Việt Nam học được gì từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Thái Lan

Dũng Phạm - 12:19, 26/08/2023

TheLEADERTheo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group, bên cạnh phía cung hàng hóa là sản phẩm trái phiếu, việc quan trọng hơn lúc này là cần phát triển cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 19/7 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Đây là bước đi quan trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trải qua giai đoạn phát triển nóng và thị trường bộc lộ nhiều lỗ hổng, dẫn đến các kết quả tiêu cực.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động được kỳ vọng giúp quản lý thị trường trái phiếu riêng lẻ chặt chẽ hơn, và người dân, doanh nghiệp sẽ tham gia giám sát và nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Mục tiêu là đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể trở thành một kênh đầu tư, huy động vốn hiệu quả, lành mạnh giúp cho doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư có thể chủ động tham gia, phát triển thị trường.

Ngoài việc hình thành sàn giao dịch trái phiếu, thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp khác nhau trong tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các giải pháp chủ yếu tập trung vào phía cung hàng hóa, với các quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn phát hành và minh bạch.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, bên cạnh phía cung hàng hóa là sản phẩm trái phiếu, việc quan trọng hơn lúc này là cần phát triển cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện nay, các thành phần tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn bị thu hẹp, chủ yếu là các ngân hàng thương mại (NHTM) trong khi các định chế nhà đầu tư tổ chức khác vẫn còn rất khiêm tốn.

So sánh với thị trường Thái Lan, dữ liệu của FiinRatings thuộc FiinGroup cho biết các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội, quỹ mở, công ty bảo hiểm... đã đóng góp khoảng 40% giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ có một số quỹ trái phiếu tham gia đầu tư trong khi ba quỹ hưu trí tự nguyện tư nhân còn mới bắt đầu. Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm xã hội vẫn chưa được phép tham gia đầu tư.

Giải pháp phát triển dài hạn thị trường TPDN tại Việt Nam
Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu tại Thái Lan đến tháng 6/2022

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư thuộc công ty bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay có quy mô tổng tài sản gần 30 tỷ USD nhưng chỉ phân bổ rất ít danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mà chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng. 

Đồng thời Luật Kinh doanh Bảo hiểm hiện quy định không cho phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có mục đích phát hành tái cơ cấu nợ, bất kể doanh nghiệp hay trái phiếu của họ có chất lượng ra sao.

Mặt khác, tại Việt Nam, khối ngân hàng thương mại sở hữu khoảng 40% giá trị trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022, trong khi đó tại Thái Lan, NHTM chỉ sở hữu khoảng 5% trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chủ trương hạn chế NHTM đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và tập trung vào cho vay vốn ngắn hạn. Đây là định hướng hợp lý về dài hạn nhưng trong bối cảnh các định chế đầu tư phi ngân hàng vào trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển kịp thì đó lại là yếu tố đáng lưu ý cho sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư cá nhân tại Thái Lan sở hữu bình quân 35-40% giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ này từng ở mức cao nhưng hiện đã sụt giảm sau những thay đổi trong quy định về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và một số vụ vi phạm nghiệm trọng gây mất niềm tin, tạo lên “làn sóng” rút vốn trước kỳ hạn và cần thêm thời gian để những nhà đầu tư này tham gia trở lại thị trường.

Để tăng chất lượng “bộ lọc thị trường”, Chính phủ Thái Lan quy định nhà đầu tư cá nhân đủ điều kiện đầu tư trái phiếu riêng lẻ phải có tài sản ròng 30 triệu Bath (khoảng 900.000 USD) trở lên, thu nhập chịu thuế hàng năm tối thiểu 3 triệu Bath (90.000 USD); hoặc danh mục đầu tư chứng khoán, bao gồm cả tiền mặt tối thiểu 15 triệu Bath (450.000 USD) trở lên.

Thêm nữa, Thái Lan cũng quy định tất cả các quỹ đại chúng/mở, công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí phải đầu tư vào trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, các quỹ hưu trí nhà nước và tư nhân chỉ được đầu tư vào các trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao, các quỹ tư nhân thì tùy mô hình hoạt động và có những giới hạn nhất định nhằm hạn chế đầu tư quá nhiều vào trái phiếu rủi ro.

Hiện tại, đường cong lãi suất hay lợi tức trái phiếu doanh nghiệp tại Thái Lan (cũng như nhiều thị trường trong khu vực) đã hình thành được nhiều năm trong khi ở Việt Nam thì mới bắt đầu có sau khi tập trung giao dịch trên HNX mặc dù chưa rõ nét và chưa hình thành đầy đủ.

Giải pháp phát triển dài hạn thị trường TPDN tại Việt Nam 1
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở Thái Lan hiện ở quanh mức 2-5% (tính theo tiền Bath) tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Thái Lan chiếm khoảng 90% GDP (trong khi đó tín dụng ngân hàng cũng chỉ chiếm 106% GDP vào cuối năm 2022 và quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu cũng khoảng 100% GDP). 

Trong khi đó, quy mô trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm 10% GDP và phát hành mới giảm rất mạnh sau những xáo trộn vừa qua. 

Trong khi quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán cũng lớn nhưng huy động vốn qua kênh cổ phiếu thấp do biến động của thị trường và tính đầu cơ cao với đặc thù giao dịch bởi nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu, nên khi tín dụng ngân hàng tăng trưởng thấp như hiện nay thì nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp gần như cạn kiệt.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, năm 2022 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 270.000 tỷ đồng, giảm 64% và trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hành chỉ đạt hơn 42.780 tỷ đồng.

Ít ai hình dung sự sụt giảm đến mức như vậy nếu từng chứng kiến tổng khối lượng phát hành năm 2021 trên 658.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần từ mức 225,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2018, quy mô tương đương khoảng 18,2% GDP.

Hai chủ thể phát hành chính là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, trái phiếu bất động sản năm 2021 đã bùng nổ khi chiếm đến 42,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.

Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường sơ cấp chủ yếu là các tổ chức tín dụng với lượng mua chiếm 46,14%, công ty chứng khoán mua 22,43%, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%.