Thị thực chung 6 nước ASEAN: Hay nhưng khó thành

Kiều Mai - 21:13, 15/04/2024

TheLEADERSáng kiến thành lập thị thực chung giữa sáu nước Đông Nam Á mà Thái Lan đề xuất mới đây được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng khó thành hiện thực vì nhiều rào cản.

Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn

“Ngành khách sạn và du lịch Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu thỏa thuận này được tiến hành”, ông Herbert Laubichler-Pichler, Giám đốc điều hành Alma Resort Cam Ranh, đánh giá về sáng kiến thị thực chung được Thái Lan đề xuất mới đây.

Theo đó, các thành phố lớn của Việt Nam có đường bay thẳng đến các nước này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì sẽ có nhiều người đi lại, chẳng hạn như Bangkok - TP.HCM và Kuala Lumpur – TP.HCM.

Ý tưởng về chương trình thị thực chung giữa Thái Lan cùng 5 nước ASEAN khác là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam được Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đưa ra mới đây. Mục tiêu là nhằm thu hút nhiều du khách có kỳ nghỉ dài và mức chi tiêu cao.

Sáng kiến này được ví như thị thực kiểu Schengen tại Đông Nam Á, có nghĩa rằng du khách chỉ cần xin thị thực tại một trong sáu nước và đi tới các nước còn lại.

Thị thực chung 6 nước ASEAN: Hay nhưng khó thành
Ngành khách sạn và du lịch Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu sáng kiến thị thực chung được tiến hành. Ảnh: Alma

Ông Herbert Laubichler-Pichler phân tích, loại thị thực này sẽ giúp giải quyết mối lo ngại Việt Nam đang mất đi cơ hội tiếp cận du khách vì các yêu cầu thị thực của Việt Nam hơi khó hơn so với Thái Lan và Malaysia.

Thái Lan tiếp tục thu hút lượng khách du lịch cao hơn Việt Nam, vì vậy loại thị thực kiểu này có thể khuyến khích nhiều khách du lịch đến Việt Nam hơn, những người chỉ định đến Thái Lan cũng sẽ kết hợp đến Việt Nam.

“Loại thị thực này sẽ có lợi không chỉ đối với Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Tôi hy vọng đề xuất này sẽ được thông qua. Sẽ rất tuyệt vời”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương, cho biết chương trình thị thực này nếu thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích rất rõ ràng cho cả doanh nghiệp lẫn khách du lịch trong khối ASEAN.

Thái Lan luôn là cửa ngõ mà nhiều khách du lịch quốc tế muốn tới. Do đó, nếu vào Thái Lan và được phép tự do đi các nước khác trong khối sáu nước này, du khách sẽ muốn đi thăm các nước khác do sự kết nối đường bộ khá tốt tại đây.

“Có rất nhiều thị trường mà khách muốn đi nhiều nước. Đơn cử, trong quá trình làm tôi thấy du khách các nước châu Âu, Úc hay Ấn Độ, Mỹ đi từ nước này qua nước khác thường xuyên. Cùng với đó, kỳ nghỉ của họ kéo dài, 10 ngày, thậm chí 21 ngày, nên họ có nhu cầu đi nhiều nước cùng lúc”, ông Thủy cho biết thêm.

Nhiều vấn đề cần xem xét

Ở góc độ nghiên cứu, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Outbox, cũng đánh giá, nếu ý tưởng của Thái Lan thành hiện thực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Cùng với đó, khu vực ASEAN sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn với những khu vực khác trên thế giới.

Ngoài ra, khi sáu nước hình thành một khối thống nhất, không chỉ có ngành du lịch mà nhiều ngành kinh tế khác cũng sẽ được hưởng lợi như trường hợp của châu Âu đã chứng minh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần xem xét và không có nhiều cơ hội để ý tưởng này có thể sớm thành hình.

Đơn cử, hiện Thái Lan đã miễn thị thực với Trung Quốc trong khi Việt Nam thì chưa, cho thấy quan điểm chính sách của các nước đang có sự khác biệt. Nếu các nước có độ mở tương đương thì quá trình đàm phán sẽ dễ dàng hơn khi chỉ cần sự đồng bộ và quản ký tốt về dữ liệu.

“Do vậy, quá trình để ý tưởng của Thái Lan thành hiện thực sẽ mất rất nhiều thời gian, không chỉ của mỗi ngành du lịch mà còn là giữa các bộ của các nước để giải quyết những vấn đề lớn hơn như nhạy cảm hay rủi ro về chính trị”, ông Phước phân tích.

Thị thực chung 6 nước ASEAN: Hay nhưng khó thành 1
Không có nhiều cơ hội để ý tưởng thị thực chung ASEAN có thể sớm thành hình. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng quan điểm, ông Thủy cho rằng, việc áp dụng thị thực chung cho sáu nước ASEAN sẽ rất khó thực hiện do bối cảnh mỗi quốc gia có một quan điểm riêng về an ninh chính trị.

Trong quá khứ, một số liên kết tương tự đã diễn ra nhưng chưa thật sự thành công đột phá. Đơn cử, trước đây, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong đã ký kết công nhận các loại xe lưu thông qua biên giới mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp phải nhiều vấn đề do còn nhiều điều chưa nhất quán liên quan đến yêu cầu, quy định khác nhau của các nước.

“Ví dụ về xe ô tô đường bộ trên là một ví dụ điển hình về liên kết du lịch xuyên biên giới và đã cho thấy nhiều vấn đề chưa được thuận lợi. Bây giờ đặt ra thị thực chung thì không biết liệu có thực hiện được hay không”, ông Thủy băn khoăn.

Ở góc độ điều hành khách sạn, ông Herbert Laubichler-Pichler e rằng chính sách thị thực đó sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho các thành phố lớn của Việt Nam với các chuyến bay thẳng từ các nước láng giềng, và sẽ bất lợi cho các điểm đến bãi biển như Cam Ranh.

Cam Ranh có một số chuyến bay thẳng từ Kuala Lumpur và Bangkok nhưng không nhiều như các thành phố lớn.

Do vậy, theo ông, cần có thêm nhiều đường bay thẳng từ các nước cũng như từ các thành phố lớn của Việt Nam tới các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển như Cam Ranh.

“Trừ khi du khách có thời gian và tiền bạc để đi hết các nước, loại thị thực này chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các điểm đến nghỉ dưỡng biển của Việt Nam với các điểm đến nghỉ dưỡng biển của Thái Lan”, ông lưu ý.