Vietjet Air tăng tốc với hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing

Trần Anh - 14:35, 19/07/2018

TheLEADERTrong 7 năm tới, Vietjet Air sẽ nhận thêm khoảng 300 máy bay các loại để vươn lên thành hãng hàng không có đội bay lớn nhất Việt Nam.

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ lượt, tăng gần 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, khu vực Đông Nam Á sẽ là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Nhu cầu du lịch tăng cao ở cả nội địa và quốc tế đã thúc đẩy di chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam tăng nhanh suốt 1 thập kỷ qua, tạo nên những thành công vượt bậc của các hãng hàng không giá rẻ, mà điển hình là Vietjet Air.

Năm 2017, Vietjet Air nắm giữ 43% thị phần, cạnh tranh gay gắt với hãng hàng không đang dẫn đầu là Vietnam Airlines. Hãng hàng không liên tục công bố kế hoạch kinh doanh lớn cùng với đó là mục tiêu mở rộng đường bay sang khu vực và toàn châu Á.

Để phục vụ cho tham vọng của mình, những năm qua, Vietjet Air không ngừng mua thêm máy bay. Mới đây nhất, Vietjet Air tuyên bố một hợp đồng ghi nhớ (MOU) đặt hàng 80 phi cơ 737 MAX 10 và 20 phi cơ 737 MAX 8 của Boeing. Giá trị hợp đồng là 12,7 tỷ USD theo giá niêm yết, chưa gồm các khoản thỏa thuận giảm giá.

Vietjet Air tăng tốc với hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing
Bà NguyễnThị Phương Thảo, CEO Vietjet và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Boeing trong lễ ký MOU hôm 18/7.

Đây là lần thứ 2 Vietjet Air tuyên bố mua máy bay của Boeing. Trước đó, hồi năm 2016, hãng bay này cũng ký hợp đồng mua 100 phi cơ 737MAX trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama.

Với MAX 10, đây là phi cơ dòng 737 mới nhất và lớn nhất của Boeing, trình làng năm 2017 tại hội chợ thương mại thường niên ở Paris nhằm cạnh tranh với dòng A321neo của Airbus.

Vietjet thông báo sẽ sử dụng các phi cơ MAX 10 để đáp ứng nhu cầu bay nội địa cũng như bay đến các nước châu Á đang gia tăng. Thỏa thuận với Boeing bao gồm cả đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật tại Việt Nam, một động lực thúc đẩy ngành hàng không trong nước.

“Các phi cơ mới này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của chúng tôi, cung cấp sự hiệu quả và phạm vi để Vietjet mở rộng mạng lưới đường bay, cung cấp nhiều điểm đến quốc tế hơn cho khách hàng”, bà NguyễnThị Phương Thảo, CEO Vietjet cho biết.

Không chỉ ký kết lớn với Boeing, Vietjet còn những bản hợp đồng giá trị tương đương với hãng sản xuất máy bay lớn khác là Airbus. Tính thời điểm hiện tại, đa phần máy bay của Vietjet Air là Airbus dòng A320 và A321 được hãng hàng không này ký thỏa thuận mua và thuê hồi năm 2014. 2 bản hợp đồng trị giá gần 10 tỷ USD sẽ cho phép Vietjet tiếp cận tổng cộng thêm 100 chiếc máy bay của Airbus trong vòng 10 năm tới. 

Ước tính khi các hợp đồng với Airbus và Boeing đều được hoàn tất, đến năm 2025, đội bay của Vietjet sẽ gồm hơn 300 chiếc, qua mặt tất cả các hãng hàng không trong nước về số lượng.

“Tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á rất mạnh mẽ, và Vietjet hiện là một công ty lớn tại khu vực”, Kevin McAllister, đại diện của Boeing nhận định.

Nguồn vốn để giải quyết những bản hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la có thể không phải là khúc mắc lớn nhất của Vietjet Air. Hãng bay này từng nhiều lần giải thích, công ty được giảm tải rất nhiều gánh nặng chi phí mua máy bay thông qua hoạt động bán và cho thuê lại (sell and leashing back) các máy bay.

