Việt Nam tiếp tục trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ

Phương Anh - 09:52, 23/06/2024

TheLEADERViệt Nam mới đây được Bộ Tài chính Mỹ đánh giá không thao túng tiền tệ nhưng vẫn nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan này.

Bộ Tài chính Mỹ trong báo cáo mới nhất về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, cho biết, không có đối tác lớn nào của nước này được xác định thao túng tiền tệ, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy vậy, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Đức.

Bộ Tài chính Mỹ lý giải, nguyên nhân là bởi Việt Nam có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam tính đến cuối năm ngoái tương đương 5,8% GDP.

Phía Mỹ đánh giá, tài khoản vãng lai của Việt Nam đã trở lại mức thặng dư đáng kể sau khi ghi nhận thâm hụt vào năm 2021 và 2022 do những hạn chế trong sản xuất vì Covid-19 khiến giá hàng khóa nhập khẩu cao hơn.

Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa thấp hơn nhưng cán cân thương mại lại tăng do nhập khẩu phục hồi chậm hơn vì các nhà máy điều chỉnh giảm đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Du lịch nội địa phục hồi, kiều hối tăng và nhà đầu tư nước ngoài giảm mức lợi nhuận chuyển về cũng đã hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam.

Về thương mại song phương, thặng dư thương mại giữa hai nước đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, chủ yếu nhờ tăng trưởng của hàng hóa, dẫn đầu là điện tử và máy móc.

Tính đến cuối năm ngoái, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ USD, cao thứ ba trong các đối tác của Mỹ.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã mua ròng ngoại hối khoảng 7 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP trong năm ngoái.

Cơ quan này đánh giá, Việt Nam đã mua ròng ngoại hối ở mức độ vừa phải để tái tích lũy dự trữ ngoại hối.

Tháng 7/2021, Bộ Tài chính Mỹ cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ của Việt Nam.

NHNN khẳng định cam kết hiện đại hóa, nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, thao túng tiền tệ được định nghĩa là khi một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá nhằm tác động lên cán cân thanh toán, hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế.

Ba tiêu chí để đưa vào danh sách theo dõi bao gồm: thặng dư thương mại song phương với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP, và khối lượng mua ròng ngoại tệ hơn 2% trong vòng 12 tháng.