Tháo rào cản pháp lý cho khu công nghiệp tuần hoàn

Phạm Nhật - 11:33, 14/04/2024

TheLEADERMô hình cộng sinh tại các khu công nghiệp là cách tiếp cận quan trọng hướng tới kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên lại đang vướng nhiều vấn đề về pháp lý trong triển khai thực tiễn.

Tháo rào cản pháp lý cho khu công nghiệp tuần hoàn
Cộng sinh công nghiệp giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết, áp dụng những mô hình khu công nghiệp sinh thái tăng cường thực hiện hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp đã giúp 88 doanh nghiệp cắt giảm khoảng gần 9 nghìn tấn khí thải carbon và tiết kiệm gần 70 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2024.

Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng của cộng sinh công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ông Quân nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo năng lực cạnh tranh cũng như tính bền vững cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, rộng hơn là cho địa phương và cả nền kinh tế.

Đồng quan điểm về tiềm năng cộng sinh công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia tư vấn độc lập về hóa chất và môi trường, việc triển khai các giải pháp này ở khu công nghiệp đang vướng rất nhiều rào cản về pháp lý.

Theo đó, về tổng thể, Việt Nam vẫn thiếu những cơ chế mang tính khuyến khích về tài chính và kinh tế cho các doanh nghiệp. Đi sâu vào các giải pháp cụ thể cũng còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ.

Tiêu biểu như việc sử dụng năng lượng tái tạo đang phải đối diện với thủ tục đầu tư phức tạp, giá thành sản xuất cao. Trong khi đó, chính sách khuyến khích phát triển điện tái tạo lại chưa ổn định, rõ ràng và chưa có chính sách khuyến khích các đơn vị nghiên cứu tham gia ứng dụng khoa học công nghệ giúp giảm suất đầu tư của dự án điện.

Vấn đề tái chế và tái sử dụng chất thải cũng gặp khó do chưa có chính sách đẩy mạnh cũng như chưa phát triển được thị trường sản phẩm, vật liệu tái sinh.

Hiện tại, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc đối với nhiều loại sản phẩm, theo công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Tuy nhiên, mức chi phí tái chế (Fs), dự kiến được công bố vào tháng 1 nhưng đến nay vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, chỉ khoảng 1 tuần nữa là doanh nghiệp phải báo cáo kế hoạch thực thi EPR .

Mức Fs cũng là một vấn đề gây tranh cãi trong suốt thời gian qua, bởi mức phí quá thấp thì không có ý nghĩa thực tế, nếu quá cao lại tác động tiêu cực tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, bà Liên kiến nghị cần đưa ra mức Fs phù hợp với thực tế và khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào tái chế.

Tái sử dụng nước thải, bùn thải và các chất thải hữu cơ thành năng lượng sinh học là giải pháp nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đây là giải pháp tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều ý nghĩa thực tiễn về giảm thiểu chi phí, tiết kiệm tài nguyên.

Tuy nhiên, bà Liên cho biết, Việt Nam vẫn thiếu các hướng dẫn cũng như quy chuẩn kỹ thuật về tái sử dụng và tuần hoàn nước thải làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các chính sách quan trọng như giá FIT cho năng lượng sinh học hay khuyến khích sản xuất phân bón từ bùn thải cũng chưa được ban hành.

Nêu những vướng mắc pháp lý tại Hội nghị Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức, bà Liên đề xuất, thúc đẩy cộng sinh công nghiệp đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và chính phủ.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp.