"Bong bóng của những lời hứa suông sắp vỡ"

Phương Anh - 08:12, 12/08/2021

TheLEADERGiới nghiên cứu đang hối thúc các chính phủ hành động và hành động trước những bằng chứng khoa học rất rõ ràng về cơ hội mong manh để cứu Trái đất. “Sẽ là một sự tự sát và không hợp lý về mặt kinh tế nếu cứ trì hoãn", Giám đốc ICCCAD nhấn mạnh.

Theo các nhà khoa học, không còn nghi ngờ gì về việc các hoạt động của con người đã làm trái đất ấm lên. Cùng với đó, những thay đổi nhanh chóng và phổ biến về khí hậu đã xảy ra và một số tác động đã hiện rõ.

Đây là một trong những kết luận đáng lưu ý trong báo cáo “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý” được 195 chính phủ phê duyệt thông qua trong khuôn khổ phiên họp thứ 54 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC).

Cụ thể, những phát triển mới trong khoa học tìm nguyên nhân, trong đó các nhà khoa học phân tích mức độ ảnh hưởng của các hoạt động của con người đối với các sự kiện thời tiết cụ thể, đã làm rõ rằng con người đang góp phần làm tăng cả khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nắng nóng khắc nghiệt, lượng mưa, hạn hán và bão nhiệt đới.

Phần lớn hành tinh đã trải qua các đợt nóng cực độ (gồm cả sóng nhiệt), bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, các khu vực lớn của châu Mỹ Latinh, Tây và Đông Nam Phi, Siberia, Nga cũng như khắp châu Á.

Hạn hán được biết tới ít hơn, nhưng các bằng chứng cho thấy rằng Đông Bắc Nam Phi, Địa Trung Hải, Nam Úc, bờ Tây Bắc Mỹ nói riêng đang phải đối phó với tình trạng hạn hán gia tăng.

Trong khi đó, Bắc Âu và một số khu vực của Bắc Mỹ và Nam Phi đang phải đối phó với lượng mưa lớn hơn.

Một vấn đề đáng chú ý là hiện tượng các sự kiện phức hợp, ví dụ như sóng nhiệt và hạn hán xảy ra gần nhau, hoặc thậm chí cùng một lúc. Điều này sẽ gây ra rủi ro đặc biệt bởi cộng đồng sẽ có rất ít thời gian, hoặc không có thời gian cho quá trình phục hồi giữa các sự kiện.

Báo cáo nhấn mạnh những hậu quả của biến đổi khí hậu đang diễn ra không thể đảo ngược trong thời gian trăm năm hay thiên niên kỷ, đặc biệt là đối với những thay đổi của đại dương, các tảng băng và mực nước biển toàn cầu.

Quy mô của những thay đổi gần đây xảy ra trong hệ thống khí hậu, và phần lớn trạng thái hiện nay là chưa từng có trong hàng nghìn năm.

Mục tiêu của thỏa thuận Paris khó có thể đạt được

Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này là không quá 2 độ C và tốt nhất là không quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ ràng hơn bao giờ hết rằng cả giới hạn 1,5 độ C và 2 độ C đều sẽ bị vượt quá trong thế kỷ XXI, trừ khi con người giảm mạnh phát thải khí CO2 cùng với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, đưa phát thải ròng về 0 vào khoảng năm 2050 hoặc sau năm 2050.

Đây sẽ là điều chưa từng có tiền lệ, vì lần cuối cùng nhiệt độ bề mặt trái đất cao hơn 2,5 độ C so với mức tiền công nghiệp là hơn 3 triệu năm trước.

Trong tất cả các kịch bản, sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ bị vượt qua trong tương lai gần (từ năm 2021 đến năm 2040) và sẽ duy trì trên 1,5 độ C cho đến cuối thế kỷ này.

Báo cáo lưu ý và nhấn mạnh rằng việc xử lý khí nhà kính không chỉ bao gồm khí CO2 khi nồng độ khí mê-tan và nitơ ôxi hiện đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua. Do đó, các hạn chế nghiêm ngặt về mê-tan là rất quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Bà Christiana Figueres, cựu thư ký điều hành Công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đánh giá: “Báo cáo mới nhất này là một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta cần đẩy nhanh các nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang một mô hình tăng trưởng xanh hơn, sạch hơn”.

Thế giới có thỏa thuận Paris, nhưng giảm thiểu tác động theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu phụ thuộc vào các giải pháp được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân so với các tác động.

GS. Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển (ICCCAD), đánh giá những phát hiện của IPCC không phải là một cuộc diễn tập, mà là lời cảnh báo cuối cùng rằng bong bóng của những lời hứa suông sắp vỡ.

Theo đó, các quốc gia G20 cần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu và lần này, tuân theo cam kết đưa ra các chính sách đảm bảo rằng trái đất không nóng lên quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

“Sẽ là một sự tự sát và không hợp lý về mặt kinh tế nếu cứ trì hoãn. Phương hướng hành động đã quá rõ ràng”, vị này nhấn mạnh.