Xuất khẩu dệt may dịch chuyển do tác động Covid-19

Phương Anh - 09:05, 31/07/2021

TheLEADERBộ Công thương cho biết do ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam tập trung xuất khẩu các mặt hàng thông thường, tính tiện dụng cao và giảm xuất khẩu các mặt hàng như quần áo vest.

Xu hướng dịch chuyển dưới tác động Covid-19

Trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, dệt may Việt Nam đã có những bứt phá tại các thị trường khác, Bộ Công thương nhận định.

Ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống, các mặt hàng có giá trị tăng cao cũng có tăng trưởng tốt.

Đáng chú ý, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và dịch Covid-19 đã tạo ra xu hướng dịch chuyển nguồn cung ra khỏi thị trường Trung Quốc, tìm đến khu vực châu Á nhanh hơn, trong đó có Việt Nam.

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam chậm lại trong năm 2020, nhưng đã phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm ngoái, và bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Dữ liệu thống kê sơ bộ từ Bộ Công thương cho thấy trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,25% so với nửa đầu năm 2019.

Tuy còn nhiều thách thức, sự tăng trưởng ổn định và liên tục trong những tháng vừa qua cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã trở lại, và thậm chí còn tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Xét về cơ cấu, chủng loại hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam đã dịch chuyển khá rõ dưới tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, các sản phẩm được tập trung xuất khẩu là các mặt hàng thông thường, có tính tiện dụng cao như quần, quần áo trẻ em, đồ lót, quần soóc, và giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như áo khoác, quần áo vest.

Vị thế gia tăng

Bộ Công thương nhận định trong giai đoạn 2016 – 2020, khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam không ngừng được nâng cao.

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng may mặc của thị trường thế giới giảm bình quân 0,26%/năm, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn tăng trưởng trung bình 6,13%/năm.

Đơn cử, tính trung bình, xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc giảm 4,11%/năm, Ấn Độ giảm 7,12%/năm, Indonesia giảm 0,39%/ năm. Xuất khẩu từ các thị trường cạnh tranh khác tăng chậm hơn, như Thổ Nhĩ Kỳ tăng bình quân 0,45%/năm, Bangladesh tăng 2,47%.

Xuất khẩu hàng dệt may dịch chuyển vì Covid-19
Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ tư trên thế giới. Ảnh: BCT.

Nhờ khả năng cạnh tranh được gia tăng, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới không ngừng được tăng cao, và tăng bền vững trong giai đoạn 2016 – 2020.

Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, châu Âu và Bangladesh, với tỷ trọng xuất khẩu đạt 7,05% vào năm 2020, tăng cao so với mức 5,54% của năm 2016.

Trong khi đó, thị phần hàng may mặc của Trung Quốc liên tục bị thu hẹp, từ mức 34,31% của năm 2016 xuống còn 29,45% vào năm ngoái.

Ngoài ra, ngành dệt may của một số thị trường cung cấp cạnh tranh với Việt Nam như Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng có những vấn đề nội tại, chưa thể bứt phá để cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, Bộ Công thương nhận định.

Trong khi Bangladesh còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng cũng như trình độ sản xuất, Thổ Nhĩ Kỳ dù có khả năng cung ứng nguyên liệu lại gặp vấn đề mặt bằng sản xuất cũng như quy mô sản xuất của ngành may mặc vẫn ở mức vừa phải.

Do đó, trên thị trường may mặc toàn cầu, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, và trở thành điểm đến cung ứng được nhiều nhà nhập khẩu lựa chọn. Hàng dệt may của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng mạnh so với con số 150 của năm 2016.

Ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống, các mặt hàng có giá trị tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vẫn chưa cải thiện nhiều, dù giá trị tuyệt đối tăng trưởng khá cao.

Hàng may mặc vẫn là nhóm hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và mang tính chi phối, chiếm trên 83% đối với toàn ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Cơ cấu chủng loại hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019 tương đối ổn định, với một số chủng loại chính như áo thun, áo khoác, quần, quần áo trẻ em, vải, áo sơ mi, đồ lót.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, một số chủng loại có tốc độ tăng trưởng bình quân rất cao như quần áo trẻ em, vải, đồ lót, quần áo bảo hộ lao động, áo len, quần áo bơi.

Bộ Công thương nhận định những mặt hàng may mặc thông thường, có tính tiện dụng cao sẽ là những mặt hàng có triển vọng xuất khẩu cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tỷ trọng xuất khẩu những mặt hàng này càng có xu hướng tăng nhanh.

Như vậy, xu hướng dịch chuyển xuất khẩu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, cùng việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, cũng như nội tại ngành sản xuất dệt may không ngừng được nâng cấp, cải thiện, sẽ giúp hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.