Ai đang mua dầu của Nga?

Hường Hoàng - 11:01, 10/04/2022

TheLEADERTrung Quốc và Ấn Độ sẽ kiếm được những món hời lớn nhờ các lệnh cấm vận dầu từ Nga của phương Tây - liên quan đến cuộc chiến Nga - Ucraine.

Hai ngày trước khi Nga tấn công Ukraine, một tàu chở dầu Đức đã rời khỏi cảng Primorsk (Nga) với tải trọng 33.000 tấn. Nhưng vào ngày 3/3, khi tiến vào cảng dầu Tranmere (Anh), con tàu không hề nhận được sự chào đón.

Một số công nhân trên bến đã từ chối dỡ hàng khi họ biết con tàu đến từ đâu. Những cuộc tẩy chay tương tự cũng bùng lên khắp nơi.

Ai đang mua dầu của Nga?
Nga đang tìm đầu ra cho lượng dầu lênh đênh trên biển (Ảnh: The Economist)

Công ty dữ liệu Kayrros ước tính rằng hai tuần sau khi cuộc chiến nổ ra, lượng dầu lênh đênh “trên mặt nước” đã tăng gần 13%. Phần lớn trong số này là những tàu chở dầu của Nga chưa được cập bến và đang tìm khách hàng mới. Số lượng tàu chở dầu quay trở lại Nga cũng tăng vọt.

Hầu hết lượng dầu xuất khẩu của Nga những tuần gần đây đều là những đơn hàng được đặt mua trước khi cuộc chiến bắt đầu. Hoạt động xuất khẩu dầu của nước này hiện đang giảm mạnh. Nhiều khách hàng trên thế giới đã tạm dừng mua hàng vì lo ngại phản ứng dữ dội của công chúng và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo công ty dữ liệu Kpler, vào ngày 24/3 sản lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đạt mức 2,3 triệu thùng/ngày, giảm gần 2 triệu thùng/ngày so với đầu tháng. Trong tình hình đó, giá dầu thô Brent trên thế giới đã tăng lên gần 115 USD. Tuy nhiên, với những quốc gia không sợ sự chỉ trích từ dư luận, dầu của Nga là một món hời.

Lệnh cấm vận đối với Nga có nhiều điểm tương đồng với lệnh phong tỏa Iran của các nước phương Tây. Vào tháng 5/2018, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với "áp lực tối đa", với mục tiêu ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Gần như lệnh cấm đã thành công: sản lượng dầu xuất khẩu của Iran đã giảm xuống còn 260.000 thùng/ngày vào tháng 10/2019 so với mức trung bình 2,3 triệu thùng/ngày trước cấm vận.

Theo Middle East Institute, Iran đã “lách” luật trừng phạt của Mỹ bằng nhiều cách: tích trữ sẵn dầu trong các tàu chở dầu lớn trên biển đồng thời tìm kiếm những khách hàng tiềm năng; bí mật chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác; thay đổi tên và mã nhận dạng của tàu; và tắt hệ thống liên lạc trong hành trình di chuyển để tránh bị nhận diện.

Trong hoàn cảnh hiện tại, Nga không cần làm vậy. Trong các nước trên thế giới, Mỹ là quốc gia duy nhất chính thức tiến hành cấm vận Nga. Vào ngày 25/3, Đức cho biết nước này sẽ cắt giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu nhưng vẫn chưa công bố thời điểm bắt đầu.

Nga vẫn đang thực hiện hoạt động xuất khẩu dầu qua hệ thống ống dẫn. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển giảm mạnh do các bạn hàng phương Tây lo ngại sự phản ứng dữ dội của công chúng.

Các khách hàng của Nga cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và logistic do: các ngân hàng đang cắt giảm tín dụng, các chủ tàu đang gặp khó khăn với nghiệp vụ được bảo hiểm và cước vận tải đang tăng cao. Chính vì vậy, dầu thô Urals của Nga hiện đang được chiết khấu khoảng 31 USD/thùng. Các nhà phân tích dự đoán mức chiết khấu có thể đạt 40 USD/thùng trong tuần tới.

