Tương lai mở cho thị trường âm thanh số Việt Nam

Việt Hưng - 16:40, 16/03/2023

TheLEADERCác nền tảng âm thanh số tại Việt Nam như Soundio, Fonos, Voiz FM đều ghi nhận tốc tăng trưởng thần tốc và kì vọng vào việc người dùng trả tiền cho các nội dung âm thanh có bản quyền sẽ ngày một tăng lên.

Ra mắt vào tháng 4/2022, Soundio được định vị là một nền tảng giải trí và chia sẻ kiến thức bằng âm thanh do đội ngũ người Việt trực tiếp xây dựng và phát triển.

Soundio cho phép người dùng tiếp cận với hàng triệu nội dung về âm thanh chất lượng cao, khai thác mọi chủ đề trong xã hội từ: Giải trí, Phát triển bản thân, Truyện sách, Thiếu nhi - Nuôi dạy trẻ cho tới Tình yêu - Hôn nhân, đến Chữa lành, Tôn giáo, Lịch sử,...

Dù mới gia nhập thị trường, Soundio công bố đã hợp tác với 400 nhà sáng tạo nội dung, đồng thời công ty đã mua kho nội dung nhạc nền có bản quyền trên thị trường để hỗ trợ mọi người tăng tính hấp dẫn cho nội dung âm thanh.

Tân binh này từng đặt mục tiêu trở thành nền tảng âm thanh dẫn đầu thị trường Đông Nam Á trong vòng 3 năm tới.

Để làm được điều này, CTCP Công nghệ Soundio (chủ quản của nền tảng Soundio) nhận góp vốn 7 tỷ đồng từ Tập đoàn Thiên Long, theo báo cáo thường niên 2021.

Lý do Tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam quyết định rót vốn vào một nền tảng âm thanh số là bởi thị trường này đang rất tiềm năng.

Tương lai mở cho thị trường âm thanh số Việt Nam
Soundio từng nhận góp vốn 7 tỷ đồng từ Tập đoàn Thiên Long

Theo một nghiên cứu do công ty dữ liệu Statista thực hiện, số lượng người dùng âm thanh số trên toàn thế giới tăng đều đặn trong những năm qua. Năm 2020, con số này là 332,2 triệu người dùng và đã tăng lên 383,7 triệu vào năm 2021. Theo dự báo, năm 2022 có thể đạt mức 424,2 triệu người.

Tại các thị trường lớn, sự tăng trưởng của âm thanh số như podcast đang rất ấn tượng. Năm 2006, chỉ 22% dân số trưởng thành ở Mỹ biết về podcast. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 78% và ước tính có 120 triệu người nghe podcast.

Dự kiến, con số này có thể vượt mốc 160 triệu vào năm 2023 với mức tăng trưởng khoảng 20 triệu người dùng mỗi năm. Ở một số quốc gia khác, Ireland dẫn đầu về số người nghe podcast với 41%, tiếp đến là Tây Ban Nha với 38%, Thụy Điển, Na Uy và Mỹ với cùng 37%.

Cơ hội phát triển của ngành nội dung âm thanh số là số lượng dân số dùng điện thoại thông minh và internet cao và tăng đều; hành vi trả tiền với nội dung chất lượng đang tăng cả về tỷ lệ và tần suất; xu hướng nghe nhiều hơn để giải trí.

Tại Việt Nam, Soundio không phải là đơn vị duy nhất nhìn ra cơ hội này. Được xem là đơn vị tiên phong (ra mắt cuối năm 2019), ứng dụng nghe Podcast & Sách nói bản quyền Voiz FM thuộc CTCP Công nghệ WEWE là cái tên được nhiều người nhắc đến.

Tương lai mở cho thị trường âm thanh số Việt Nam 1
Năm 2021, Voiz FM ghi nhận tốc độ tăng trưởng đến 8 lần

Nếu như trong đợt dịch năm 2020, Voiz FM ghi nhận tốc độ tăng trưởng gấp 2 lần so với năm trước đó thì đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng tăng đến 8 lần. Năm 2022, ứng dụng này đạt hơn 1,1 triệu lượt tải.

Voiz FM từng huy động thành công khoản đầu tư vòng hạt giống từ quỹ 500 Startups Vietnam. Đồng thời, ứng dụng này cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các đối tác uy tín trong lĩnh vực xuất bản như: NXB Trẻ, Saigon Books, Alpha Books, NXB Kim Đồng, NXB Tổng hợp, Bách Việt...

Ra đời sau Voiz FM, startup sách nói Fonos huy động thành công gần 3 triệu USD trong 2 vòng gọi vốn gần nhất. Startup này sản xuất các bản tóm tắt sách ngắn trong 10-15 phút, thiền có hướng dẫn, tin tức và các tùy chọn đọc ngoại tuyến. Fonos phát triển sách nói thành nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, kinh điển, kinh tế đến khởi nghiệp...

Đại diện ứng dụng Fonos tự tin khẳng định vị thế hàng đầu về mảng nội dung âm thanh số tại Việt Nam sau khi ra mắt, với hơn hàng ngàn nội dung độc quyền trên ứng dụng gồm Sách nói bán chạy, Tóm tắt sách, Thiền định,...

Fonos cũng là ứng dụng có doanh thu top đầu Việt Nam ở mảng sách, trên cả hai kho ứng dụng Apple và Google trong nhiều tháng. Theo các nghiên cứu gần đây, doanh thu của Fonos chiếm phần lớn thị phần trong doanh số bán sách nói tại Việt Nam.