành công đáng nhớ mà đôi bên cùng thắng.

Mặc dù nhấn mạnh về vai trò của sự hỗ trợ của Việt Nam và chính quyền các địa phương đối với thành công của Samsung nhưng lãnh đạo doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc cũng không khỏi lo lắng về những rủi ro mà Việt Nam - quốc gia có vị trí quan trọng trong ngành chế tạo toàn cầu - phải đối mặt trước những biến động không ngừng và khó lường của thế giới. 

Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và cuộc xung đột Nga – Ukraine đang tạo những rào cản lớn đối với sự phát triển của kinh tế thế giới và khiến cho môi trường kinh doanh trở nên đầy bất ổn.

Quy luật và trật tự kinh tế thế giới cũng có nhiều biến đổi. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã yêu cầu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu đạt một quy mô nhất định. Điều này sẽ tác động đến hơn 100 doanh nghiệp đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam.

Những chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Việt Nam đang triển khai sẽ bị mất hiệu quả thực tế. Việc thay đổi cơ chế đánh thuế cũng khiến Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn.

"Vì vậy, năng lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe doạ", ông Choi nói.

Bàn về sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI,CEO Samsung Việt Nam đề xuất ba nội dung.

Một là cải thiện môi trường đầu tư một cách liên tục. Sau đổi mới, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, cải thiện phải liên tục. Việt Nam cần theo dõi các biến đổi của môi trường bên ngoài để có các cải cách phù hợp. Việc ứng phó triệt để với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là một ví dụ điển hình”, ông Choi nói.

Là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

“Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh có thể dự đoán, phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế”, lãnh đạo Samsung nhận định.

Hai là thực hiện các cam kết dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy, phát triển theo vòng tuần hoàn tích cực giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Thực hiện cam kết một cách nghiêm túc và có trách nhiệm là lời khuyên mà ông Choi dành cho các doanh nghiệp FDI muốn thành công ở Việt Nam.

Ông Choi cho biết, kể từ khi vào Việt Nam, Samsung đã được Việt Nam hỗ trợ, đặc biệt là tạo một môi trường kinh doanh “tuyệt vời”. Ở chiều ngược lại, Samsung cũng thực hiện các cam kết đã đưa ra, gần đây nhất là việc hiện thực hoá kế hoạch xây dựng và đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) vào hoạt động từ cuối năm 2022.

Samsung đang đặt ra mục tiêu biến nơi đây trở thành trung tâm R&D hàng đầu không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên phạm vi thế giới, góp phần đặt nền móng cho nhân tài công nghệ Việt Nam và ngành công nghiệp phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang coi đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Cuối cùng, CEO Samsung Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp FDI cần liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến cho xã hội (CSR).

Ông khẳng định, Samsung đã dành ngân sách CSR ở mức cao nhất cho Việt Nam trong số quốc gia mà Samsung có đầu tư. Điều này cũng tương xứng với tầm quan trọng của Việt Nam đối với Samsung.

Doanh nghiệp này cũng đồng thời tận dụng thế mạnh, đặc thù trong lĩnh vực hoạt động để đào tạo về khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài. Ông Choi cho rằng, nếu tăng cường đầu tư vào CSR thì mối quan hệ giữa Việt Nam và các doanh nghiệp không chỉ là kinh doanh mà còn là đối tác để cùng vượt qua khó khăn.

“Doanh nghiệp cần liên tục bồi đắp mảnh đất đã nuôi dưỡng doanh nghiệp thì mới có thể phát triển. Không chỉ hưởng lợi rồi rời đi mà doanh nghiệp cần đồng hành, phát triển cùng người dân. Cần giữ tinh thần lợi ích hài hoà và rủi ro chia sẻ”, ông Choi nhấn mạnh.