Apple tự bán iPhone ở Việt Nam khi bán lẻ công nghệ gặp khó

Việt Hưng - 14:53, 16/05/2023

TheLEADERDù mới chỉ triển khai cửa hàng trực tuyến, nhưng động thái Apple tự bán iPhone được đánh giá sẽ có tác động nhất định đến các nhà bán lẻ Việt Nam, trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Thị trường bán lẻ công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó trong quý 2/2023 khi lạm phát và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người Việt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Báo cáo về ngành bán lẻ 2022 và dự báo 2023 của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra nhận định, các đơn vị bán lẻ trong mảng ICT và điện máy trong 6 tháng đầu năm 2023 có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.

Kịch bản khả quan nhất với bán lẻ công nghệ là thị trường sẽ có sự phục hồi ở nửa sau của năm 2023 nhưng không nhiều, và sẽ trở lại bình thường vào nửa sau 2024.

Giữa bối cảnh đó, Apple đã công bố việc tự bán iPhone và các sản phẩm công nghệ khác của hãng thông qua cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam từ ngày 18/5, trong đó cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm Apple và hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp trên toàn quốc.

Dù mới chỉ triển khai cửa hàng trực tuyến, nhưng động thái Apple tự bán iPhone được đánh giá sẽ có tác động nhất định đến các nhà bán lẻ Việt Nam, trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc khối Viễn thông Di động của hệ thống FPT Shop cho biết, công ty đang chờ đợi việc ra mắt của trang bán hàng trực tuyến Apple tại Việt Nam. 

Theo ông Kha, đứng trên góc độ của nhà bán lẻ, thì đây là dấu mốc đánh giá sự đầu tư lớn, toàn diện của hãng Apple vào thị trường. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng cho toàn ngành, trong đó có đối tác lớn như FPT Shop & F.Studio by FPT.

Apple tự bán iPhone ở Việt Nam khi bán lẻ công nghệ gặp khó
Apple tự bán iPhone ở Việt Nam khi bán lẻ công nghệ gặp khó

"Chúng tôi tin rằng người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng Việt khi có nhiều sự lựa chọn, ưu đãi khi mua sắm sản phẩm Apple. Việc mở cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam là động thái tốt, cho thấy Apple đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam", ông Kha chia sẻ.

Cũng theo ông Kha, Apple Store trực tuyến tại Việt Nam sẽ đưa ra một khung giá chuẩn chỉnh, có thể làm cơ sở tham chiếu, đặc biệt trong bối cảnh giá bán sản phẩm Apple đang biến động liên tục tại Việt Nam.

Ngoài ra, động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.

Về phía Thế Giới Di Động, tại cuộc họp nhà đầu tư quý 1/2023, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài tỏ ra bình tĩnh trước thông tin Apple sẽ sớm có cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam.

Ông cho rằng đây là một nước đi bình thường của Apple và không phải điều gì mới mẻ. Theo Chủ tịch MWG, Apple sẽ cần xây dựng thương hiệu khi tập trung vào thị trường mới và cửa hàng trực tuyến mở ra chỉ để phục vụ mục đích làm thương hiệu.

"Tôi không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng ", ông Nguyễn Đức Tài nêu quan điểm.

Người đứng đầu Thế Giới Di Động khẳng định Apple không thể nào chỉ một vài cửa hàng mà có thể phục vụ 90 triệu dân, thay vào đó họ cần một chuỗi rất lớn.

Nhìn chung, ông Tài vẫn đánh giá cao việc Apple xuất hiện ở Việt Nam, và nhìn nhận đây là điều tốt cho thị trường. Công ty coi đây là chiến lược cộng tác với Apple, hỗ trợ mở các cửa hàng, hoặc phối hợp với Apple phục vụ người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu là đem lại cái tốt cho người tiêu dùng.