Bước hụt của Diffcat, 'cha đẻ' game Việt từng vang danh khắp châu Âu và Mỹ

Quỳnh Như - 08:05, 23/04/2018

TheLEADERNhững tưởng với việc game FaceDance Challenge nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới, đứng đầu mọi bảng xếp hạng tại Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á... nhưng sau 8 tháng ra mắt, danh tiếng và doanh thu của game này lại không như kỳ vọng của nhà phát triển ra nó, Diffcat

Bước hụt của Diffcat, 'cha đẻ' game Việt từng vang danh khắp châu Âu và Mỹ
FaceDance Challenge từng là một game đình đám thế giới vào tháng 8/2017.

Tháng 3/2017, cái tên FaceDance Challenge cùng Diffcat xuất hiện như một vì sao sáng ở thị trường game Việt Nam và thế giới. Sau Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông năm 2014, đây là 1 app game Việt nữa vang danh thế giới.

FaceDance Challenge là game thứ ba Diffcat sản xuất, thời gian hoàn thành khoảng 5 tháng, là game đầu tiên trên thế giới sử dụng khuôn mặt để chơi. “Chúng tôi muốn tạo ra một game chưa ai làm và có thể đứng đầu thế giới. Ngoài ra, game phải đáp ứng 3 yếu tố: siêu vui nhộn, kết nối và vận động”, CEO Diffcat Nguyễn Xuân Giang nói.

Lúc đầu, Diffcat dự định sau khi chạy quảng cáo trên Facebook ở Việt Nam sẽ tập trung vào người sử dụng ở Thái Lan và Philippines, hai quốc gia sử dụng tiếng Anh phổ biến. Khá bất ngờ chỉ sau 4-5 ngày chạy quảng cáo ở Việt Nam, game lan truyền sang các nước trong khu vực với tốc độ chóng mặt.

Chỉ một tuần sau khi ra mắt trong tháng 8/2017, FaceDance Challenge đạt được những thành tích mà không phải ai cũng làm được: sau khi ra mắt ở Việt Nam được 5 ngày, nó leo lên đứng nhất ở Thái Lan, Philippines và sau đó lan ra toàn châu Á. 

Thậm chí, sau đó FaceDance Challenge còn đứng hạng 1 về game ở Pháp, lọt top 5 các game ở Mỹ và hạng 5 ở Vương quốc Anh. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, FaceDance Challenge có tới 30 - 50 triệu lượt tải.

Theo chia sẻ từ Nguyễn Xuân Giang, CEO của Studio Diffcat, việc FaceDance Challenge nổi tiếng nhanh như thế là một bất ngờ đối với cả ekip thực hiện game này. "Chúng tôi chỉ tiêu khoảng 3 đến 4 triệu đồng tiền quảng cáo nên sự nổi tiếng của game, tôi cho rằng nhờ rất nhiều vào sự may mắn”, Giang nói.

Những tưởng với việc nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới như vậy, Diffcat sẽ hái ra tiền. Tuy nhiên, sau gần 8 tháng quảng bá và phát triển, danh tiếng và doanh thu của FaceDance Challenge không hề giống với kỳ vọng của Diffcat, lý do chính bởi ngay cả Giang và công ty cũng không được chuẩn bị kỹ càng cho việc sẽ nổi tiếng thế giới và làm sao để có thể khai thác hiệu quả nhất sản phẩm của mình.

"Có 3 nguyên do khiến FaceDance Challenge không phát huy được hết tiềm năng cũng như khả năng của mình. Đầu tiên, là bởi sự tấn công từ các công ty lớn của thế giới để chặn đà phát triển của game. Thứ hai, chúng tôi chưa có sự chuẩn bị tốt cho một kế hoạch quảng bá và khai thác hiệu quả. Thứ ba, vô tình game vi phạm bản quyền âm nhạc", anh Giang chia sẻ.

CEO Diffcat Nguyễn Xuân Giang: Tôi cảm thấy hoàn toàn đơn độc khi đi ra toàn cầu
CEO Hoàng Xuân Giang của Diffcat.

Dữ liệu 30 ngày trước đó, tính từ khi game ra mắt, trên Instagram, Snapchat, Messenger.., FaceDance Challenge luôn nằm trong top 10. Từ ngày 18/8/2017 đến 20/08/2017, đột nhiên, các ông lớn kể trên đồng loạt 'chặn download', khiến tất cả các app đều bị rớt, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là FaceDance Challenge. Tiếp theo, game bị rớt khỏi top 20, trong một số thời điểm còn bị rơi khỏi top 100. 

Điều này đã chặn luôn việc lên top 1 của game, Diffcat dự định khi game lên top 1 mới bắt đầu viral trên toàn thị trường Mỹ và châu Âu, vậy là kế hoạch bị phá sản. "Lúc nhìn FaceDance Challenge đột nhiên bị chặn đứng đà tăng trưởng, tôi cảm thấy mình thật đơn độc khi đi ra toàn cầu", anh Giang nhớ lại. 

Bên cạnh đó, Diffcat cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác quảng cáo của một app game có quy mô toàn cầu. Quảng cáo từ Admod không trả về được ở thị trường Trung Quốc, do Google không được phép hoạt động tại thị trường này. 

Tại thị trường toàn cầu thì Diffcat đặt nhầm ID banner cho ID Pop-up Ads và ngược lại. Tỉ lệ lấp đầy quảng cáo/tỷ lệ số quảng cáo được trả về thành công khi có yêu cầu (fill rate) của game cũng chỉ 1,2%, một tỷ lệ cực thấp. "Chúng tôi đã thất bại hoàn toàn về doanh thu", anh Giang nói.

Đặc biệt, một ngày nọ, Giang nhận được email từ một đơn vị bên Mỹ thông báo rằng: game FaceDance Challenge đã vi phạm bản quyền âm nhạc sử dụng trong phim. Sau bao ngày mất ngủ, tìm kiếm nguyên nhân mới biết rằng, Diffcat có mua bản quyền âm nhạc cho game với giá khá rẻ, công ty mà mình mua bản quyền thực ra cũng là bán lậu. Rất may cho Difficat, công ty bên Mỹ đã đưa ra phương án: Chỉ cần game dừng phát nhạc, họ sẽ bỏ qua.

"Một cô bạn luật sư của tôi ở Mỹ ngày nào cũng gọi điện hỏi: Giang tính sao, vi phạm bản quyền là nghiêm trọng lắm, hay là Giang bỏ hết nhạc đi?. Tôi từng biết trên thế giới, có nhiều game đã cáo chung sau khi đụng tới chuyện vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, cũng may sau đó chúng tôi tìm được giải pháp: chỉ phát các đoạn nhạc dài dưới 30 giây, đủ để không vi phạm bản quyền", CEO Diffcat kể lại.

Sau nhiều biến cố, đầu tháng 4 vừa qua, Diffcat đã nhận được khoản đầu tư 2,2 triệu USD từ Vườn ươm khởi nghiệp AppWorld, số tiền này bao gồm tiền mặt và các chiến dịch truyền thông mà AppWorld sẽ làm cho sản phẩm mới từ Diffcat. 

Vườn ươm AppWorld do Yeah1 Group liên kết hợp tác với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, với mong muốn đưa app do người Việt sáng tạo lan tỏa ra khắp thế giới, tổng vốn đầu tư ban đầu là 1 triệu USD.

Mới đây, quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam VinaCapital với ngân quỹ 1,8 tỷ USD cũng đã tham gia tài trợ vốn cho AppWorld.