Đây là một nghiệp vụ của ngành hàng không, trong đó các hãng hàng không như Vietjet Air sẽ ký hợp đồng mua máy bay, sau đó bán rồi thuê lại chính chiếc máy bay mình đã mua. Nhờ thế, Vietjet Air không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay. Với việc đặt số lượng lớn lên tới hàng trăm chiếc, mức chiết khấu mà Vietjet Air nhận được có thể lên tới 40 - 50%.

Hoạt động này cũng giúp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp "đẹp" hơn hẳn. Chẳng hạn, trong năm 2017, việc bán và cho thuê lại 17 chiếc máy bay Airbus A321 đã đóng góp thêm tới 19,7 nghìn tỷ đồng vào doanh thu của Vietjet Air, mang về nhiều tiền hơn mảng kinh doanh cốt lõi của Vietjet là vận tải hành khách.

Tuy nhiên, việc mua quá nhiều máy bay cũng mang về những rủi ro. Với gần 300 máy bay sẽ được bàn giao từ nay đến năm 2025, bình quân tới hơn 40 máy bay trong 7 năm tới, số lượng máy bay dường như là quá nhiều để thị trường hàng không trong nước có thể hấp thụ.

Trước đó, Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, tốc độ tăng trưởng chuyên trở của Vietjet sẽ khó lòng theo kịp tốc độ tăng trưởng của đội bay, kéo theo tỷ suất lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng ngành hàng không trong nước trong thời gian tới sẽ không cao như trước nữa.

Để khai thác được hết số may bay sắp bàn giao, bên cạnh thị trường trong nước, Vietjet Air đang có tham vọng mở rộng các đường bay ra nước ngoài, đặc biệt là khu vực Bắc Á. Trong năm 2018, Vietjet Air đặt mục tiêu mở rộng thêm 24 đường bay mới, trong đó có 20 đường bay quốc tế.

Bắc Á là thị trường lớn nhất với tốc độ tăng trưởng cao nhất với ngành hàng không Việt Nam. Thị trường Bắc Á chiếm 61% tổng lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017, tương đương với 7,9 triệu khách. Trong đó, khách du lịch Trung Quốc tăng vọt 48%, đạt 4 triệu lượt khách.

Song song với các thị trường mà hãng hàng không này đã có mặt như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Vietjet sẽ khai thác thêm các thị trường mới như Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ. Ngoài ra, Vietjet Air cũng đang tính tới việc thành lập các liên doanh với các hãng hàng không trong khu vực khác để thâm nhập vào thị trường các nước này.

Nhưng những kế hoạch của Vietjet Air sẽ gặp ít nhiều trở ngại, đặc biệt là nếu các liên doanh không thành công ở các nước châu Á khác. Hiện tại, do cạnh tranh gia tăng giữa các hãng hàng không giá rẻ, cùng với chính sách bảo hộ của các quốc gia đối với doanh nghiệp hàng không trong nước, sẽ không dễ dàng để Vietjet Air áp dụng được mô hình từng thành công tại Việt Nam sang các liên doanh mới này.

Trong trường hợp mở rộng sang thị trường nước ngoài gặp khó khăn, cả hoạt động kinh doanh vận tải lẫn hoạt động kinh doanh bán và cho thuê lại của Vietjet Air có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đấy là chưa kể, Vietjet Air nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của chính các doanh nghiệp trong nước đang muốn học theo mô hình của hãng hàng không này.

Cuối tháng 6 vừa qua, Bamboo Airways, hãng hàng không đang chờ được cấp giấy phép của tập đoàn FLC cũng ký một bản hợp đồng ghi nhớ trị giá 5,6 tỷ USD với Boeing để mua 20 máy bay thuộc dòng 787-9 Dreamliner. Trước đó, hãng này cũng ký một bản ghi nhớ về việc mua 24 máy bay Airbus A321neo.

Việc gấp rút tham gia vào thị trường hàng không cùng tham vọng mua số lượng lớn máy bay cho thấy, Bamboo Airways sẵn sàng nhảy vào cạnh tranh với Vietjet Air, cả trong mảng vận tải hành khách lẫn dịch vụ thuê máy bay.