Bộ mặt mới của chợ truyền thống

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 11:12, 24/06/2023

TheLEADERChợ huyện Hương Khê là mô hình sáng tạo, hiệu quả. Một số tiểu thương ban đầu phản đối cũng phải thừa nhận những ưu điểm của chợ mới so với chợ cũ.

Không ít chợ truyền thống cũ nát được cải tạo thành chợ mới khang trang hơn, hiện đại hơn, nhưng lại vấp phải sự phản đối của tiểu thương, hoạt động èo uột vì không thu hút được cả người bán lẫn người mua. 

Giữa bức tranh màu xám đó, chợ huyện Hương Khê ở vùng biên giới miền núi Hà Tĩnh nổi bật như '"bộ mặt mới" của chợ truyền thống. Có người gọi là "chợ hiệu" vì chất lượng và đẳng cấp, kiểu hàng hiệu. Vào chợ ai cũng bất ngờ, từ cảnh quan, kiến trúc, tiện nghi đến dịch vụ thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải, bể nước, trạm bơm, trạm biến áp và thái độ người bán. Cứ ngỡ đang đi chợ các nước phát triển.

Chợ huyện Hương Khê trước đây là chợ Sơn, hoạt động từ 1993, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh, nguy cơ cháy nổ rập rình. Đêm 17/9/2016, chợ bị cháy, thiêu hủy nhiều hàng hóa của gần 600 quầy. Lãnh đạo huyện khẩn trương chỉ đạo xây chợ mới theo mô hình xã hội hóa.

Cuối năm 2019, Công ty TNHH Đức Tài trúng thầu vì tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của cả tiểu thương lẫn người dân. Anh Phạm Đức Tuấn, chủ đầu tư, xuất thân là tiểu thương chạy chợ, từng buôn bán trong chợ Sơn. Anh hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của người bán lẫn người mua. Được đi nhiều chợ, sàng lọc thông tin trên mạng và qua bạn bè, anh lên ý tưởng và nhờ kiến trúc sư chuyên nghiệp thiết kế kiểu chợ riêng.

Một số người nghi ngờ hiệu quả, kể cả người nhà, nhưng biết tính anh, đã quyết là làm bằng được. Tính anh ít nói, dùng hành động và thiện tâm của mình thay lời giải thích. Anh bám trụ hiện trường, cùng nhà thầu chọn vật liệu, màu sơn, bàn bạc và tranh luận từng chi tiết thi công. Hơn hai năm đi vào hoạt động, thực tế đã chứng minh.

Chợ Hương Khê là mô hình sáng tạo, hiệu quả. Một số tiểu thương ban đầu phản đối cũng phải thừa nhận những ưu điểm của chợ mới so với chợ cũ. 

Anh Lê Hữu Quế, chủ quầy hàng tạp hóa trải lòng: “Ban đầu, tôi không tin anh Tuấn làm được. Cùng là tiểu thương, nhìn bề ngoài anh Tuấn chẳng có gì nổi trội, thậm chí ngoại hình còn khiêm tốn. Nhưng những việc anh làm được đã nói lên tất cả. Chợ mới khang trang, tiện nghi, thông thoáng, sạch đẹp từ quầy hàng đến nhà vệ sinh. Ai cũng thích”.

Chợ hiệu Hương Khê 2
Quầy giày, dép.

Từng là tiểu thương, hơn ai hết, hiểu rõ nhưng nỗi khổ tâm, có thứ khó nói nên anh Tuấn chủ động bàn với lãnh đạo huyện giải quyết. Cụ thể, với những tiểu thương đăng ký sớm, chấp hành tốt chủ trương được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê quầy. Trường hợp bị thiệt hại nặng do sự cố cháy chợ cũ năm 2016 được hỗ trợ 6 tháng. Các hộ gia đình người có công, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo được hỗ trợ từ 3 – 6 tháng.

Chủ đầu tư còn hỗ trợ tiền điện, tiền nước, phương tiện vận chuyển, lãi suất ngân hàng như hỗ trợ 1 năm lãi suất vay vốn ngân hàng khi thuê ki-ốt dài hạn. Với những hộ buôn bán quá khó khăn, chủ đầu tư còn cho trả chậm, giảm lãi suất vay. 

Chị Nguyễn Thị Phong, chủ quầy quần áo tâm sự: “Không có chú Tuấn giúp, chắc tụi em đã bỏ chợ, thất nghiệp. Không chỉ hỗ trợ lãi vay, cho trả chậm, chú còn động viên vợ chồng em cố gắng vượt khó”.

Chợ hiệu Hương Khê 3
Quầy quần áo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Nguyễn Duy Đức đánh giá: Chợ Hương Khê là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan khu vực (trước đây là sân vận động xuống cấp), tạo điều kiện thuận lợi nhất về phát triển hạ tầng kỹ thuật, môi trường kinh doanh cho các tổ chức, các hộ tiểu thương kinh doanh trên địa bàn và vùng phụ cận, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển chợ theo đúng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch phát triển thương mại Hà Tĩnh.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, với quy mô, cơ sở vật chất khang trang, vị trí gần đường Hồ Chí Minh, chợ Hương Khê là cửa ngõ thông thương hàng hóa nối vùng phụ cận các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ và các huyện Quảng Bình; là đầu mối kết nối các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và du lịch.

Nhìn từ trên cao, chợ Hương Khê giống khu công nghiệp khang trang gồm nhiều tòa nhà biệt lập, có lối đi riêng rộng và nhiều cây xanh. Chợ rộng gần 6ha, gồm 904 quầy hàng với nhiều công trình phụ trợ chuẩn quốc gia. Chợ huyện nên được xếp loại 2, dù diện tích, số lượng quầy, các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ ăn đứt rất nhiều chợ loại 1, khởi dựng cuối 2016, khai trương trước Tết 2021. Hiện công suất sử dụng trên 80% mặt bằng.

Chợ hiệu Hương Khê 4
Chợ huyện mà như khu công nghiệp.

Tổng vốn đầu tư, bao gồm tiền đất, lên đến 145 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là vay ngân hàng. Chợ có các khu kinh doanh từng mặt hàng riêng biệt, có quầy 1 và 2 tầng, khu bán hàng ngoài trời, nhà kho, xử lý rác và nước thải, nhà vệ sinh, nhà tắm, phòng cháy chữa cháy…Chợ có 3 bãi xe và sân rửa xe rộng 2.376m2. Hệ thống giao thông nội bộ rộng từ 13m5 - 33m; vỉa hè rộng từ 3 – 7m5. Hệ thống cấp nước, thoát nước, điện sinh hoạt, chiếu sáng được xây dựng đi ngầm theo chuẩn quốc gia.

Khuôn viên chợ có 200 cây gỗ hương, chu vi mỗi cây từ 70 - 150cm cùng nhiều loại cây quý khác. Kế hoạch trồng thêm cây vẫn đang triển khai, chợ Hương Khê sẽ là chợ xanh môi trường đúng nghĩa. Chợ có cổng vào, ra riêng với thanh chắn, bảo vệ thường trực và hàng rào khuôn viên chợ. Học cách làm của siêu thị, sắp tới chợ sẽ miễn phí tiền gửi xe cho khách (các quầy hàng trả thay). Việc nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm thiết thực khách hàng.

Mới hay, khi tạo được sự đồng thuận, dám thay đổi và có cách làm hiệu quả thì việc khó cũng thành dễ. "Chợ hiệu" Hương Khê sẽ là điểm đến thú vị của du khách bên cạnh các danh thắng độc đáo, không đụng hàng của vùng đất Suối Thơm, Hà Tĩnh.