80 dự án đạt giải trong cuộc thi 'Học sinh sinh viên khởi nghiệp'

Minh Nhật - 10:22, 29/03/2023

TheLEADERNgày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh – sinh viên tại Đại học Huế đã diễn ra thành công vào ngày 25-26/3 vừa qua. Đây là dịp học sinh sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trình bày các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo xuất sắc, đồng thời là dịp để các trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước giao lưu, kết nối hiệu quả.

80 dự án đạt giải trong cuộc thi 'Học sinh sinh viên khởi nghiệp'
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V được tổ chức tại Đại học Huế ngày 25/3 -26/3 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức thường niên kể từ năm 2018 đã thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, nghiên cứu khoa học giá trị, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Những con số ấn tượng

Trong gần 5 năm thực hiện, Đề án 1665 đã thu hút được gần 2.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Trong đó, nhiều dự án đoạt giải thưởng tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã được thương mại hóa (VD: dự án nước súc miệng "TX Green Nano để phòng, chống bệnh răng miệng học đường") hay đã đi vào sản xuất và xuất khẩu (VD: dự án máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động”).

Đến nay, Việt Nam đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm; hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Gần 100 trường đại học đã đưa khởi nghiệp thành một môn học. Nhiều cơ sở đào tạo có quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Có 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học.

Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.

Đặc biệt, Vòng chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm nay có 80 dự án xuất sắc được lựa chọn. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, những thành công bước đầu rất đáng trân trọng.

Cần sự phối hợp đồng bộ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thủ tướng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới.

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.

Nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, Thủ tướng đã đưa ra một số kiến nghị đối với tất cả thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả với chi phí thấp và ít rủi ro nhất. Bên cạnh đó, những cơ quan này cần truyền cảm hứng, tạo động lực cho các thế hệ học sinh, sinh viên nhằm thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, các đơn vị này cần tổ chức hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên.

Những hoạt động này có thể bắt đầu từ việc triển khai hiệu quả các đề án, chương trình “đinh” về khởi nghiệp quốc gia (Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" và Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp") đến những hoạt động thu hút các nguồn lực đầu vào và đầu ra trong nước và quốc tế cho quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động nhằm khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo là quá trình khai phá cái mới, cái chưa được làm trước đây. Vì vậy, quá trình đó có thể chạm đến những điều chưa từng có. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận, dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo trước các rủi ro về hiệu quả đầu tư…

Thêm vào đó, các hoạt động giáo dục về sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên khởi nghiệp cần được tăng cường thực hiện.

Thủ tướng cũng kêu gọi các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trong trường học. Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhà trường đóng một vai trò cực kỳ quan trọng bởi đây là nơi trang bị cơ sở lý luận, nền tảng kiến thức và kĩ năng cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình đó, các cơ sở đào tạo giáo dục cần chú trọng phát hiện, khuyến khích, ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp để phục vụ thiết thực cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Song song với đó, các trường học, cơ sở đào tạo cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhằm tăng cường nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, cũng như khả năng thương mại hóa và bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Về phía Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị các tổ chức đoàn từ trung ương đến địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên qua việc tạo ra các phong trào, sân chơi, môi trường, tôn vinh, góp phần "làm bệ đỡ" nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, Thủ tướng gửi gắm niềm hi vọng lớn lao vào các thế hệ học sinh, sinh viên: “Tôi mong các cháu luôn cố gắng học tập, rèn luyện tốt; có niềm tin, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; có đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp; luôn kiên trì, dám dấn thân; đoàn kết, mạnh dạn, sáng tạo để ấp ủ ước mơ và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp. Đi rồi sẽ đến, làm rồi sẽ có hiệu quả, thất bại là mẹ thành công. Phải kiên trì, bản lĩnh, khát vọng. Có khát vọng, đam mê thì sẽ có khởi nghiệp, có thành công, tạo ra những giá trị mới, làm giàu bằng sức lực, trí tuệ, văn hóa, đạo đức của mình thông qua khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”.