Bamboo Airways bầu thành viên HĐQT thay lãnh đạo người Nhật

Dũng Phạm - 14:27, 15/09/2023

TheLEADERBamboo Airways hiện đang trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động. Hãng bay đã liên tục có động thái thay đổi cơ cấu cổ đông, bổ sung lãnh đạo cấp cao và gần đây tái cơ cấu cả đội bay.

Bamboo Airways tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường trong năm nay
Bamboo Airways tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường lần thứ 3 trong năm nay

Sáng 15/9, Bamboo Airways đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường thông qua một số nội dung liên quan đến cơ cấu mới của Hội đồng quản trị và một số thay đổi về điều lệ công ty, quy chế hoạt động của HĐQT, quy chế quản trị công ty cũng như phương hướng lựa chọn cổ đông chiến lược.

Theo đó, đại hội đã thông qua kiến nghị của ông Lê Thái Sâm – Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways về việc giao HĐQT tổ chức, thực hiện rà soát xác định nguồn vốn của công ty, tăng/giảm vốn điều lệ nhằm mục tiêu tái cấu trúc công ty và huy động vốn từ cổ đông chiến lược.

Việc lựa chọn cổ đông chiến lược được thực hiện nhằm mục tiêu tái cấu trúc về mặt tài chính, đảm bảo hoạt động của công ty và tăng cường nguồn vốn để thực hiện các chủ trương mở rộng quy mô tàu bay, mở rộng mạng bay, nâng cao dịch vụ… trong tương lai.

Về mặt nhân sự, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua quyết định bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh - hiện là Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay thế các thành viên có quyết định miễn nhiệm được thông qua trước đó.

ĐHĐCĐ cũng thông qua quyết định miễn nhiệm 3 thành viên của ban kiểm soát và bầu bổ sung thành viên mới nhiệm kỳ 2023 – 2028 là bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, ông Phạm Văn Phùng và ông Nguyễn Đăng Khoa.

Sự thay đổi về số lượng và chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được biểu quyết thông qua, bao gồm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Đại hội cũng đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều lệ công ty, Quy chế hoạt động của HĐQT công ty, và ban hành Quy chế nội bộ về quản trị công ty, cùng một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ.

Cùng ngày, HĐQT Bamboo Airways đã họp và thống nhất bầu ông Phan Đình Tuệ làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Bamboo Airways.

Phát biểu tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết: “Trong bối cảnh những biến động chung của thị trường và khó khăn nội tại vẫn đặt ra nhiều thách thức lớn, Bamboo Airways đã và đang quyết liệt đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như lựa chọn cổ đông chiến lược để cùng đồng hành với các kế hoạch phát triển bền vững trong tương lai."

Cũng tại buổi họp, ông Phan Đình Tuệ, tân Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Bamboo Airways, tiết lộ Sacombank đang quan tâm đầu tư vào Bamboo Airways với tư cách là đơn vị cấp tín dụng và tài trợ lớn cho hãng bay này.  Theo SSI Research, tính đến hết quý II, Bamboo Airways đang có khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng tại Sacombank, chiếm 0,7% tổng dư nợ tín dụng.

Sau 5 năm thành lập, Bamboo Airways hiện đang trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động. Hãng bay đã liên tục có động thái thay đổi cơ cấu cổ đông, bổ sung lãnh đạo cấp cao và gần đây tái cơ cấu cả đội bay để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Trước đó, ngày 9/5, Bamboo Airways đã tăng vốn điều lệ thành công lên mức 30.000 tỷ đồng thông qua hoán đổi nợ của ông Lê Thái Sâm và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

Mới đây, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn để Bamboo Airways tiếp tục hoạt động. Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề như chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới, tăng quy mô đội tàu bay và khó khăn về vốn...

Năm 2022, Bamboo Airways ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 17.600 tỷ đồng. Trong đó, mục trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết lên đến hơn 13.200 tỷ đồng dẫn đến khoản lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.