Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo: Cú huých cho du lịch biển

Phương Thu - 09:01, 28/04/2024

TheLEADERCác thành phố du lịch biển Nam Trung bộ sẽ được hưởng lợi rất lớn khi đoạn cao tốc cuối cùng nối TP. HCM với Nha Trang được đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn từ 4-5 giờ, giảm gần một nửa thời gian so với trước đây.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo: Cú huých cho du lịch biển
Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông xe. Ảnh: Hoàng Anh.

Cao tốc cuối cùng nối TP HCM - Nha Trang được thông xe

Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, chiều dài 78,5km. Điểm đầu tại km54+00 kết nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Điểm cuối tại km134+00 kết nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Chủ đầu tư dự án là liên danh Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194.

Đây chính là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP. HCM với Nha Trang. Trước đó, bốn đoạn cao tốc đã hoàn thành gồm TP. HCM - Long Thành – Dầu giây, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Cam Lâm – Nha Trang. 

Sau khi thông suốt, toàn tuyến sẽ giúp rút ngắn thời gian từ TP. HCM đến Nha Trang chỉ còn khoảng 4-5 giờ, giảm một nửa so với trước đó là 8 - 9 giờ di chuyển.

Việc thông xe tuyến cao tốc này với thời gian di chuyển từ TP. HCM tới các thành phố biển, đặc biệt là Nha Trang được rút ngắn đáng kể sẽ tạo cú huých rất lớn cho sự phát triển của du lịch biển.

Chia sẻ từ anh Ngọc Lâm, một người dân tại TP. HCM cho biết, dịp Hè anh thường đưa cả gia đình đi du lịch Vũng Tàu do khoảng cách gần, có thể di chuyển bằng ô tô. 

Năm nay, vé máy bay tăng cao, du lịch gần nhà vẫn là ưu tiên số một của gia đình anh chị. 

Tuy nhiên, thay vì tiếp tục đi Vũng Tàu, thời gian di chuyển tới Nha Trang đã được rút ngắn rất nhiều, chính vì vậy, anh đã lựa chọn một khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang để đổi gió cho cả gia đình. 

Trước đó, năm 2023, sau khi thông xe tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, việc di chuyển 200 km từ TP. HCM đi Phan Thiết đã rút ngắn gần hai giờ đồng hồ, từ khoảng 4h30 phút còn khoảng 2h30 phút. 

Nhờ vậy, lượng du khách từ TP.HCM đến Bình Thuận đã tăng đáng kể so với trước đây. Dịp lễ 30/4 – 1/5 năm ngoái, du lịch Bình Thuận đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng bình quân khoảng 70 - 90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.

Năm 2023, lần đầu tiên Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỉ đồng (tăng gần gấp đôi so với năm 2022). Địa phương cũng trở thành một trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Bên cạnh các yếu tố về "năm du lịch quốc gia" cùng thiên nhiên ưu đãi, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện đã đóng góp đáng kể vào thành công của du lịch Bình Thuận. 

Với những con số biết nói đó, mùa Hè năm nay, với việc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông xe, các điểm đến tiếp theo của cung đường du lịch biển Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Cam Ranh, Nha Trang hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ.

Du lịch bứt phá nhờ hạ tầng

Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2024, ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng chín triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách nội địa và 3 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 40.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, với bệ đỡ từ hạ tầng, mục tiêu này của ngành du lịch Khánh Hòa nói chung và Nha Trang nói riêng là có thể đạt được. Đặc biệt, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe được kỳ vọng sẽ trở thành “ngòi nổ” cho ngành du lịch Nha Trang tăng tốc.

Nguyên nhân là do sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc vé máy bay tăng cao thời gian gần đây, xu hướng đi du lịch bằng xe ô tô cá nhân đang ngày càng tăng mạnh.

Hiện chi phí tiền vé máy bay cho một gia đình 5 người, trung bình khoảng 3 - 4 triệu đồng/vé khứ hồi cho chặng bay TP. HCM - Nha Trang, là gần 20 triệu đồng. Thay vì đặt vé máy bay đắt đỏ, khách du lịch có thể lựa chọn di chuyển bằng ô cá nhân với chi phí rẻ hơn rất nhiều. 

Khi đó, việc đưa vào vận hành cao tốc sẽ giúp các điểm du lịch cách TP. HCM dưới 500 km, thời gian di chuyển ngắn được hưởng lợi.

Trước đó, việc bắt buộc phải di chuyển bằng máy bay do thời gian đi đường bộ kéo dài đã hạn chế sự phát triển rất lớn của du lịch tại các địa phương này. Hoạt động du lịch đơn thuần chỉ là nghỉ dưỡng, gắn với các kỳ nghỉ lễ hoặc các dịp kỷ niệm quan trọng. 

Tuy nhiên, với việc giao thông thuận tiện, thời gian di chuyển rút ngắn, khách du lịch có thể linh hoạt hơn, tần suất đi du lịch thường xuyên hơn vào các dịp cuối tuần. Lượng du khách vì thế sẽ tăng mạnh. 

Chi phí du lịch bằng ô tô tiết kiệm hơn hẳn cũng sẽ giúp các điểm đến này tiếp cận được nhiều hơn các đối tượng khách hàng. 

Mặt khác, do thời gian di chuyển ngắn, bên cạnh du lịch, các khách hàng, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn các điểm đến này làm ngôi nhà thứ hai, vừa để ở vừa kinh doanh, nghỉ dưỡng. 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giao thông thuận tiện sẽ thúc đẩy nhu cầu đi du lịch của người dân TP. HCM và các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên mạnh mẽ, tạo cú huých phát triển cho du lịch biển Nam Trung bộ.

Đặc biệt, các thành phố biển đã rất phát triển, có hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hấp dẫn như Nha Trang, Phan Thiết sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. 

Nhờ đó, sự phát triển của du lịch, lượng khách du lịch sẽ tăng lên bền vững sẽ hỗ trợ dài hạn cho ngành du lịch bùng nổ, kéo theo đó là sự hồi phục và phát triển ổn định của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.