Hai quốc gia lớn trên thế giới không tham gia vào lệnh cấm vận là Trung Quốc và Ấn Độ. Chính vì vậy, khoản chiết khấu đó chắc chắn là một món hời. Ấn Độ đã bắt tay vào hành động. Trong tháng ba, Ấn Độ đã nhập khẩu 230.00 thùng dầu/ngày, tăng mạnh so với ba tháng trước đó. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa thể tăng nhanh sản lượng nhập khẩu dầu trong ngắn hạn. Do nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ từ trước đến nay là các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, với tỷ trọng khoảng 50%. Thêm vào đó, cước vận chuyển từ Trung Đông sang Ấn Độ cũng rẻ hơn rất nhiều so với cước vận chuyển từ Nga. Không những thế, khi nhập khẩu dầu Nga, Ấn Độ cũng bắt buộc phải thanh toán bằng đồng rúp thay vì đồng USD. Đây cũng là một điểm bất lợi của dầu Nga.

Theo ông Adi Imsirovic, cựu giám đốc kinh doanh dầu của Gazprom, thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga vẫn chưa đạt đến 330.000 thùng/ngày. Trong khi đó, để giải quyết hết được lượng dầu không mong muốn, trong tháng tư này, Nga cần phải xuất khẩu được 3 triệu thùng/ngày.

Trong hoàn cảnh đó chỉ có Trung Quốc mới có thể “cứu” được Nga. Trung bình, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 10,5 triệu thùng/ngày (chiếm 11% sản lượng dầu của thế giới). Ông Imsirovic cho rằng, nhân cơ hội này, Trung Quốc có thể tăng lượng dầu nhập khẩu lên 12 triệu thùng/ngày. Khi đó, 60 triệu thùng dầu của Nga sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Tuy vậy, đối với Trung Quốc, hoạt động vận tải dầu từ Nga là một vấn đề lớn. Những chuyến hàng từ Nga đến châu Âu chỉ mất từ 3 đến 4 ngày, trong khi đó từ Nga sang châu Á thì phải mất đến 40 ngày. Dầu cũng cần được chất lên những tàu cỡ lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn, chi phí đắt hơn.

Thanh toán cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trước đây, các công ty Hồng Kông đã hỗ trợ Triều Tiên thông qua hoạt động vận chuyển hàng hóa trái phép "giữa các tàu với nhau" nhằm lách lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, họ khó lòng mà che dấu được những hợp đồng năng lượng có giá trị lớn của Nga trong hệ thống tài chính của thành phố. Cơ quan quản lý của thành phố sẽ không làm ngơ trước những giao dịch này vì nếu việc bại lộ, Mỹ sẽ đình chỉ khả năng thanh toán USD của Hồng Kông – một đặc quyền của nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, để khắc phục những vấn đề này, Nga cũng có thể sử dụng các tài khoản ngân hàng của Trung Quốc tại nước này để nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Sau đó, dùng những tài khoản này để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, tránh tính xuyên biên giới của kế toán thương mại.

Nếu không mua dầu của Nga vào thời điểm này, Trung Quốc sẽ bỏ lỡ một món hời; vì mặc dù phải đóng thêm một số loại chi phí, Trung Quốc cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Khi vị thế thương mại của Nga thêm suy yếu, mức chiết khấu dầu Urals sẽ tăng lên, Trung Quốc sẽ còn được hưởng lợi lớn hơn.

Trong tình hình hiện tại, Nga khó có khả năng quay trở lại châu Âu. Châu lục này sẽ nhập khẩu dầu chủ yếu từ Tây Phi và Châu Mỹ. Trong khi đó, Nga vẫn sẽ tiếp tục cung cấp dầu cho châu Á và các nước khác trên thế giới. Chiến tranh Nga - Ukraine đã định hình lại thị trường dầu trên thế giới.