Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Quốc hội thông qua luật đặc khu trong kỳ họp thứ 5

An Chi - 16:50, 24/05/2018

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải sớm ban hành Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, trong quá trình thực hiện, sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh, sửa đổi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Quốc hội thông qua luật đặc khu trong kỳ họp thứ 5
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cuối tháng 10 đầu tháng 11/2017. Trong suốt nửa năm vừa qua, đã có nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo luật này.

Đến nay, dự án luật đã có nhiều điều chỉnh, sửa đổi dựa trên việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia và nhà đầu tư. Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh dự thảo luật này cho đến nay dường như vẫn chưa có điểm dừng.

Ngay trong phiên họp toàn thể tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5, dự án luật này cũng đã được Quốc hội thảo luận rất sôi nổi. Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đưa ra quan điểm mạnh mẽ với những ý kiến khác nhau về dự án luật.

Trong khi, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế chính sách vượt trội, đột phá, tạo cực tăng trưởng kinh tế mới thì cũng không ít những ý kiến cho rằng, dự thảo luật này vẫn còn những quy định chưa thực sự hợp lý về thể chế, mức ưu đãi trong các đặc khu.

Cụ thể, một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu cho rằng cần bổ sung các lĩnh vực cần ưu tiên ở đây. Theo Đại biểu quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), với Vân Đồn ưu thế về thời gian hoạt động du lịch ngắn, nên cần phát triển thêm ngành nghề ưu tiên khác như dịch vụ tài chính quốc tế, logistics, công nghệ sáng tạo.

Đối với Phú Quốc ưu thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh nằm trên tuyến hàng không hàng hải quốc tế sôi động của khu vực và thế giới, Phú Quốc có thể cân nhắc thêm dịch vụ cảng biển.

Về những ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại phiên họp thảo luận về luật đặc khu, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những giải trình đến Quốc hội.

Theo ông Dũng, đây là một luật mới, luật khó và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, tính phức tạp và phạm vi ảnh hưởng của dự thảo luật này rất lớn, đòi hỏi phải có nghiên cứu hết sức thận trọng.

Ông Dũng cho rằng, dự thảo luật đã bổ sung một số ngành nghề cho các khu như logistics, dịch vụ tài chính của Vân Đồn, hay bổ sung sản xuất sản phẩm chuyển giao công nghệ hải dương, hàng hải, sinh học đối với Bắc Vân Phong.

Đối với các ngành nghề khác như dịch vụ tài chính ngân hàng, du lịch casino hay là y tế giáo dục khu nào cũng đề nghị, ông Dũng cho rằng phải tập trung lựa chọn ngành nghề không dàn trải để ưu tiên ưu đãi. Nếu coi đó là ngành ưu đãi thì ưu tiên phát triển thành mũi nhọn, còn các ngành không ưu tiên thì vẫn được thực hiện ở đó.

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi rà soát, các bộ, ngành đã tăng thêm 23 ngành nghề so với dự thảo trình Quốc hội ở kỳ họp 4, đưa tổng số lên 131 ngành. Việc rà soát này dựa trên các nguyên tắc:

Thứ nhất, không liên quan trực tiếp và không ảnh hưởng trực tiếp quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe người dân.

Thứ hai, có thể kiểm soát quản lý trong điều kiện đặc khu.

Thứ ba, có thể kiểm soát quản lý bằng các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật theo phương thức hậu kiểm. Đầu tư phù hợp với chất lượng đầu tư của các ngành nghề đó và do thị trường và khách hàng lựa chọn sàng lọc hay các sản phẩm dịch vụ công ích có qua đấu giá, đấu thầu, gộp các nội dung tương tự này lại với nhau.

Về cơ chế chính sách ưu đãi tại các đặc khu, Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, việc có quá nhiều ưu đãi thuế có thể làm mất đi tính trung lập, công bằng của chính sách thuế. 

Ưu đãi quá lớn lại được áp dụng cho các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, không được xã hội khuyến khích sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển lợi nhuận, chuyển giá gây khó khăn cho quản lý, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, các ưu đãi này được thiết kế để đủ vượt trội so với trong nước hiện nay và cạnh tranh được với quốc tế, nhưng cũng chỉ đủ để đảm bảo thu hút đầu tư, không lạm dụng việc này.

Quan trọng nhất vẫn là môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường đầu tư ở các đặc khu. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo đã có sự điều chỉnh hợp lý về các mức độ ưu đãi, miễn giảm thuế, đất đai đều được điều chỉnh và theo hướng tập trung có định hướng, không dàn trải.

Về thời gian thuê đất 99 năm, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đề nghị bỏ quy định này bởi không có vòng đời dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm, thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Theo ông Nghĩa, thời hạn này ngang với 3 - 4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến.

Với đề xuất này, ông Dũng đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo vì đây là một chính sách vượt trội của Việt Nam. Hiện mức 99 năm cũng đã được nhiều nước áp dụng như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia.

Đề xuất giữ nguyên mức thuế casino 10% trong thời hạn 10 năm

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, góp ý vào dự Luật đặc khu kinh tế đặc biệt, bà Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dịch vụ liên quan dịch vụ kinh doanh casino, dịch vụ kinh doanh đặt cược, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử.

Trái quan điểm của bà Mai, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), hiện tại các dự án casino tại các đặc khu bị rằng buộc bởi điều kiện về quy mô vốn đầu tư tối thiểu là 45.000 tỷ đồng và không quy định thời hạn giải ngân vốn thực hiện dự án.

Bà Phúc cho rằng, việc đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% thì sẽ không tạo được sự khác biệt cạnh tranh với các dự án tương tự đang triển khai tại các nước khác trong khu vực do có chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Do đó, nên chỉnh sửa theo phương án mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư là được áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 10% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ, bà Phúc nói.

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất giữ như dự thảo để đảm bảo được tính cạnh tranh, thu hút được dòng tiền trên thế giới. Trong đặc khu sẽ được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ.

Về việc Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch đặc khu thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị giữ nguyên như dự thảo.

Trước những quan điểm trái chiều của các đại biểu Quốc hội, ông Dũng cho rằng, dự thảo Luật đặc khu kinh tế đặc biệt đã đến lúc hội tụ đủ các điều kiện, tiếp thu, hoàn chỉnh bước nữa để đủ điều kiện để thông qua. Ông Dũng đề nghị với Quốc hội cho phép thông qua trong kỳ họp lần này.

Theo vị lãnh đạo này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ban hành sớm Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt để triển khai. Trong quá trình triển khai thực hiện, có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi chứ không chỉ dừng lại ở đây.

Lấy dẫn chứng như ở Hàn Quốc, trong 10 năm quốc gia này đã sửa luật đặc khu 6 lần, Nhật Bản trong 3 năm cũng sửa 2 lần. Tất nhiên cần thận trọng như tất cả các ý kiến mà các đại biểu Quốc hội đã nêu, song Việt Nam cũng không nên quá cầu toàn, vấn đề hiện nay là việc tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.